Đây là yêu cầu của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đối với các bệnh viện trên địa bàn thành phố trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.
Chăm sóc trẻ bị bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Phương Vy/TTXVN |
Theo đó, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các bệnh viện tổ chức trực cấp cứu 24/24 giờ với đầy đủ 4 cấp; đảm bảo đủ nhân lực, thuốc, trang thiết bị, phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt, ngộ độc, sinh đẻ trong những ngày Tết. Các bệnh viện không được từ chối hoặc chậm trễ trong các trường hợp cấp cứu; trường hợp bệnh nhân nhập viện không đúng tuyến hoặc không đúng chuyên khoa cũng phải xử lý cấp cứu ban đầu, qua giai đoạn nguy hiểm mới chuyển đi đến các cơ sở y tế phù hợp để điều trị; tổ chức vận chuyển người bệnh lên tuyến trên khi cần thiết. Đặc biệt, lưu ý và có kế hoạch chuẩn bị đối với các bệnh viêm phổi cấp, đột quỵ ở người già, các bệnh đường hô hấp ở trẻ em.
Sở Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện phải tổ chức chăm sóc, phục vụ chu đáo người bệnh còn nằm điều trị trong những ngày Tết cả về vật chất và tinh thần, tổ chức chúc Tết, thăm hỏi đối với bệnh nhân nghèo, đối tượng chính sách. Các bệnh viện cũng phải chuẩn bị dự trữ cơ số thuốc, dịch truyền, vật tư, hóa chất, bố trí giường bệnh và các phương tiện cấp cứu hiện có sẵn sàng đáp ứng khi có dịch bệnh xảy ra và phải đảm bảo tốt công tác thu dung, điều trị và cách ly theo các quy định hiện hành.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, lãnh đạo một số bệnh viện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đã phân công, chuẩn bị sẵn sàng với các tình huống cấp cứu, điều trị bệnh trong những ngày nghỉ Tết. Theo Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, mặc dù trước Tết đã giải quyết cho xuất viện các trường hợp sức khỏe ổn định nhưng bình quân trong những ngày Tết tại bệnh viện vẫn có khoảng 1.000 bệnh nhân nội trú và từ 700 - 1.000 bệnh nhân ngoại trú mỗi ngày. Để đảm bảo công tác điều trị, cấp cứu cho bệnh nhi trong dịp tết, Bệnh viện cắt cử các ca trực 24/24 giờ, trong đó mỗi ca trực có 200 bác sỹ, điều dưỡng và nhân viên y tế. Toàn bộ nhân viên của bệnh viện cũng luôn sẵn sàng ứng cứu khi có các tình huống bất ngờ xảy ra.
Còn Phó Giáo sư, Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Trường Sơn - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay, Bệnh viện đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực và phương tiện để sẵn sàng cấp cứu nội-ngoại viện và cấp cứu thảm họa; có kế hoạch đáp ứng tình hình bệnh nhân đông đột biến trong những ngày nghỉ Tết. Đồng thời, các khoa, phòng cũng sẵn sàng các phương án đáp ứng với “Báo động đỏ” (cấp cứu khẩn cấp), “Can thiệp vàng” (phẫu thuật, thủ thuật khẩn cấp) và “Phương án cấp cứu thảm họa”. Bệnh viện cũng đảm bảo giải quyết kịp thời tất cả các trường hợp mổ cấp cứu, không để bệnh nhân mổ cấp cứu phải chờ đợi lâu.
Ngân hàng máu đặt tại Bệnh viện Truyền máu - Huyết học Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã dự trữ đủ số lượng máu cần thiết trong dịp Tết với 12.000 đơn vị máu phục vụ cho toàn bộ các bệnh viện trên địa bàn Thành phố. Còn tại Trung tâm Truyền máu Bệnh viện Chợ Rẫy đã dự trữ 7.000 đơn vị máu phục vụ cho nhu cầu cấp cứu, điều trị của chính Bệnh viện Chợ Rẫy và cung ứng cho các bệnh viện các tỉnh khu vực Đông Nam bộ.