Theo đó, thận của một người đàn ông 43 tuổi từ Hà Nội đã được chuyển vào TP Hồ Chí Minh để ghép cho một nam sinh lớp 10 ngụ ở Lâm Đồng. Sau 12 ngày ghép, cậu học sinh học lớp 10 đã nở nụ cười hạnh phúc vì được trở về cuộc sống bình thường, được đến trường học tập như bao bạn bè khác. Đây cũng là bệnh nhi đầu tiên được ghép thận từ người chết não hiến tặng.
Cuộc điện thoại định mệnh
Ngày 9/12, bệnh viện Nhi Đồng 2 nhận được thông tin từ Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia về trường hợp một nam bệnh nhân (43 tuổi, ngụ Thái Bình) bị hôn mê sau mổ dị dạng mạch máu não tại bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội). Bệnh nhân không qua khỏi nên gia đình đã quyết định hiến tặng tạng để cứu những bệnh nhân khác.
Ngay sau khi nhận được thông tin, các bác sĩ đã khẩn trương họp nội bộ để thông tin tình hình, lên kế hoạch chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật. Lúc 7 giờ 30 phút, bệnh viện nhận được tin báo người hiến chắc chắn cho thận nếu phù hợp. Ngay lập tức, lãnh đạo bệnh viện Nhi Đồng 2 đã kích hoạt báo động đỏ đến toàn hệ thống. Ê kíp phẫu thuật nhanh chóng thông báo cho bệnh nhân có tên trong danh sách chờ ghép nhanh chóng đến bệnh viện để làm một số xét nghiệm hòa hợp miễn dịch với người hiến tạng.
Bệnh nhi Đ.V. H (sinh năm 2003, ngụ Lâm Đồng) được đăng ký vào danh sách ghép chết não quốc gia tháng 6/2018. Đ.V.H. được phát hiện suy thận giai đoạn cuối tháng 1/2018, nghi do thiểu sản thận 2 bên. Được thẩm phân phúc mạc ngoại trú từ tháng 2/2018, theo dõi tái khám mỗi tháng tại bệnh viện Nhi Đồng 2, Đ.V.H dự tính ghép với người cho đồng huyết thống nhưng tạm hoãn vì người cho có tình trạng tăng men gan.
Chị N.T.T, mẹ của bệnh nhi kể, vừa đi làm về thì chị nhận được điện thoại từ bệnh Nhi Đồng 2 gọi lên hỏi thăm tình hình sức khỏe bé. Sau khi nghe thông báo về tình hình sức khỏe của bé vẫn bình thường, thì bệnh viện cho biết có một trường hợp người chết não cho tạng và đưa bé xuống bệnh viện kiểm tra để thực hiện cuộc phẫu thuật.
“Đó là buổi chiều định mệnh, nghe tin mà gia đình tôi mừng rơi nước mắt. Ngay lập tức tôi gọi xe, hai vợ chồng đưa cháu xuống TP Hồ Chí Minh nhập viện. 1 giờ 30 sáng bé tới bệnh viện và được lấy máu đưa sang bệnh viện Chợ Rẫy xét nghiệm, đến 8 giờ sáng thì có kết quả máu của bé và người cho tương thích”, chị T. không giấu được cảm xúc, vui mừng chia sẻ.
Lúc 14 giờ ngày 12/12, ê kíp ghép tạng của bệnh viện Nhi Đồng 2 đã hội chẩn với các bác sĩ chuyên gia đầu ngành về ghép thận của bệnh viện Chợ Rẫy, gồm GS.TS.BS.Trần Ngọc Sinh (Chủ tịch Hội Niệu Thận học TP Hồ Chí Minh, Trưởng bộ môn Tiết niệu học Trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh, nguyên trưởng khoa Ngoại - Tiết niệu bệnh viện Chợ Rẫy); PGS.TS.BS. Thái Văn Sâm, Trưởng khoa Tiết niệu bệnh viện Chợ Rẫy; TS.BS Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng đơn vị ghép tạng bệnh viện Chợ Rẫy.
Đến 16 giờ cùng ngày, thận hiến từ người cho chết não được bảo quản an toàn, kỹ lưỡng trong thùng giữ đông chuyên dụng, được vận chuyển từ bệnh viện Việt Đức ( Hà Nội) vào đến TP Hồ Chí Minh bằng đường hàng không và ngay sau đó được chuyển đến bệnh viện Nhi Đồng 2 lúc 17 giờ 30. Ca phẫu thuật ghép thận đã diễn ra từ 21 giờ ngày 12/12 đến 3 giờ ngày 13/12 đã thành công tốt đẹp.
Mở ra giai đoạn mới trong ghép tạng ở nhi khoa
Các bác sĩ cho biết, sau phẫu thuật ghép thận và đến hiện tại, em Đ.V.H đã tỉnh táo hoàn toàn, sinh hiệu ổn định, được rút nội khí quản. Siêu âm mạch máu sau mổ ghi nhận các miệng nối các mạch máu thông tốt và thận được tưới máu tốt. Các xét nghiệm chức năng thận và sinh hóa máu của bệnh nhân trong giới hạn bình thường. Hiện tại, bệnh nhân được bắt đầu cho ăn lại bằng đường miệng. Bệnh nhân hiện được tái khám mỗi 3 ngày, nếu ổn sẽ kéo dài thời gian hẹn tái khám. Bệnh nhân có thể đi học bình thường lại sau 6 tháng.
Lần đầu tiên được gặp con sau khi trải qua ca phẫu thuật, hai mẹ con chị T. đã ôm nhau khóc nức nở trong niềm hạnh phúc. Chị T. chia sẻ: “Khoảng thời gian chờ đợi kết thúc cuộc phẫu thuật cả hai vợ chồng rất lo lắng, đứng ngồi không yên. Sau khi được các bác sĩ thông báo ca phẫu thuật thành công, tôi mới thở phào nhẹ nhõm. 3 ngày sau phẫu thuật, cả hai mẹ con ôm nhau khóc hạnh phúc vì từ đây tương lai của con sẽ tươi sáng hơn”.
GS. Trần Đông A cho biết, bệnh viện Nhi đồng 2 đã thực hiện ghép thận được 14 năm nay nên cơ sở vật chất, nhân lực luôn sẵn sàng. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên bệnh viện tiến hành ghép thận cho cặp người sống và người cho chết não ở xa nên khâu hồi sức ngoài phần ghép rất quan trọng. Giáo sư Trần Đông A cũng đánh giá, ca ghép thận này có ý nghĩa đặc biệt, phù hợp với nguyên tắc điều phối ghép mô, bộ phận cơ thể người đã quy định trong Điều 37 Luật Hiến ghép mô tạng là ưu tiên cho trẻ em.
Nói về thành công của ca ghép tạng, bác sĩ Trịnh Hữu Tùng, Giám đốc bệnh viện Nhi Đồng 2, chia sẻ: “Thành công của ca phẫu thuật này được tạo ra từ tình yêu thương con người, tấm lòng thiện nguyện vô bờ bến từ người hiến đến những người công tác trong ngành y từ Bắc tới Nam. Chúng tôi mong muốn được tiếp tục đồng hành, đóng góp công sức, kinh nghiệm trong hành trình mang lại sự sống mới cho bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối”. Bên cạnh đó, bác sĩ Tùng cũng gởi lời tri ân đến gia đình người hiến thận và tấm lòng của gia đình. “Chính họ đã giúp chúng tôi hoàn thành sứ mệnh cứu chữa người, viết tiếp những câu chuyện đầy xúc động về tình người và sự hồi sinh”, Giám đốc bệnh viện Nhi Đồng 2 chia sẻ thêm.
Đánh giá về tính nhân văn của hoạt động này, bác sĩ Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, cho biết đây là ca ghép thận đầu tiên nhận tạng từ người hiến chết não cho trẻ em, mở ra một giai đoạn mới trong công tác ghép tạng ở nhi khoa, tạo nhiều cơ hội cho các cháu suy thận mạn giai đoạn cuối được tiếp cận từ nhiều nguồn tạng hiến.
Theo thống kê từ bệnh viện Nhi Đồng 2, ca ghép thận này là ca ghép thận thứ 17 do bệnh viện thực hiện, tuy nhiên 16 ca trước đây đều chủ yếu nhận thận từ người thân. Trước đó, vào tháng 10, ba bệnh viện là Chợ Rẫy, Nhi Đồng 2 và Thống Nhất đã ký kết ghi nhớ hợp tác thực hiện đề án mạng lưới điều phối liên viện giữa ba bệnh viện về hiến và ghép thận nhân đạo, trong đó ưu tiên nguồn tạng hiến cho trẻ em.