Ngày 22/5, Hội thảo “Bảo hiểm ung thư tại Việt Nam – Thu hẹp khoảng cách từ sáng kiến đến việc tiếp cận điều trị ung thư” đã được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh. Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng việc sớm ra đời Bảo hiểm ung thư của các công ty bảo hiểm tư nhân sẽ giúp giảm nhẹ gánh nặng của Chính phủ về các chi phí y tế; đồng thời cần có sự phối hợp giữa ngành bảo hiểm, dược và y tế để hình thành nên được loại hình Bảo hiểm ung thư. Tuy nhiên, mức bảo hiểm cụ thể như thế nào thì ngoài việc dựa trên chi phí điều trị các ca bệnh ung thư hiện nay, cần dựa trên mức thu nhập bình quân thực tế của người dân.
Bác sĩ Phạm Xuân Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu thành phố Hồ Chí Minh cho biết, bệnh ung thư đang gia tăng theo từng năm, kéo theo đó là gánh nặng về chi phí chăm sóc, điều trị của người bệnh và cả chi phí của bảo hiểm y tế dành cho ung thư.
Khám chữa bệnh cho bệnh nhân ung thư tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương (Bộ Y tế). Ảnh: TTXVN
|
Theo số liệu thống kê của ngành y tế, mỗi năm tại Việt Nam, số bệnh nhân ung thư mắc mới khoảng 150.000 người và có 75.000 trường hợp tử vong. Ước tính cả nước hiện có 240.000 - 250.000 người đang sống chung với bệnh ung thư. Tại Bệnh viện Ung bướu thành phố Hồ Chí Minh, số bệnh nhân tới khám và điều trị tăng hàng năm, bình quân khoảng 10% số ca bệnh/năm.
Chỉ trong năm 2013, Bệnh viện tiếp nhận khám, điều trị ngoại trú và nội trú cho khoảng 120.000 lượt bệnh nhân, trong đó có 13.000 bệnh nhân mới. Ước tính chi phí điều trị của một số bệnh ung thư thường gặp ở Bệnh viện Ung bướu thành phố Hồ Chí Minh như: Ung thư vú giai đoạn sớm có chi phí điều trị dao động từ 650-700 triệu đồng; ung thư buồng trứng giai đoạn sớm là 120-200 triệu đồng; ung thư phổi giai đoạn 4 là 200-350 triệu đồng; ung thư gan lên đến khoảng 820 triệu đồng...
Ở nước ta, hệ thống Bảo hiểm xã hội đang thực hiện chi trả một phần chi phí điều trị cho bệnh nhân ung thư. Tuy nhiên, ngành bảo hiểm xã hội đang lo lắng nguy cơ vỡ Quỹ dành cho lĩnh vực y tế, do số lượng bệnh nhân ung thư tăng lên nhanh chóng nên nguồn quỹ bảo hiểm y tế cho ung thư cũng tăng “chóng mặt”. Nếu như năm 2012, tổng chi bảo hiểm y tế cho ung thư là 2.736 tỷ đồng thì đến năm 2013 đã lên tới 3.374 tỷ đồng. Trong đó, chi phí cho thuốc, máu luôn chiếm tỷ lệ cao, với hơn 74%. Một số loại bệnh ung thư có chi phí bảo hiểm y tế chi trả nhiều nhất hàng năm rơi vào các loại: Ung thư đại tràng, bướu ác phế quản và phổi, bướu ác vú, ung thư gan, bướu ác dạ dày, bướu ác buồng trứng hay bệnh bạch cầu tủy... Riêng năm 2013, chi phí bảo hiểm y tế chi trả cho nhóm khoảng 10 bệnh ung thư trên đã chiếm trên 50% tổng chi bảo hiểm y tế với số tiền gần 1.800 tỷ đồng. Hiện tại, với một số thuốc điều trị ung thư ngoài danh mục thanh toán, Bảo hiểm y tế chi trả 50% chi phí.
Theo bác sĩ Phạm Xuân Dũng, gánh nặng ung thư ở Việt Nam hiện tại và những năm sắp tới là một vấn đề quan trọng cho gia đình, xã hội và hệ thống y tế. Để giảm gánh nặng ung thư thì việc phòng ngừa ung thư là giải pháp căn cơ nhất về lâu dài. Tuy nhiên, trước mắt với chi phí điều trị bệnh khá đắt đỏ so với thu nhập bình quân của người dân thì việc để bệnh nhân tiếp cận với các phương pháp chẩn đoán, điều trị tốt nhất cần sự tham gia của hệ thống bảo hiểm y tế.
Bác sĩ Phạm Xuân Dũng cũng lưu ý Bảo hiểm Y tế khi tham gia vào việc hỗ trợ điều trị bệnh ung thư thì phải đảm bảo quyền lợi điều trị cho bệnh nhân, các khoản chi trả rõ ràng, dễ hiểu và thanh toán thuận lợi. Trong điều kiện chi phí điều trị ung thư cao, các bác sĩ cũng khuyến cáo, người dân nên định kỳ thực hiện tầm soát sức khỏe để phát hiện bệnh sớm, từ đó có thể điều trị sớm, giảm chi phí khi điều trị.
H.Chung