Ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội cho biết: Những cây bị đổ trong mưa dông ngày 31/3 là do cây bị sâu mục nhưng phải đến khi cây bị gẫy, đổ mới có thể phát hiện được.
Cây xanh đổ đè bẹp ô tô đỗ trên đường Phan Huy Chú, Hà Nội. Ảnh: TTXVN
|
Để hạn chế hậu quả từ việc gẫy đổ cây xanh cũng như đảm bảo mỹ quan đô thị, từ đầu năm 2017 đến nay, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội đã cắt tỉa hơn 14.000 cây xanh các loại. Trong thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục duy trì và tăng cường cắt tỉa cây xanh trên nhiều tuyến phố theo kế hoạch đã được thành phố phê duyệt.
Thực tế hiện nay cho thấy, mặc dù được cắt tỉa thường xuyên, nhưng cây xanh vẫn có nguy cơ gẫy đổ cao khi có dông lốc lớn. Nguyên nhân là do bộ rễ cây bị cắt hoặc bó hẹp do quá trình chỉnh trang hè phố cũng như sự bức hại của người dân kém ý thức.
Vì vậy, để hạn chế hậu quả đáng tiếc xảy ra từ gẫy, đổ cây xanh, nhiều chuyên gia, nhà khoa học khuyến cáo, trong những lúc mưa dông, gió giật mạnh, người dân không nên trú ẩn hoặc đỗ xe dưới hoặc bên cạnh cây xanh; khu vực cây xanh có đường dây điện chạy qua... nhằm tránh xảy ra thiệt hại về người và tài sản.
Ngày 31/3, mưa, dông đã làm một số cây xanh trên địa bàn Hà Nội gẫy đổ, gây hậu quả. Cụ thể, trong buổi sáng mưa dông kèm theo gió lớn đã làm một gốc xà cừ trong sân Trường Trung học phổ thông Chu Văn An bất ngờ bật gốc và đổ. Vào lúc đó, một số học sinh của trường đang di chuyển giữa các dãy nhà để chuyển tiết học.
Bốn học sinh lớp 10 Nhật (gồm 3 nữ sinh và 1 nam sinh) đã bị cành cây va trúng. Các học sinh bị thương đã được thầy cô đưa đến bệnh viện. Còn tại đường Phan Huy Chú giao với Lý Thường Kiệt, một cây xanh đã bị đổ, đè vào phần đầu ô tô con 4 chỗ đang đỗ ven đường. Rất may vụ việc không gây thiệt hại về người...