Cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người tham gia bảo hiểm xã hội

Tại Hội nghị trực tuyến cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí ngày 28/9, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, tính đến nay, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 13,23 triệu người; bảo hiểm thất nghiệp là 11,39 triệu người; bảo hiểm xã hội tự nguyện là 243 nghìn người và bảo hiểm y tế là 79,08 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 84,9% dân số.

Chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tăng 15,5% so với cùng kỳ

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và thanh toán khám chữa bệnh để liên thông kết quả giám định BHYT. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Lũy kế đến hết tháng 9/2017, toàn ngành thu được 205.922 tỷ đồng, đạt 72,69% so với kế hoạch giao (tăng 22,2% so với cùng kỳ năm 2016), trong đó thu bảo hiểm xã hội là 139.235 tỷ đồng; bảo hiểm thất nghiệp là 9.524 tỷ đồng và bảo hiểm y tế là 57.163 tỷ đồng.

9 tháng năm 2017, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã giải quyết cho 7,16 triệu lượt người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, tăng 1,08 triệu lượt người (17,8%) so với cùng kỳ năm 2016; thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho 124,11 triệu lượt người, tăng 19,3 triệu lượt người (18,5%) so với cùng kỳ năm trước. Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết cho 5.843 lượt người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, tăng 19.069 lượt (3,6%) so với cùng kỳ năm 2016.

Số chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp qua 9 tháng là 199.450 tỷ đồng (tăng 15,15% so với cùng kỳ năm 2016); trong đó chi bảo hiểm xã hội từ nguồn ngân sách 33.252 tỷ đồng, chi bảo hiểm xã hội từ Quỹ bảo hiểm xã hội 97.163 tỷ đồng, chi Quỹ bảo hiểm thất nghiệp 5.323 tỷ đồng và chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế 64.200 tỷ đồng.

Ứng dụng công nghệ thông tin – minh bạch, giảm phiền hà

Bảo hiểm Xã hội tỉnh Nam Định tích cực triển khai các giải pháp kiểm soát và khắc phục tình trạng bội chi Quỹ BHYT. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020 và Nghị định số 166/2016/NĐ-CP quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan xây dựng chương trình, kế hoạch hành động, bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố phục vụ tốt người dân, doanh nghiệp; cải cách hồ sơ, quy trình, giảm bớt thủ tục kê khai thu nộp, giải quyết, chi trả chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho đơn vị, cá nhân có giao dịch với cơ quan bảo hiểm xã hội; hạn chế tình trạng chậm, muộn, tồn đọng hồ sơ...

Ngành cũng đẩy mạnh các dự án về công nghệ thông tin, cung cấp môi trường vận hành hiện đại, an toàn, ổn định cho các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, phục vụ công tác quản lý, hiện đại hóa hoạt động của ngành, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử.

Tiếp tục hoàn thiện Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, tạo thuận lợi cho cơ sở y tế và người có thẻ bảo hiểm y tế đến khám chữa bệnh. Từ dữ liệu toàn quốc, Bảo hiểm xã hội Việt Nam kịp thời theo dõi, phân tích tình hình sử dụng quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, gia tăng tần suất khám chữa bệnh, tăng chi bất thường ở các tỉnh, có các giải pháp xử lý kịp thời.

Giám đốc Trung tâm công nghệ thông tin (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Lê Anh Sơn cho biết, từ năm 2015, cơ quan này đã chính thức vận hành Hệ thống giao dịch điện tử tập trung để quản lý, theo dõi trực tuyến công tác tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả thủ tục hành chính về lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, đảm bảo việc thực hiện thủ tục hành chính tại bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố được công khai minh bạch, chuyên nghiệp đáp ứng mục tiêu cải cách mà ngành đề ra. Đến nay, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đã được tiếp nhận, xử lý trên môi trường điện tử, với số lượng hồ sơ xử lý trực tuyến lớn từ hàng chục nghìn đến hàng triệu hồ sơ. 

Thủ tục hành chính có số lượng hồ sơ nhiều nhất là 18 triệu hồ sơ. 76% thủ tục hành chính của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã được cắt giảm, từ 115 thủ tục giảm còn 28 thủ tục. Nhờ rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin, thời gian tham gia bảo hiểm xã hội của các đơn vị đã giảm từ 335 giờ/năm xuống còn 45 giờ/năm (giảm gần 75%).

Cũng theo ông Sơn, đến nay Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã hoàn thiện việc nhập, rà soát và cập nhật bổ sung dữ liệu thông tin cho trên 24,3 triệu hộ gia đình tương đương hơn 92,6 triệu nhân khẩu. Hệ thống cấp mã định danh và quản lý bảo hiểm y tế hộ gia đình đi vào hoạt động cho phép cấp mã định danh bảo hiểm y tế duy nhất cho toàn bộ người dân và giúp bảo hiểm xã hội thống kê đối tượng tham gia bảo hiểm y tế theo độ tuổi; loại đối tượng tham gia bảo hiểm y tế theo nguồn đóng; số lượng đối tượng tham gia hàng năm…

Trước những băn khoăn của báo giới về việc một số cơ sở y tế không đồng bộ, liên thông được dữ liệu khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, không chuyển được dữ liệu điện tử dẫn đến cập nhập không kịp thời và bị xuất toán, ông Đàm Hiếu Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Giám định bảo hiểm y tế và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc cho biết, có 15,9% dữ liệu sai quy định. Nguyên nhân là do không thực hiện đối chiếu dữ liệu thông tin phiếu thanh toán của người bệnh với danh mục dùng chung nên hệ thống giám định điện tử không nhận được; gửi dữ liệu điện tử không đúng chuẩn hóa của Bộ Y tế nên việc xử lý dữ liệu trên hệ thống không đạt. Đây là hai nguyên nhân phổ biến nhất.

Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân dữ liệu điện tử không khớp với chứng từ lưu tại bệnh viện; tính sai thuốc dịch vụ kỹ thuật thanh toán theo điều kiện tỷ lệ căn cứ theo các quy định của Bộ Y tế. Hiện có một số thuốc, dịch vụ kỹ thuật được Bộ Y tế quy định về điều kiện tỷ lệ, nhưng cơ sở khám chữa bệnh hoặc bệnh nhân thanh toán không đúng, hoặc ghi nhận sai tỷ lệ quyền lợi hưởng của người bệnh có tổng chi phí một lần khám chữa bệnh tương đương 15% mức lương cơ sở.

Theo quy định, những trường hợp đối tượng cùng chi trả có chi phí khám chữa bệnh nhỏ hơn 15% mức lương cơ sở được thanh toán toàn bộ. Tuy nhiên có cơ sở khám chữa bệnh thực hiện thu 20% của đối tượng này, chưa đảm bảo quyền lợi chính đáng của người bệnh, được Hệ thống giám định điện tử phát hiện.

Về giải pháp, ông Trung cho biết, Bộ Y tế vừa ban hành quyết định về quy chuẩn định dạng dữ liệu đầu ra sử dụng trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh, đáp ứng yêu cầu quản lý.

Cũng tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Trần Đình Liệu đã thay mặt công chức, viên chức toàn ngành trao số tiền 500 triệu đồng ủng hộ đồng bào các tỉnh miền Trung bị thiệt hại, ảnh hưởng bởi cơn bão số 10 vừa qua. Thay mặt Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, ông Trần Văn Sinh, Trưởng ban Ban phong trào đã tiếp nhận số tiền ủng hộ trên.
 
Chu Thanh Vân (TTXVN)
Từ 1/1/2018, lương hưu điều chỉnh theo mức đóng bảo hiểm xã hội
Từ 1/1/2018, lương hưu điều chỉnh theo mức đóng bảo hiểm xã hội

Mức hưởng lương hưu phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi đời, thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), mức lương đóng BHXH... Theo đó, tỷ lệ hưởng lương hưu sẽ thấp khi nghỉ hưu sớm và càng thấp hơn nếu thời gian đóng BHXH không cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN