Mùa mưa bão năm nay đến muộn. Dự báo thời điểm cuối mùa, mưa lũ đến dồn dập sẽ là thách thức không nhỏ đối với việc bảo vệ hệ thống đê điều. Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn ông Vũ Văn Tú, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về thực trạng hệ thống đê điều hiện nay.
´Thưa ông, cơn mưa cường độ lớn, trong thời gian ngắn xảy ra ở Thanh Hóa vừa qua làm vỡ đê bao, gây ngập lụt kéo dài, phải chăng là lời cảnh báo về tình trạng mất an toàn đê điều ở nước ta hiện nay?
Sau khi sự cố vỡ đê bao xảy ra, tỉnh Thanh Hóa đã đánh giá nguyên nhân không phải do tác động của dòng chảy mà chỉ do tác động mưa lớn. Đối với Thanh Hóa, có nhiều đoạn đê mái kè là mái đê nên cao trình chân đê với mặt đê rất cao, có chỗ tới 10 - 11m nên việc chúng ta đắp bề mặt đê là rất tốn kém. Do điều kiện kinh phí khó khăn nên hàng năm chúng ta mới chỉ gia cố được từng phần, từng đoạn, ưu tiên làm đoạn xung yếu trước. Mặc dù vậy, so sánh với đoạn đê mà chúng ta đã làm ở phía Bắc thì đê sông Chu còn cần có sự đầu tư lớn hơn nữa.
Hiện nay, trên cả nước hệ thống đê bao, đê nhỏ ở nhiều nơi còn trong tình trạng không an toàn, các tuyến đê này có thể do tỉnh hoặc huyện quản lý. Có những tuyến đê khi đắp lên do tính toán, quy hoạch chưa thật phù hợp nên lũ bão bất thường xảy ra, nước mưa dồn về nhanh thì những công trình đê sẽ bị ảnh hưởng do không tương thích với bão, lũ, mưa. Điều này phần lớn xảy ra tại các tỉnh khu vực miền Trung hoặc các tỉnh có độ dốc lớn, còn các tỉnh đồng bằng Bắc bộ nói chung hay các tỉnh hạ lưu sông Hồng, sông Thái Bình thì không ảnh hưởng.
´Vậy thực trạng đầu tư cho hệ thống đê điều hiện nay ra sao thưa ông?
Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt chương trình nâng cấp đê sông với kinh phí khoảng 20.000 tỷ đồng và cấp về cho các địa phương. Theo đánh giá thì mặc dù có nguồn kinh phí này nhưng việc đầu tư cho hệ thống đê điều vẫn còn rất khó khăn. Bên cạnh đó, việc lựa chọn xác định thứ tự ưu tiên còn nhiều bất cập và có nhiều vấn đề chúng ta còn phải bàn. Ngoài ra, hàng năm chúng ta cũng có kinh phí khoảng 200 tỷ đồng đầu tư cho 23 tỉnh, thành phố có đê để khi xảy ra hoặc phát hiện ra những vấn đề phát sinh thì có thể xử lý, hỗ trợ cho công tác hộ đê trong mùa lũ. Chẳng hạn khi xảy ra sự cố, mặt đê đủ rộng mà được cứng hóa thì chúng ta sẽ tập trung nhanh vật tư, phương tiện, lực lượng... từ đó nâng hệ số an toàn của những tuyến đê đó lên. Nếu chuẩn bị, đánh giá tốt công tác bảo vệ đê, xác định trọng điểm, vật tư, phương tiện, lực lượng... thì công tác phòng chống lụt bão tại các tỉnh có đê sẽ an toàn.
´Ông đánh giá thế nào về sự an toàn của hệ thống đê trong mùa mưa lũ sắp tới?
Tôi khẳng định rằng, các tuyến đê chính, đê trọng yếu của cả nước không thể vỡ vì đều đã có quy hoạch, tính toán, có tần suất thiết kế đảm bảo an toàn. Cụ thể như đối với hệ thống đê sông Chu thì tần suất thiết kế 2% nghĩa là lũ 50 năm xảy ra một lần thì hệ thống đê này phải chống được lũ tần suất ấy, hay với hệ thống đê sông Hồng cùng với một số hồ phía Bắc phải đảm bảo tần suất lũ 500 năm, còn các vùng khác bên ngoài phải đảm bảo tần suất lũ 300 năm. Điều này cho thấy đầu tư cho đê điều đều có sự tính toán, quy hoạch và mục tiêu cụ thể để đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, phải thừa nhận rằng hệ thống đê điều cũng cần đầu tư lớn hơn nữa và điều này cũng là mong muốn của các tỉnh nhưng khả năng đáp ứng về kinh phí có hạn. Vì vậy các tỉnh cần cân đối, tính toán chỗ nào cần làm trước, chỗ nào cần làm sau để đầu tư cho phù hợp nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho cuộc sống người dân.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Thu Hà (Thực hiện)