Chưa có quy định cụ thể
“Bữa ăn giữa ca của người lao động như chúng tôi là rất quan trọng. Nếu được ăn bữa ca đảm bảo dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm thì sẽ có sức khỏe, làm việc tốt hơn” - anh Đinh Xuân Đức, công nhân Công ty TNHH Khởi Hùng (tỉnh Khánh Hòa) chia sẻ. Điều này cũng là tâm tư của nhiều lao động tại các khu công nghiệp.
Tuy nhiên, hiện nay, pháp luật chưa có quy định cụ thể về bữa ăn giữa ca của người lao động cũng như nghĩa vụ của chủ doanh nghiệp phải lo bữa ăn giữa ca cho người lao động. Do đó, chất lượng bữa ăn giữa ca tại nhiều doanh nghiệp còn thấp, mặc dù Công đoàn đã tích cực tham gia thương lượng, giám sát.
"Đề nghị cơ quan hữu quan quan tâm, trong quá trình sửa đổi, bổ sung luật, có quy định cụ thể về bữa ăn giữa ca và trách nhiệm của chủ doanh nghiệp trong vấn đề này", anh Đinh Xuân Đức kiến nghị trong lần đối thoại với công nhân lao động.
Nắm bắt nguyện vọng của người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành Nghị quyết 7C/NQ-BCH ngày 25/2/2016 về chất lượng bữa ăn ca của người lao động. Theo đó, các cấp công đoàn tại cơ sở tham gia thương lượng, giám sát đưa vào Thoả ước lao động tập thể về chất lượng bữa ăn ca.
Theo thống kê của Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng, mức ăn ca bình quân tại các doanh nghiệp trong khu kinh tế Hải Phòng là 27.000 đồng/người. Trong đó, nhiều đơn vị nâng định mức ăn ca hằng năm, mang lại bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng cho người lao động. Đơn cử, tại Công ty TNHH Máy văn phòng Kyocera (KCN VSIP), hiện nay, gần 6.000 lao động được phục vụ bữa ăn ca với định mức 27.500 đồng/suất; LĐ không ăn cơm tại công ty sẽ được trả tiền tương ứng. Bữa ăn ca của công nhân Công ty TNHH Synztec (KCN Nhật Bản - Hải Phòng) từ năm 2023 đến nay được áp dụng mức 23.000 đồng/suất (không bao gồm chi phí gas, điện, nước); công nhân làm thêm từ 2 tiếng còn được cung cấp bữa phụ 15.000 đồng/suất (sữa, bánh mì)….
Mới đây, Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng có chỉ đạo về bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh bữa ăn ca, nhất là trong mùa nắng nóng.
Còn theo Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Bình, hiện địa phương có hơn 80 doanh nghiệp tổ chức bữa ăn ca cho người lao động. Từ đầu năm 2024 đến nay, đã có doanh nghiệp đề xuất tăng tổng chi phí cho bữa ăn ca, tối thiểu từ 20.000 đồng trở lên; ba doanh nghiệp có suất ăn ở mức 35.000 đồng/suất; bốn doanh nghiệp có suất ăn dưới 20.000 đồng/suất; một doanh nghiệp duy trì chi phí cho suất ăn ở mức thấp, 15.000 đồng/suất.
Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Bình, để tiếp tục giữ ổn định giá trị cũng như bảo đảm chất lượng bữa ăn ca, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh thường xuyên chỉ đạo các cấp công đoàn phối hợp với người sử dụng lao động tại đơn vị, doanh nghiệp có tổ chức bữa ăn cho người lao động cần quan tâm đến chất lượng bữa ăn ca; chăm lo lợi ích, bảo đảm quyền của người lao động; kịp thời giám sát, giải quyết và kiến nghị những vấn đề bức xúc của người lao động.
Tại tỉnh Sóc Trăng, theo Liên đoàn Lao động tỉnh, từ năm 2023, với tinh thần "Sức khỏe lao động là yếu tố sống còn của doanh nghiệp", đã có 133/1 doanh nghiệp điều chỉnh tăng trị giá bữa ăn ca từ 18.000 đồng/suất trở lên. Bà Thái Thị Quân, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tuntex Sóc Trăng cho biết, khi chi phí cho một suất ăn của công nhân được tăng từ 22.000 lên 32.000 đồng, khẩu phần bảo đảm hơn, ngoài việc tăng số lượng món chính, mỗi suất còn có bổ sung sữa tươi, trái cây.
Chăm lo tốt hơn nữa cho người lao động
Bữa ăn ca tác động trực tiếp đến sức khỏe công nhân, ảnh hưởng đến năng suất lao động ở mỗi doanh nghiệp. Chính vì vậy, việc nâng cao chất lượng và cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho bữa ăn ca cần được doanh nghiệp quan tâm một cách thiết thực, nhất là trong bối cảnh giá cả thị trường tăng cao.
Để bảo đảm tái tạo sức lao động, ông Vũ Mạnh Tiêm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, khuyến nghị: Không chỉ quan tâm đến chất lượng bữa ăn ca giàu dinh dưỡng, mà doanh nghiệp cần thành lập ban quản lý, giám sát nhà ăn, lưu mẫu thức ăn hằng ngày tại phòng y tế. Điều này giúp kiểm soát chất lượng bữa ăn và phục vụ cho việc làm rõ nguyên nhân nếu không may xảy ra mất an toàn, vệ sinh thực phẩm.
Trước tháng Công nhân, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh đã ký ban hành hướng dẫn Thực hiện Chương trình chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp trong các cấp công đoàn. Trong đó, có nội dung cải thiện chất lượng bữa ăn ca của người lao động. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn các cấp công đoàn vận động, đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động thực hiện tốt Nghị quyết số 7C/NQ-BCH ngày 25/2/2016 về "Chất lượng bữa ăn ca của người lao động", đặc biệt quan tâm đến một số ngành nghề thâm dụng lao động như dệt may, da giày, thủy sản, chế biến gỗ, điện tử...
Lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh, bữa ăn ca cần được cân đối các thực phẩm theo tháp dinh dưỡng, món ăn đa dạng, bảo đảm nhu cầu năng lượng theo từng nhóm đối tượng nghề, công việc. Người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (điều kiện lao động loại IV, V, VI) có định mức suất ăn khác với định mức suất ăn cho người làm nghề, công việc không nặng nhọc, không độc hại, không nguy hiểm (điều kiện lao động loại I, II, III), không cào bằng.
Trong thời qua, không ít đơn vị, doanh nghiệp đã có sáng kiến tổ chức "Bữa cơm công đoàn", nhằm cảm ơn, tri ân, động viên người lao động. Qua hoạt động bữa cơm công đoàn trong Tháng công nhân và sắp tới là dịp kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam trong tháng 7, hoạt động này góp phần khích lệ, động viên công nhân, người lao động tiếp tục gắn bó với công đoàn, đóng góp cho doanh nghiệp.