Do các địa phương chưa có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực giết mổ nên chưa khuyến khích được doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Ảnh: Đình Huệ/TTXVN. |
Nguyên nhân chính của việc này là do các địa phương chưa có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực giết mổ (thành phố mới hỗ trợ được 4/24 cơ sở giết mổ tập trung, chiếm 16,7%) nên chưa khuyến khích được doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực giết mổ.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, năm 2016, toàn thành phố Hà Nội có 1.074 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, trong đó có 27 cơ sở giết mổ tập trung, còn lại là các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ tại khu dân cư. Hiện nay, Hà Nội mới có 100 cơ sở, điểm giết mổ được kiểm soát, trong đó có 4 cơ sở giết mổ công nghiệp, 13 cơ sở giết mổ bán công nghiệp và 4 cơ sở giết mổ tập trung thủ công đang hoạt động.
Theo ước tính mỗi ngày, các cơ sở giết mổ được kiểm soát cung cấp khoảng 407,5 tấn thịt gia súc, gia cầm, đáp ứng khoảng 47% như cầu tiêu thụ của người dân Hà Nội. Còn lại là lượng thịt được giết mổ tại các hộ, điểm giết mổ nhỏ lẻ và nguồn thịt nhập khẩu và nguồn thịt ngoại tỉnh nhập vào Hà Nội.
Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Tp. Hà Nội, cho biết, hiện nay, nhiều cơ sở chưa xây dựng được chuỗi liên kết từ chăn nuôi - giết mổ - sơ chế, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, các địa phương chưa có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực giết mổ; hơn nữa, thành phố còn thiếu quỹ đất dành cho việc đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung, tập trung bán công nghiệp hoặc việc giải phóng mặt bằng còn chậm, năng lực quản ký giết mổ của chính quyền địa phương, thú y cấp xã còn yếu nên việc quản lý giết mổ tại các cơ sở nhỏ lẻ gặp nhiều khó khăn.
Theo đại diện Chi cục Thú y Hà Nội, số lượng các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư còn nhiều; sản phẩm gia súc, gia cầm giết mổ nhỏ lẻ không được kiểm soát, không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm vẫn cung cấp cho người tiêu dùng. Nguyên nhân chủ yếu là các cơ sở chưa xây dựng được chuỗi liên kết từ chăn nuôi - giết mổ - sơ chế, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, năng lực quản ký giết mổ của chính quyền địa phương, thú y cấp xã còn yếu nên việc quản lý giết mổ tại các cơ sở nhỏ lẻ gặp nhiều khó khăn.
Đồng quan điểm này, Công ty Cổ phần giống gia súc Hà Nội cho rằng, số cơ sở giết mổ được hưởng hỗ trợ về chi phí giết mổ còn thấp (thành phố mới hỗ trợ được 4/24 cơ sở giết mổ tập trung, chiếm 16,7%) nên chưa khuyến khích được doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực giết mổ. Nhiều cơ sở giết mổ công nghiệp không hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, công suất thấp so với thiết kế chiếm tỷ lệ cao gây lãng phí tài sản của Nhà nước và doanh nghiệp.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng nêu rõ, hiện nay các huyện, thị xã chưa thực sự quan tâm và chú trọng đẩy mạnh công tác quản lý giết mổ và triển khai thực hiện quy hoạch giết mổ trên địa bàn. Việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch giết mổ trên địa bàn các huyện còn chậm, việc triển khai thực hiện các sự án xây dựng cơ sở giết mổ tập trung còn chưa đảm bảo tiến độ. Hơn nữa, thành phố còn thiếu quỹ đất dành cho việc đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung, tập trung bán công nghiệp hoặc việc giải phóng mặt bằng còn chậm và gặp nhiều khó khăn.
Để kiểm soát tốt công tác giết mổ gia súc gia cầm trên địa bàn Hà Nội, ông Đỗ Phú Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết, thời gian tới Chi cục Thú y Hà Nội phối hợp với các cơ quan liên ngành tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hơn nữa đối với các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nói chung và giết mổ nhỏ lẻ nói riêng; đồng thời tăng cường đầu tư, hỗ trợ kinh phí, xây dựng cơ sở giết mổ tập trung, đồng thời chú trọng công tác tập huấn cho cán bộ thú y các xã, huyện.
Sau khi nghe các ý kiến kiến nghị của các đại biểu, ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội đã ghi nhận những kết quả mà ngành nông nghiệp Hà Nội đã đạt được trong năm 2016 cũng như những bất cập khó khăn mà ngành nông nghiệp cần vượt qua trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Sửu kêu gọi các doanh nghiệp cần tăng cường hợp tác và đầu tư nhiều hơn nữa vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, nhằm đưa các tiến bộ kỹ thuật, giống mới áp dụng vào trồng trọt, chăn nuôi, chú trọng đến công tác vệ sinh an toàn thực phẩm... để góp phần hoàn thiện các quy hoạch phát triển và đẩy nhanh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp.