Chỉ trong thời gian ngắn, những rủi ro do thiên tai gây ra ở một số quốc gia khiến cả thế giới bàng hoàng. Phóng viên Tin Tức đã trao đổi với ông Trần Ngọc Hùng (ảnh), Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam xung quanh vấn đề sức chống chịu của các công trình hạ tầng Việt Nam trước thảm họa động đất, sóng thần.
Thưa ông, lãnh thổ Việt Nam được các nhà địa chấn cho biết là nằm trên các vết đứt gãy, do đó có khả năng xảy ra động đất ở cường độ nhỏ (3 - 4,5 độ Richter). Trong trường hợp động đất mạnh hơn thì các công trình của Việt Nam chịu được ở mức độ nào?
Nói chung, các công trình từ 9 tầng trở lên ở Việt Nam đều đã được thiết kế chịu được động đất. Nguyên tắc là các công trình hạ tầng, nhất là nhà cao tầng phải chịu được động đất đến 7,5 độ Richter, trong Luật Xây dựng đã quy định rõ. Các công trình, dự án phải được tính toán dựa trên tổ hợp tải trọng bất lợi nhất. Ví dụ như phải tính tới động đất, gió mạnh nhất và độ đảm bảo an toàn khi công trình đang có đông người nhất.
Theo tôi biết trên thực tế nói chung các công trình xây dựng của Việt Nam cho đến nay cơ bản đều đảm bảo thiết kế và thi công đúng quy định.
Mặc dù theo Luật Xây dựng, các công trình phải đảm bảo chịu được động đất tới 7,5 độ Richter, nhưng trong đó đã tính đến các yếu tố như bão, sóng thần chưa, thưa ông?
Theo tôi biết thì chưa ai tính đến việc thiết kế công trình đối phó với sóng thần và mưa gió kèm theo. Thậm chí là chưa tính toán được bởi ở Việt Nam chưa xảy ra sóng thần nên chưa có cơ sở để tính toán, quy định.
Như vậy là rất nhiều công trình không nằm trong diện thiết kế để có thể chống chọi được với sóng thần nên nếu có sóng thần các công trình hạ tầng của ta sẽ bị ảnh hưởng. Thực tế, những thảm họa thiên tai trong thời gian gần đây đặt ra vấn đề, các công trình xây dựng ở Việt Nam, nhất là vùng biển, phải tính đến yếu tố chịu được sóng thần. Kè, đê, đập cũng phải được nâng mức độ chịu động đất, sóng thần lên cao hơn.
Với tư cách một chuyên gia xây dựng, ông có ý kiến gì với việc nâng cao quy định về sức chống chịu của các công trình xây dựng ở Việt Nam đối với các hiện tượng thiên tai đã xảy ra trong khu vực?
Thiết kế chịu gió của các công trình ở Việt Nam trước kia chỉ cấp 9, 10. Nhưng thời gian gần đây, tốc độ gió đã tăng lên rất nhiều vì vậy trong quy định thiết kế chịu gió tới đây phải bổ sung cấp độ gió cao hơn, không thể cố định được. Đặc điểm của bê tông là cùng với thiết kế đó, chịu nén được 100% thì sức chịu gió chỉ được 20%. Trong khi ở Mỹ, đã xảy ra bão với sức gió lên tới 200 – 300 km/giờ nên việc phải nâng cao sức chịu đựng gió lên cấp 12 – 13 là việc phải làm. Nghĩa là tùy vào tình hình thiên tai trong thực tiễn ở mức độ nào chúng ta sẽ có những quy định cụ thể với mức độ cao hơn.
Trước hiện tượng thiên tai trong khu vực và biến đổi khí hậu xảy ra ở Việt Nam hiện nay, Hiệp hội Xây dựng Việt Nam có ý kiến gì về các vấn đề đã nêu, thưa ông?
Có một số vấn đề liên quan mà chúng tôi lo ngại, đó là cơ quan quản lý và Bộ Xây dựng cần thông tin kịp thời đến người dân. Thứ nhất là với công trình xây dựng, dù khung chịu lực tốt nhưng nếu không tính toán đến khả năng có động đất sẽ làm tường bị bung, khung kính văng ra sẽ gây nguy hiểm.
Thứ hai, biến đổi khí hậu và động đất ngày càng nhiều nên không được chủ quan, cần phải xây dựng gấp hệ thống cảnh báo.
Thứ ba, tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đang có rất nhiều khu tập thể đã hết hạn sử dụng. Đã đến lúc phải cấp bách cải tạo, xây mới lại. Cần có thông tin đầy đủ và thái độ quyết liệt khi xử lý vấn đề này. Giả sử có thiên tai xảy ra, các công trình vì đã hết hạn sử dụng, cũ nát đó chỉ cần chịu lực tác động nhẹ cũng có thể gây ra hậu quả khó lường.
Năm 2011, chúng tôi kiến nghị, phải đưa vấn đề biến đổi khí hậu và quy chuẩn chất lượng các công trình xây dựng để đối phó với thiên tai lên bàn Quốc hội để đưa ra chiến lược hành động quốc gia. Trước mắt, chúng tôi sẽ đề nghị Bộ Xây dựng rà soát lại các chỉ tiêu xây dựng làm sao giúp các công trình đủ sức ứng phó với thiên tai, giảm thiểu thiệt hại khi thiên tai xảy ra.
Xin cảm ơn ông!
Xuân Hương (ghi)