Tại Hội nghị thông tin chuyên đề dành cho báo chí về tình hình công nhân, công đoàn và dự án Luật Công đoàn sửa đổi, vừa diễn ra tại Thái Nguyên, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, hiện nay cấp ủy địa phương giao biên chế cho tổ chức Công đoàn địa phương trong gói biên chế được cấp trên giao cho khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội.
Tổng hợp báo cáo của các liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, tính đến 31/3/2024, tổng số biên chế cấp ủy địa phương giao cho 4 tổ chức chính trị- xã hội (Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) tính cả cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã là 62.141 biên chế, trong đó: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có 16.116 biên chế; Hội Nông dân có 14.436 biên chế; Hội Liên hiệp Phụ nữ có 15.509 biên chế; Đoàn Thanh niên có 16.080 biên chế.
Trong khi đó, tổng số biên chế công đoàn địa phương được các Tỉnh ủy, Thành ủy tạm giao năm 2024 là 5.119 biên chế. Theo tính toán của Tổng Liên đoàn, căn cứ vào số lượng đoàn viên và công đoàn cơ sở, tổng số biên chế tối thiểu cần thiết cho các cấp công đoàn tại địa phương là 5.899 biên chế. Như vậy, tổng số biên chế cấp ủy địa phương giao cho công đoàn đang thấp hơn so với nhu cầu tối thiểu của tổ chức Công đoàn là 780 biên chế.
Trong bối cảnh đẩy mạnh hội nhập quốc tế và sự phát triển nhanh về số lượng doanh nghiệp, người lao động, đoàn viên công đoàn, nhiệm vụ của công đoàn đặc thù ngày càng nặng nề nhưng biên chế công đoàn lại rất ít so với các tổ chức chính trị - xã hội khác.
Bên cạnh đó, một trong những vấn đề nổi bật là sự không đồng bộ về biên chế trong cùng một cấp công đoàn. Ở những nơi có đông đoàn viên và người lao động, số lượng biên chế lại ít hơn so với những nơi ít đoàn viên. Bên cạnh đó, còn có sự chênh lệch giữa công tác cán bộ với việc bảo đảm nguồn tài chính khi cấp ủy phân bổ biên chế nhưng công đoàn lại phải đảm bảo lương.
"Tại thành phố Tân Uyên (Bình Dương), do sự bùng nổ của công nghiệp và các khu công nghiệp, trên địa bàn có khoảng 96.000 đoàn viên, 554 Công đoàn cơ sở nhưng chỉ có 4 cán bộ Công đoàn. Tức là, mỗi cán bộ công đoàn phụ trách chăm lo trên 100 cơ sở, gần 25.000 đoàn viên. Đó là khối lượng công việc khổng lồ", đồng chí Ngọ Duy Hiểu cho hay.
Việc không thể điều chuyển tiết được từ nơi thừa sang nơi thiếu cũng đang là vấn đề bất cập trong quản lý biên chế cán bộ công đoàn.
Ông Ngọ Duy Hiểu nhận định: “Tại Công đoàn cơ sở hiện nay, chúng ta phải chấp nhận chủ doanh nghiệp tự tuyển người về làm cán bộ công đoàn vì không có cán bộ công đoàn chuyên trách. Người sử dụng lao động trả lương, do đó, yêu cầu cán bộ công đoàn tại doanh nghiệp có tiếng nói độc lập, mạnh mẽ, quyết liệt là khó”.
Do đó, Tổng Liên đoàn đề xuất ở những doanh nghiệp có từ 1.000 lao động trở lên cần bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách do công đoàn trả lương. Đặc biệt, đối tượng này nên là hợp đồng lao động để thuận lợi xử lý các vấn đề về cán bộ và trả lương, phù hợp với mặt bằng tiền lương trong doanh nghiệp.
Dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi được kỳ vọng đáp ứng các yêu cầu của tình hình mới. Không chỉ đảm bảo quyền lợi cho người lao động Việt Nam, mà còn góp phần giúp Công đoàn Việt Nam phát triển vững mạnh trong môi trường cạnh tranh quốc tế, trong bối cảnh các tổ chức đại diện người lao động không thuộc hệ thống Công đoàn Việt Nam cũng đang manh nha xuất hiện.
Dự thảo luật này dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét và thông qua tại kỳ họp thứ 8, diễn ra trong tháng 10/2024.