Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh cho biết, để bảo vệ phụ nữ và trẻ em, những năm gần đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã chủ động thành lập các mạng lưới, Tổ tư vấn pháp luật và tâm lý, Tổ công tác tham mưu giải quyết các vụ việc, điểm nóng liên quan đến phụ nữ, trẻ em ở cả Trung ương và cấp tỉnh, thành phố; ký kết chương trình phối hợp với các bộ, ngành chức năng để gia tăng thêm nguồn lực và hiệu quả của chương trình...
Hiện có 60/63 tỉnh, thành phố ký kết chương trình phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ và trẻ em. Tại cấp Trung ương, giai đoạn 2018 – 2021, cơ quan chức năng đã tham gia lên tiếng 108 vụ việc bằng nhiều hình thức: trên phương tiện truyền thông; bằng văn bản đề xuất, kiến nghị tới cơ quan có thẩm quyền, các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp cần thiết để can thiệp, hỗ trợ, bảo vệ phụ nữ, trẻ em kịp thời, đảm bảo quy định của pháp luật.
Theo Thượng tá Khổng Ngọc Oanh - Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho biết, các vụ bạo lực phụ nữ, trẻ em hầu hết do chính người thân, người có trách nhiệm quản lý, nuôi dưỡng thực hiện trong môi trường hẹp và kín nên rất khó phát hiện cũng như áp dụng các biện pháp phòng ngừa; hầu hết phụ nữ, trẻ em không được bảo vệ trong chính ngôi nhà của mình.
Thượng tá Khổng Ngọc Oanh cho rằng, cần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác xã hội, đoàn thể; phối hợp, hỗ trợ lực lượng công an tại các cấp cơ sở trong tuyên truyền, lên tiếng, trợ giúp và điều tra xử lý tội phạm; phát huy công năng của các đường dây nóng làm sao để người dân biết, tin tưởng và báo tin tố giác, tham vấn khi bị hoặc có nguy cơ bị xâm hại.
Tại hội thảo, các ý kiến cũng cho rằng, môi trường gia đình vốn được coi là an toàn nhất với trẻ em, nhưng thời gian qua xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em ngay tại gia đình, nhất là bạo lực trẻ em do chính ông bà, cha mẹ, bố dượng, mẹ kế, người thân thích thực hiện. Thực tế vẫn tồn tại quan niệm cho rằng, dạy dỗ con là việc riêng của mỗi gia đình dẫn tới nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại, nhất là bị bạo lực trẻ em tại gia đình trong thời gian dài nhưng hàng xóm, cộng đồng, cơ quan, tổ chức không phản ánh, tố cáo kịp thời, không phát hiện được để can thiệp, xử lý…
Vì vậy, nhằm thúc đẩy công tác bảo vệ phụ nữ, trẻ em trong thời gian tới, các đại biểu đề nghị cần tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật, phổ biến, giáo dục kiến thức về giới, kỹ năng nhận biết và phòng ngừa xâm hại trẻ em một cách cụ thể, sát tình hình thực tế; mở các lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác giải quyết đơn thư, lên tiếng bảo vệ cho phụ nữ và trẻ em.
Đồng thời, duy trì, nhân rộng các mô hình có hiệu quả thiết thực nhằm thu hút, tập hợp phụ nữ tham gia, góp phần phát huy vai trò đại diện của tổ chức Hội trong bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ…