Người dân xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái chủ động tích trữ rơm làm thức ăn dự trữ cho gia súc trong mùa đông năm 2014. Ảnh: Đức Tưởng - TTXVN |
Theo nhận định xu thế khí tượng, thủy văn mùa đông xuân 2015 – 2016 của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương: Trong điều kiện El Nino mạnh và kéo dài, nhiệt độ trong những tháng chính của mùa đông tại miền Bắc (từ tháng 12/2015 đến tháng 2/2016) có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN), rét đậm-rét hại có khả năng không kéo dài, nhưng vẫn có thể xuất hiện các đợt rét khoảng 4-7 ngày.
Trong tháng 12 có khả năng xảy ra khoảng 4-5 đợt không khí lạnh gây ra các đợt rét, mưa rào và dông cho các tỉnh miền Bắc. Các tỉnh Bắc Bộ xảy ra khoảng 3-4 đợt mưa rào và dông, các tỉnh Trung Bộ chịu ảnh hưởng của 2-4 đợt mưa vừa, mưa to. Các đợt rét tập trung nhiều hơn vào thời kỳ nửa cuối tháng.
Mùa đông 2015 - 2016 sẽ tiếp tục là một mùa đông ấm, ít ngày rét ở Bắc Bộ: Ở Bắc Bộ, lượng mưa từ nay đến tháng 4/2016 có khả năng ở mức cao hơn khoảng 15-30% so với TBNN cùng thời kỳ. Do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, lượng mưa từ tháng 12/2015 - 4/2016 tại khu vực Trung Bộ có khả năng thiếu hụt từ 30-50% so với TBNN cùng thời kỳ, một số nơi thấp hơn.
Lượng mưa ở khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ và Bình Thuận từ tháng 12 đến 4/2016 có khả năng ở mức thấp hơn so với TBNN khoảng 20-40%. Mùa mưa ở các khu vực này có khả năng kết thúc sớm hơn so với TBNN.
Trong các tháng 1-2, nguồn dòng chảy tại Hà Nội hạ lưu sông Hồng có khả năng cao hơn TBNN khoảng 15-20% do có sự cấp nước bổ sung từ các thủy điện lớn ở thượng nguồn phục vụ đổ ải vụ đông- xuân. Mực nước thấp nhất tại trạm Hà Nội có thể xuống mức 0,4-0,6m vào tháng 2-3/2016.
Khu vực Bắc Bộ sẽ xảy ra thiếu nước cục bộ, đặc biệt vùng núi cao phía Bắc và trung du Bắc Bộ sẽ nghiêm trọng hơn ở vùng đồng bằng. Tình trạng khó khăn trong cấp nước, giao thông thủy và phát điện trong các tháng cuối mùa khô năm 2015-2016 sẽ diễn ra căng thẳng nhưng không gay gắt như các năm 2010, 2011.
Trong mùa khô 2015-2016, dòng chảy trên các sông suối ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên sẽ giảm dần và có khả năng thiếu hụt so với TBNN phổ biến từ 20-40%, một số sông ở khu vực Nam Trung Bộ thiếu hụt trên 60%. Do thiếu hụt dòng chảy trên các sông Trung Bộ, Tây Nguyên ngay trong các tháng đầu mùa khô 2015-2016 nên tình trạng khô hạn, thiếu nước có khả năng xảy ra sớm hơn nhiều so với TBNN.
Trong mùa khô 2015-2016, tổng lượng dòng chảy sông Mê Kông về khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khả năng thiếu hụt so với TBNN từ 20-40% nên trong các tháng đầu mùa mùa khô 2015-2016, mực nước các trạm chính sông Cửu Long ở mức thấp và chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều. Khả năng xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam Bộ sẽ cao hơn, sớm hơn cùng kỳ của mùa khô năm 2014-2015 và TBNN, do đó các địa phương ở Nam Bộ cần sớm có các biện pháp chủ động phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn.