Tuyển sinh còn hạn chế
Cụ thể, mục tiêu tuyển sinh của 21 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc thành phố là 18.735 người, gồm: 7.980 chỉ tiêu tuyển hệ cao đẳng, 10.755 chỉ tiêu hệ trung cấp. Tính đến cuối tháng 9, các trường cao đẳng, trung cấp thuộc Hà Nội quản lý đã tuyển sinh được 2.514 người học trình độ cao đẳng, đạt 31,5% kế hoạch; 6.520 người học trình độ trung cấp, đạt 60,6%... Kết quả tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng hiện chỉ đạt hơn 48%, còn thấp so với chỉ tiêu đề ra.
Tuy nhiên, do năm nay thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) diễn ra muộn, các trường cho rằng tuyển sinh hệ cao đẳng, trung cấp sẽ kéo dài đến hết tháng 10, trong đó những nghề kỹ thuật, đòi hỏi kỹ năng nghề mà thị trường lao động cần sẽ đạt và vượt kế hoạch.
Theo bà Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Nội, mặc dù các nhà trường đã chủ động, tích cực triển khai công tác tuyên tuyển sinh năm 2020 qua hình thức trực tuyến, tư vấn trực tiếp, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế.
Nguyên nhân tuyển sinh hạn chế, bà Nguyễn Thanh Nhàn cho rằng, dịch bệnh COVID-19 đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tuyển sinh, đào tạo và hoạt động của các trường cao đẳng, trung cấp. Bên cạnh đó, do có điều kiện kinh tế, nhiều gia đình vẫn đặt mục tiêu vào đại học, trong khi các trường đại học lại có chỉ tiêu tuyển sinh lớn, tiêu chí xét tuyển thấp cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc tuyển sinh.
Cùng với đó, việc gắn kết “bốn nhà”: Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp - gia đình, nhằm bảo đảm đầu ra cho người học còn thiếu cơ chế ràng buộc, nên chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia đào tạo.
Từ góc độ nhà trường, ông Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội phản ánh: “Đời sống của nhiều người lao động, nhiều gia đình gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, dẫn đến một số người không thể học nghề. Chúng tôi nhận được đơn của một số gia đình đề nghị nhà trường tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên được chậm đóng, giãn đóng học phí”.
Ông Nguyễn Thành Long, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Giao thông công chính Hà Nội cho biết, với hệ trung cấp, nhà trường tuyển được 500/700 chỉ tiêu, chủ yếu là liên kết với các trung tâm giáo dục thường xuyên. Trong khi đào tạo sơ cấp nghề đạt hơn 4.300, vượt gấp 2 lần chỉ tiêu.
“Nhìn mặt bằng chung cho thấy, học sinh học trung cấp chủ yếu đến từ vùng nông thôn, ngoại thành, vì có định hướng học xong đi làm ngay. Trong khi đó, tuyển sinh khu vực nội thành rất khó”, ông Nguyễn Thành Long nhận xét.
Còn ông Phạm Tiến Dũng, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội cho biết: Trong những năm qua, từ thực tế cuộc sống và truyền thông mạnh nên một bộ phận người dân và học sinh đã chuyển biến trong nhận thức gắn học nghề với việc làm. Tuy nhiên, số này chưa nhiều. Ngay như tuyển sinh tại nhà trường, một số nghề thị trường lao động cần như: công nghệ kỹ thuật điện, điện tử, điện lạnh, công nghệ thông tin… Còn một số khoa khác tuyển khá hạn chế nên nhìn tổng thể tuyển sinh theo năm trước đạt khoảng 80% kế hoạch.
Đẩy mạnh tuyên truyền định hướng nghề nghiệp
Theo lãnh đạo UBND TP Hà Nội, công tác tuyển sinh năm 2020 của các nhà trường gặp khó khăn vừa ảnh hưởng đến mục tiêu tuyển sinh, đào tạo nghề cho ít nhất 156.000 người của thành phố, vừa tiềm ẩn nguy cơ thiếu lực lượng lao động qua đào tạo.
Để khắc phục hiện tượng này, bà Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH kiến nghị UBND thành phố tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo cho các trường nghề. Đặc biệt là các trường sớm được phê duyệt đầu tư nghề trọng điểm nhằm nâng cao năng lực đào tạo của các đơn vị. Bên cạnh đó, thành phố sớm có cơ chế, chính sách cụ thể thu hút doanh nghiệp tham gia sâu vào công tác tuyển sinh, đào tạo nghề; quan tâm phân luồng học sinh vào học nghề ngay từ bậc trung học cơ sở…
Để thay đổi nhận thức xã hội về tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp, ông Nguyễn Công Truyền, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc đề nghị thành phố, Sở LĐTBXH tổ chức các hoạt động tôn vinh học sinh, sinh viên đạt thành tích cao trong học tập, vinh danh những người thợ giỏi…
Đáng chú ý, thực hiện phối hợp với doanh nghiệp trong tổ chức đào tạo và giải quyết việc làm, nhiều ngành nghề, học sinh, sinh viên ra trường được doanh nghiệp tuyển dụng 100% như: Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí; Công nghệ Kỹ thuật điện, điện tử; Cơ khí; Công nghệ ô tô... với mức lương khởi điểm là 6 - 10 triệu đồng/tháng. Đây sẽ là hướng đi cần đẩy mạnh trong thời gian tới.
“Các trường đẩy mạnh việc định hướng tư vấn tuyển sinh, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin, tư vấn trực tiếp. Học sinh nhập học đến từ khắp nơi trong cả nước nhưng phần nhiều là từ các tỉnh. Học sinh khi nhập học đến 70% qua những người quen đã từng học ở trường và tìm hiểu khá kỹ việc làm sau khi ra trường. Do đó, ngay từ năm đầu tiên, nhiều học sinh, sinh viên đã đi làm. Hiện nay để tăng cường tuyển sinh, nhà trường ứng dụng công nghệ thông tin trong tư vấn, tuyển sinh; mở rộng hình thức liên kết đào tạo, nhất là đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp. Với hệ cao đẳng, trung cấp giờ tuyển sinh quanh năm nên khả năng vẫn có thể đạt kế hoạch”, ông Phạm Tiến Dũng chia sẻ
Ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các đơn vị tăng cường tuyên truyền về giáo dục nghề nghiệp, phối hợp để giải quyết những vướng mắc liên quan đến hoạt động này. Trong đó, Sở LĐTBXH và Sở Giáo dục và Đào tạo cần liên kết để đẩy mạnh công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông; cung cấp thông tin, dữ liệu tuyển sinh cho các nhà trường và người học, nhất là ngành nghề thị trường lao động cần. Sở Kế hoạch và Đầu tư tiến hành tổng rà soát các dự án liên quan đến giáo dục nghề nghiệp, để có hướng quan tâm đầu tư phù hợp trong thời gian tới.