Bỏ phố về quê làm nông dân

Cách đây 5 năm, khi một số người dân bỏ ruộng không cấy vì đồng đất chua trũng, để ruộng thành bãi hoang thì chàng thanh niên Trần Quang Phước, sinh năm 1979 ở xã Quốc Tuấn, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, lại quyết định “bỏ phố về quê”, gắn bó với ruộng đồng và trở thành “kỹ sư nông dân”. Anh cũng là người đầu tiên mang phương thức lúa gieo sạ hiệu quả cao về cho dân làng.

 

N ăm 1997, anh Phước theo học tại Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội, khoa trồng trọt. Hồi đó, người nghiên cứu về lúa đã ít, về lúa lai lại càng ít hơn. Được các anh khóa trước nói về những điểm mới của cây lúa lai, chàng sinh viên năm thứ hai Trần Quang Phước đã quyết định“dấn thân” vào việc nghiên cứu giống lúa mới. Hàng ngày, anh Phước theo các anh chị khóa trên ra ruộng và “học lỏm” về lúa lai. Thời gian sau, may mắn anh được theo PGS. TS Nguyễn Thị Trâm - người có nhiều nghiên cứu về giống lúa lai hai dòng chất lượng cao. Anh bắt đầu từ việc giúp cô ghi số liệu sinh trưởng phát triển của cây. Từ đây, anh tích lũy được nhiều kiến thức về loại giống mới này. Thấy anh cần cù, chịu khó, cô Trâm đã tin tưởng giao cho thực hiện đề tài riêng. Anh và cây lúa “bén duyên” từ đó.

 

Anh kể, thời đó sinh viên làm đề tài khoa học nghiên cứu về lúa bận bịu như có con mọn. Ngày nào cũng phải ra đồng thăm lúa, có khi tới trưa, lúc chiều muộn mới về, cặm cụi ghi chép từng chi tiết. Hơn nữa, lúa lai là giống mới nên trong nước chưa có nhiều tài liệu, chủ yếu là đọc trực tiếp tài liệu nước ngoài. Để hiểu được tài liệu chuyên ngành, ngoài thời gian học trên lớp, anh dành thời gian để học thêm tiếng Anh. Nhờ những nỗ lực nghiên cứu về giống lúa lai từ giảng đường, cái tên Trần Quang Phước đã được nhiều công ty biết đến. Năm 2001, anh tốt nghiệp Đại học và có việc làm ổn định ở các cơ quan nhà nước như Trung tâm giống cây trồng của tỉnh Hà Tây (cũ), Trung tâm giống cây trồng Trung ương và cả những công ty nước ngoài với thu nhập trên 1.000 USD/tháng. Vào thời điểm đó, công việc và mức lương như của anh, khiến không ít sinh viên mới ra trường ao ước.

 

Thế nhưng, sau 6 năm tích lũy vốn liếng và kinh nghiệm tại các công ty, năm 2007 anh quyết định “bỏ phố về quê”, từ bỏ vị trí một kỹ sư nông nghiệp để thành một nông dân trực tiếp sản xuất, gắn bó với ruộng đồng ngay trên mảnh đất đã sinh ra mình. Đất đai quê anh chua trũng, canh tác kém hiệu quả nên người dân bỏ ruộng. Nhưng chính anh lại khởi nghiệp từ bãi cỏ hoang ấy. Có hơn 2 ha, anh cải tạo đất và quy hoạch lại như những ô bàn cờ theo mô hình vườn- ao- chuồng- rừng (VACR), với 1.000 m2 chăn nuôi gia súc, 1.000 m2 đào ao thả cá truyền thống, 1.800 m2 trồng rau màu, diện tích còn lại cấy 2 vụ lúa và 1 vụ màu. Vốn sinh ra và lớn lên trong gia đình bố mẹ đều làm nông nghiệp, anh hiểu mồ hôi công sức mà người nông dân phải bỏ ra để có được hạt thóc vất vả đến chừng nào. Trong khi xã hội ngày càng phát triển, khoa học kỹ thuật được cải tiến, tại sao không áp dụng những công nghệ đó vào nông nghiệp để giúp nông dân bớt vất vả? Điều đó đã thôi thúc anh tìm hướng đi mới cho dân làng.

 

Từ những chuyến công tác tại các tỉnh Nam Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long trước đây, anh đã biết đến cách gieo lúa theo phương thức sạ hàng, nhưng với nông dân vùng Bắc Bộ, đây là biện pháp còn mới mẻ. Anh phân tích: Nông dân trồng lúa vất vả mà vẫn nghèo vì chi phí nhân công cho việc làm mạ, cấy lúa chiếm phần lớn giá thành sản phẩm. Trong những ngày giáp vụ, có muốn thuê người cấy cũng khó, giá nhân công lại cao. Nếu sử dụng biện pháp gieo sạ hàng, 2 lao động có thể gieo trên 2 ha/ngày, bằng 40 công cấy và nhổ mạ. So với giá thuê nhân công ở miền Bắc hiện lên đến 75.000 - 80.000 đồng/sào Bắc Bộ, bà con sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Khi lúa phát triển, việc chăm sóc cũng dễ dàng hơn, rút ngắn thời gian sinh trưởng so với lúa cấy 7 - 10 ngày, ruộng thông thoáng, ít sâu bệnh so với gieo vãi, năng suất cao hơn 15% - 20%, đồng thời tiết kiệm được lượng lúa giống (nếu cấy tay, bà con phải dùng 2,5 - 3 kg/sào thì gieo bằng công cụ chỉ hết khoảng 0,8 kg/sào). Nghĩ là làm, anh quyết định mang phương pháp gieo sạ về làng. Những ngày đầu thấy anh làm, cả làng không ai tin anh sẽ thành công. Vụ mùa cả làng cấy, còn anh mang máy sạ ra ruộng. Vụ mùa đầu tiên thành công, dần dần người dân trong làng cũng “theo” anh. Đến nay, diện tích xạ vụ xuân đã chiếm 40% -45%, vụ mùa 30%. Anh dự tính, khi hoàn thành dồn điền đổi thửa, anh sẽ mang phương pháp này đến những xã, huyện khác.

 

Hiện nay, trang trại của anh mỗi năm thu trên 400 triệu đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 7 lao động với thu nhập từ 1,5- 2 triệu đồng/người/tháng. Anh còn nhận trợ giúp kỹ thuật cho các trang trại khác ở Nam Định, Thái Bình, Hòa Bình, Hải Dương, Quảng Ninh và Thanh Hóa. Tháng 9 vừa qua, anh cùng bạn bè lên tận Sơn La hỗ trợ người dân vùng sạt lở đất chuyển đổi cây trồng. Nửa tháng cùng ăn, cùng ở, cùng làm với đồng bào dân tộc các huyện Sông Mã, Yên Châu, Mộc Châu, anh đã giúp người dân phương pháp trồng lạc dễ làm, hiệu quả cao. Từ ngày anh về làng, mỗi khi vật nuôi, cây trồng mắc bệnh, người nông dân trong xã đều tìm đến anh. Nhờ anh Phước, giờ đây dân làng đã biết đến máy gặt đập liên hợp gặt lúa nhanh, giảm chi phí nhân công hơn nhiều so với gặt tay, biết đến cách trồng đậu tương trên gốc rạ cây vụ đông vừa giúp cải tạo đất, cho hiệu quả kinh tế cao.

 

A nh còn tự mày mò, nghiên cứu và áp dụng những cách làm mới, thực nghiệm ngay tại trang trại của mình. Anh ngâm cây thuốc lào với nước, sau đó trộn với tỏi giã, phun lên rau bị sâu bệnh. Theo anh, làm như thế sâu bị tê cứng và chết, lại an toàn với người sử dụng.

 

Năm 2011 vừa qua, anh Trần Quang Phước là một trong 5 nhà nông trẻ xuất sắc của tỉnh Thái Bình được Trung ương Đoàn trao tặng Giải thưởng Lương Định Của lần thứ VI.

 

 

Thu Hoài

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN