Cảnh báo dịch vụ làm CCCD giả
Nội dung nổi bật vừa được Cục An toàn thông tin cảnh báo là đối tượng quảng cáo dịch vụ làm Căn cước công dân (CCCD) giả để lấy cắp thông tin người dùng và cảnh báo chiêu lừa mới nhắm vào trẻ em.
Theo đại diện Cục An toàn thông tin, gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều hội, nhóm quảng cáo dịch vụ “nhận làm căn cước công dân giả” hoặc “làm căn cước công dân giả gắn chip phôi chuẩn 2023"... thu hút một lượng lớn người tham gia và tương tác vào các bài viết.
Khi có nạn nhân liên hệ, các đối tượng yêu cầu họ chuyển khoản đặt cọc, sau đó chiếm đoạt và chặn mọi liên lạc. Tuy nhiên, mục đích chính của các đối tượng là tìm kiếm nạn nhân cung cấp thông tin Căn cước công dân (CCCD) thật để áp dụng kỹ thuật như: Ghép ảnh chân dung, sử dụng công nghệ in, gắn miếng kim loại... làm giả CCCD, nhằm đăng ký mở tài khoản ngân hàng trực tuyến; qua đó thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt khác, hoặc chiếm quyền điều khiển và khai thác dữ liệu cá nhân của nạn nhân từ hình thức trên.
Hành vi trên được lực lượng an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khẳng định là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Để phòng ngừa, ngăn chặn, giảm thiểu nguy cơ lộ, mất thông tin cá nhân, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần có những biện pháp bảo mật với những thông tin cá nhân quan trọng. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân trên CCCD, số tài khoản ngân hàng hoặc mật khẩu; không chia sẻ hình ảnh CCCD lên mạng xã hội hay dưới bất kỳ hình thức nào.
Trường hợp sử dụng những thiết bị thông minh có lưu trữ hình ảnh, thông tin cá nhân, người dân cần hết sức lưu ý khi cài đặt các ứng dụng trên mạng, chỉ tải từ nguồn chính thống trên App Store (hệ điều hành iOS) và CH Play (hệ điều hành Android).
Cảnh báo chiêu lừa mới nhằm vào trẻ em trên mạng
Gần đây xuất hiện mô hình lừa đảo trực tuyến đáng lo ngại, trong đó tin tặc lợi dụng sự say mê của trẻ em với các trò chơi điện tử nổi tiếng như Fortnite và Roblox để thực hiện hành vi lừa đảo.
Cụ thể, đối tượng phát tán, dẫn dụ trẻ em nhấp vào liên kết hoặc tải xuống tệp đính kèm có nội dung "truy cập vào các giao diện quý hiếm, tiền ảo hoặc vật phẩm độc quyền cho trò chơi yêu thích". Nhiều trẻ tải xuống mà không biết đó là những các địa chỉ liên kết và phần mềm độc hại. Với phương thức này, đối tượng sử dụng các trang web lừa đảo để đánh cắp thông tin cá nhân hoặc sử dụng các phần mềm độc hại tấn công thiết bị điện tử và dữ liệu người dùng.
Để ngăn chặn trẻ em trở thành nạn nhân của mô hình lừa đảo nêu trên, Cục An toàn thông tin cho rằng điều quan trọng là cả trẻ em và người lớn đều phải có đủ hiểu biết và sự chủ động. Phụ huynh cần phải quan tâm, nhấn mạnh với trẻ về tầm quan trọng của việc không chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng; trò chuyện và dạy cho trẻ kỹ năng nhận biết, đánh giá tình huống và tính xác thực của những lời dụ dỗ, các trang web và đường dẫn lạ trên không gian mạng. Đồng thời, khuyến khích trẻ có ý thức thường xuyên chia sẻ bất kỳ tin nhắn đáng ngờ nào mà trẻ gặp phải.
Bên cạnh việc giáo dục cho trẻ các kỹ năng khi tham gia môi trường mạng, phụ huynh cũng cần thường xuyên theo dõi chặt chẽ các tương tác trực tuyến, danh sách bạn bè và nội dung tải xuống của trẻ em cũng như cài đặt các phần mềm bảo mật uy tín để có thể kịp thời phát hiện các liên kết và phần mềm độc hại trên thiết bị của trẻ.
Xuất hiện hội nhóm bán biên lai chuyển khoản ngân hàng giả mạo
Cục An toàn thông tin cảnh báo, ngày càng nhiều các hội nhóm chuyên cung cấp dịch vụ làm biên lai chuyển khoản giả mạo nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản người dùng. Đáng chú ý, các hội nhóm này thu hút số lượng thành viên đông đảo lên tới cả chục nghìn người.
Trong hội nhóm, các đối tượng sử dụng tài khoản ảo để đăng bài quảng cáo về dịch vụ làm giả biên lai chuyển tiền của hàng loạt các ngân hàng khác nhau, công khai số điện thoại ghim trên bài đăng để liên hệ làm việc qua các nền tảng Zalo hay Telegram, đăng tải những sản phẩm hoàn thiện để lấy sự uy tín cho bản thân.
Ngoài ra, các đối tượng còn tạo lập một số website giả mạo hay lợi dụng sự tiện lợi và phổ biến của mã QR để thực hiện hành vi lừa đảo. Các biên lai chuyển khoản có giao diện rất khó phân biệt với đầy đủ thông tin và phông chữ như thật, rất khó phân biệt.
Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác trước các đối tượng đề nghị mua hàng số lượng lớn. Khi sử dụng giao dịch qua tài khoản ngân hàng, cần lưu ý kỹ hoá đơn chuyển khoản, không giao hàng cho bất kỳ ai nếu chưa nhận được tiền trong tài khoản ngân hàng kể cả khi đối tượng đã cung cấp hình ảnh chuyển khoản thành công.
Sập bẫy đóng phí để xác nhận số dư tài khoản ngân hàng bị treo
Một hình thức lừa đảo khác được Cục An toàn thông tin cảnh báo là giả mạo bản cam kết ngân hàng, yêu cầu nạn nhân đóng phí để xác nhận số dư bị treo trong tài khoản ngân hàng.
Trong thời gian gần đây, một nạn nhân đã nhận được cuộc gọi từ đối tượng tự xưng là nhân viên ngân hàng, thông báo rằng người dùng có hơn 7 tỷ đồng bị treo trên hệ thống. Vì số tiền lớn nên khách hàng cần làm việc với nhân viên ngân hàng giả đó để lấy lại tiền.
Ngay sau đó, người dùng bị dẫn dụ ký một biên bản cam kết mạo danh, trong đó ghi ngân hàng sẽ hoàn tất thủ tục và hoàn trả toàn bộ số tiền đang bị treo sau khi khách hàng nộp đủ số tiền tương đương 1% số tiền đang bị treo trên hệ thống.
Cục An toàn thông tin cho biết, trong các trường hợp này, nạn nhân có thể không biết vì sao tài khoản của mình được chuyển số tiền lớn nhưng vì lòng tham nên vẫn bị mắc lừa.
“Trên thực tế, các chiêu thức lừa đảo mạo danh ngân hàng đã diễn ra phổ biến với nhiều chiêu trò đa dạng. Bất chấp liên tục có những cảnh báo từ cơ quan chức năng và thông tin trên các phương tiện truyền thông đưa tin, nhiều nạn nhân nhẹ dạ cả tin và thiếu tỉnh táo dễ dàng bị chiếm đoạt tài sản”, Cục An toàn thông tin nêu.
Đơn vị này cũng cảnh báo, khi có người tự xưng là nhân viên ngân hàng liên lạc và đưa ra các yêu cầu nhất định, chủ tài khoản cần chủ động liên lạc với ngân hàng qua đường dây nóng được công bố chính thức hoặc đến trực tiếp trụ sở của ngân hàng gần nhất để làm rõ thông tin.