Lực lượng chức năng kiểm tra tại hồ Linh Đàm. Ảnh: Thu Trang |
Năm 2016 đánh dấu một vấn đề phát sinh mới về môi trường Thủ đô qua liên tiếp những vụ cá chết số lượng lớn tại một số môi trường thủy sinh được coi là những lá phổi trên địa bàn thành phố, mà đáng kể nhất là sự cố tại Hồ Tây và Hồ Linh Đàm.
Chưa bao giờ, vấn đề môi trường nước, nhất là tại các hồ lớn của Hà Nội trở thành tâm điểm của dư luận và là nhiệm vụ cấp bách của các cơ quan chức năng như hiện nay.
Thiếu đồng bộ trong nâng cấp môi trường hồ
Gần đây nhất là sự kiện cá chết nổi trên mặt hồ Linh Đàm. Theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, ngay sau khi xuất hiện cá chết rải rác trên mặt hồ này vào khoảng đầu giờ sáng 27/10, Công ty Thoát nước Hà Nội đã tiến hành vớt ngay và đến 7 giờ 30 phút cùng ngày, toàn bộ số cá chết đã được vớt sạch và bàn giao cho Công ty Môi trường đô thị vận chuyển về bãi tập kết Nam Sơn để xử lý theo quy định đảm bảo vệ sinh môi trường.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, số cá chết không nhiều, khối lượng thu gom được khoảng 200 kg và có biên bản bàn giao cá chết. Là đơn vị được giao quản lý mực nước và duy trì vệ sinh môi trường hồ Linh Đàm, Công ty Thoát nước Hà Nội đã phối hợp với các cấp chính quyền quận Hoàng Mai, Cảnh sát môi trường (PC49) kiểm tra thực tế tại hiện trường.
Kết quả cho thấy, tại thời điểm kiểm tra mặt hồ sạch, không còn hiện tượng cá chết. Công ty đã sử dụng 3 thuyền ca nô chạy tạo sóng trên hồ để tăng cường khả năng khuếch tán ô xy trong không khí vào hồ nhằm tăng hàm lượng ô xy hòa tan trong nước, tạo điều kiện thuận lợi để hệ sinh thái trong hồ duy trì và phát triển bình thường.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện nay, tại 12 quận nội thành có khoảng 120 hồ, gồm các hồ tự nhiên và các hồ được đào, xây dựng theo quy hoạch. Trong đó có 84 hồ đã cải tạo, 10 hồ đang cải tạo và 26 hồ chưa được cải tạo.
Đối với các hồ đã cải tạo kè đá, có nhiều hồ được nạo vét đến cao độ thiết kế, xây dựng đường dạo tạo cảnh quan khu vực xung quanh hồ; một số hồ được xây dựng hệ thống cống tách nước thải, cửa phai, trạm bơm thoát nước nên không còn hiện tượng lấn chiếm đổ đất, phế thải xây dựng, vứt rác xuống hồ.
Điều kiện vệ sinh trên mặt hồ và xung quanh hồ nhìn chung đảm bảo yêu cầu; chất lượng được cải thiện đáng kể do đã xây dựng hệ thống cửa chặn nước thải không cho chảy vào hồ.
Cũng từ thực tế quản lý hồ ở Hà Nội cho thấy, phần lớn các hồ đã được cải tạo, do là hồ điều hòa nên ngay cả khi đã được tách nước thải hoàn toàn thì vẫn tiếp nhận hỗn hợp nước mưa lẫn nước thải khi có mưa chảy vào hồ.
Hay một số hồ khác đã cải tạo kè bờ, có xây dựng hệ thống cửa chặn nước thải, nhưng chưa tách nước thải hoàn toàn nên vẫn tiếp nhận một phần nước thải trực tiếp vào như: Hồ Tây, Trúc Bạch, Thanh Nhàn 2A, Linh Đàm, Nghĩa Tân, Kim Liên…, nên các hồ đã cải tạo hiện đang bị ô nhiễm chủ yếu là ô nhiễm chất hữu cơ.
Riêng với các hồ chưa được cải tạo, theo kết quả quan trắc của Công ty Thoát nước Hà Nội, do vẫn thường xuyên tiếp nhận nước thải chưa qua xử lý chảy trực tiếp vào hồ nên đều đang ở tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng.
Nan giải ý thức
Lý giải nguyên nhân gây ô nhiễm hồ Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng do ý thức của một bộ phận dân cư và cũng do tốc độ đô thị hóa cao, đặc biệt là hiện tượng lấn chiếm đổ đất, phế thải xây dựng, vứt rác xuống hồ đã làm thu hẹp diện tích của hồ cũng như giảm khả năng điều hòa thoát nước và gây mất mỹ quan đô thị.
Điển hình như hồ Linh Quang, Tứ Liên, Đại Kim, Tân Thụy, Gia Quất, Phùng Khoang… Một số hồ lắp đặt các đăng đó, cửa phai để dâng nước nuôi làm ảnh hưởng đến dòng chảy như hồ Tam Trinh, Đầm Lò Bát, Đầm Vỉ Ruồi…
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, đến thời điểm hiện tại, công tác quản lý các hồ đã đi vào nề nếp, đúng nhiệm vụ của từng đơn vị được giao, không có chồng chéo gì.
Cụ thể, trong số 120 hồ ở khu vực nội thành với chức năng là điều hòa thoát nước và đảm bảo cảnh quan môi trường, UBND thành phố giao Sở Xây dựng đặt hàng với Công ty Thoát nước Hà Nội quản lý mực nước của 85 hồ.
Còn theo phân cấp của thành phố, UBND các quận quản lý về mặt hành chính bao gồm quản lý trật tự đô thị; Sở Xây dựng và Công ty Thoát nước quản lý mặt nước, mực nước về điều hòa thoát nước đô thị; Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý, kiểm tra chất lượng nước hồ, quan trắc, đánh giá chất lượng nước hồ.
Đảm bảo tính bền vững
Trước thực trạng môi trường nước các hồ ở Hà Nội đang bị suy thoái, UBND thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo triển khai công tác xử lý ô nhiễm môi trường nước các hồ và cung cấp nước sạch do Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội làm Trưởng; đồng thời tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường các hồ trước mắt cũng như lâu dài.
Trước mắt, thành phố giao Công ty Thoát nước Hà Nội chủ động phối hợp với các nhà khoa học, các đơn vị trong và ngoài nước để nghiên cứu, thử nghiệm các công nghệ tiên tiến để xử lý ô nhiễm môi trường nước các hồ. Theo đó, Công ty Thoát nước Hà Nội có trách nhiệm thống kê các hồ trên địa bàn, lấy mẫu nước, tổ chức xét nghiệm, đánh giá mực độ ô nhiễm, đễ xuất phương án xử lý.
Cụ thể, trong tháng 9/2016, Công ty Thoát nước Hà Nội đã tiến hành xử lý thử nghiệm 03 hồ: Hố Mẻ, Giáp Bát, Ba Mẫu bằng công nghệ REDOXY - 3C của Đức.
Quá trình thử nghiệm cho kết quả xử lý khả quan, có thể áp dụng để nhân rộng xử lý các hồ khác. Hiện nay, Công ty đã khảo sát và đánh giá sơ bộ hiện trạng môi trường các hồ, trên cơ sở đó, đã xây dựng kế hoạch, phương án xử lý ô nhiễm cũng như duy trì chất lượng các hồ để triển khai thực hiện trong quý IV/2016 và năm 2017 trình UBND Thành phố. Dự kiến ngay trong quý IV này sẽ tiến hành xử lý 67 hồ trong khu vực nội thành và tổ chức triển khai xử lý ô nhiễm các hồ bị ô nhiễm nằm trên địa bàn các huyện và thị xã Sơn Tây.
Về các giải pháp lâu dài nhằm đáp ứng yêu cầu thoát nước và đảm bảo tính bền vững trong hệ thống sinh thái đô thị, cùng với việc rà soát các quy định quản lý, khai thác, sử dụng các hồ, Hà Nội sẽ tập trung đẩy mạnh công tác đầu tư, cải tạo các hồ theo quy hoạch, kế hoạch bằng nhiều nguồn vốn, ưu tiên thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội lấy thêm nhiều mẫu nước ở các khu vực để phân tích tìm nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt ở Hồ Tây. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN |
Thực hiện các giải pháp kỹ thuật để xử lý ô nhiễm, cải tạo hồ; đầu tư nạo vét, kè hồ đường dạo, cũng như lắp đặt thêm các hệ thống sục khí làm giàu oxy, bè thủy sinh để tăng cường quá trình xử lý các chất ô nhiễm…
Đối với các hồ đã cải tạo kè đá, có xây dựng hệ thống chặn nước thải nhưng chưa hoàn chỉnh, Công ty Thoát nước Hà Nội sẽ tiến hành khảo sát chi tiết, lên phương án tách nước thải hoàn toàn nhằm cải thiện chất lượng môi trường nước hồ.
Đồng thời, thành phố đẩy mạnh các hình thức nhằm tuyên truyền vận động người dân không vứt rác thải, đổ phế thải xuống hồ ; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm việc hành vi vi phạm lấn chiếm, đổ rác bừa bãi, xả thải xuống sông, hồ.
Một trong những giải pháp quan trọng nữa theo Luật Bảo vệ môi trường 2014 là quy định cấm nuôi cá, nhưng rất ít hồ ở Hà Nội thực hiện quy định này. Nuôi cá không thực sự mang lại hiệu quả kinh tế mà gây hậu quả lớn về ô nhiễm hồ.
Vì vậy, các chuyên gia khuyến nghị thành phố cần lập riêng một cơ quan quản lý hồ độc lập, chịu trách nhiệm quản lý chung về từng hồ. Cơ quan này có trách nhiệm về khôi phục, cải thiện chất lượng hồ, bao gồm chất lượng nước và chất lượng xung quanh, đảm bảo từng bước khôi phục hồ về chức năng của mình.