Thông tin trên được Thạc sỹ, bác sỹ Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá chia sẻ tại Hội nghị Tổng kết hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá giai đoạn 2019-2020 diễn ra chiều 15/1 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo bà Phan Thị Hải, trong giai đoạn 2019-2020, Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá đã hỗ trợ cho 22 bộ, ngành, tổ chức xã hội; 63 tỉnh, thành; 4 thành phố du lịch và 10 bệnh viện trên toàn quốc trong công tác truyền thông phòng, chống tác hại thuốc lá. Bên cạnh đó, mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 nhưng nhiều hoạt động tuyên truyền phòng, chống tác hại thuốc lá cũng được đẩy mạnh mang lại những hiệu quả rõ rệt. Thông qua các hoạt động truyền thông, đã có 94,6% người dân tin rằng hút thuốc lá gây bệnh lý nghiêm trọng. Tỷ lệ nhận thức của người dân về hút thuốc lá gây ra các bệnh nguy hiểm đạt trên 95% ở một số tỉnh thành phố như: Hà Nội, Nam Định, Bình Phước, Vĩnh Phúc, Tiền Giang, Lào Cai... Hơn 90% người cho rằng hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư phổi, cao huyết áp, ung thư thực quản.
Song song đó, Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá triển khai, nhân rộng mô hình điểm cộng đồng, cơ quan không khói thuốc. Đến nay, cả nước đã có 1.560 cơ quan hành chính, 3.778 trường mẫu giáo, 3.577 trường tiểu học, 2.502 trường trung học cơ sở, 1.010 trường trung học phổ thông, 169 trường đại học, cao đẳng thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc trong khuôn viên và trong nhà. Bên cạnh đó, có 208 công ty xe khách thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc và cấm hút thuốc trên xe khách, 4.442 nhà máy, xí nghiệp thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc trong nhà, 508 bệnh viện tuyến địa phương thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá trong khuôn viên và trong nhà, 305 nhà hàng và 400 khách sạn thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá trong nhà.
Ngoài ra, Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá còn phối hợp với các địa phương triển khai các sáng kiến về phòng chống tác hại thuốc lá dựa vào cộng đồng. Điển hình như mô hình "Sử dụng người cao tuổi tình nguyện làm trung tâm" tại tỉnh Thái Bình và Đồng Tháp hay mô hình “Tổ ấm không khói thuốc” của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam...
Mặc dù vậy, theo bà Phan Thị Hải, hiện nay công tác phòng, chống tác hại thuốc lá còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Việc xử lý vi phạm vẫn chưa được thực thi nghiêm, ý thức của người dân đối với tác hại của thuốc lá vẫn còn mơ hồ... Trong khi đó, thuốc lá được bày bán khắp nơi, giá thuốc lá rẻ khiến nhiều người, nhất là giới trẻ tiếp cận với thuốc lá một cách dễ dàng. Đặc biệt, trên thị trường xuất hiện các sản phẩm thuốc lá mới như: thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, shisha… đã hấp dẫn nhiều người trẻ, khiến tỷ lệ sử dụng các loại sản phẩm này ngày càng gia tăng. Khảo sát cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong giới trẻ ở độ tuổi từ 13 - 19 tuổi đã tăng lên 2,6% vào năm 2019, trong khi năm 2015 chỉ khoảng 0,5%. Đặc biệt, các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá lại thường xuyên quảng cáo sai sự thật, giới thiệu thuốc lá điện tử có thể giúp cai nghiện thuốc lá truyền thống gây nên sự hiểu nhầm không nhỏ cho người dân.
Do đó, đại diện Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá đề xuất các cơ quan chức năng tăng thuế đối với mặt hàng thuốc lá; không cho phép sản xuất, kinh doanh và lưu hành thuốc lá điện tử tại Việt Nam. Bên cạnh đó, cần có các chính sách phù hợp để quản lý các điểm bán lẻ thuốc lá, đặc biệt cần có các chính sách quản lý đối với các sản phẩm thuốc lá mới.