Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên – Huế, vụ cháy đã gây thiệt hại hơn 200 hecta rừng thông hàng chục năm tuổi, rừng keo sản xuất và phải mất rất nhiều thời gian nữa mới khôi phục lại màu xanh của những cánh rừng phòng hộ tại đây.
Những quả đồi trọc lóc, xám xịt với những thân cây thông chết đứng như cột than là hiện trường của vụ cháy rừng lịch sử xảy ra vừa qua trên địa bàn thị xã Hương Thủy.
Ông Hoàng Phước Toàn, Giám đốc Ban Quản lý rừng Phòng hộ Hương Thủy cho biết, chưa bao giờ cùng một thời điểm mà đơn vị phải căng mình dập lửa ở nhiều điểm cháy rừng xảy ra như những ngày qua. Trước đó, khoảng 11 giờ 30 phút ngày 28/6, giữa cái nắng gần 40 độ C, một điểm cháy bất ngờ bùng phát tại khu rừng keo sản xuất của người dân ở Tiểu khu 150 (phường Thủy Phương), lực lượng của Ban quản lý rừng Phòng hộ Hương Thủy đã cơ động về để hỗ trợ người dân khống chế ngọn lửa. Tuy nhiên, do đám chảy bùng phát ở địa hình hiểm trở kết hợp với gió Tây Nam cấp 5 đã cuốn theo từng mảng thực bì khô nỏ có kèm theo lửa bay sang khu vực rừng thông cách đó 100m ở khoảnh 2, Tiểu khu 151 của phường Thủy Châu, gây ra hai điểm cháy mới tại đây.
Cùng thời điểm này, ở khu vực rừng sản xuất Eo Gió giáp ranh giữa 2 phường Thủy Phương và Thủy Châu một đám cháy mới lại bùng phát do nắng nóng gay gắt, đạn còn sót lại trong chiến tranh phát nổ ở trong rừng. Trong chiều 28/6, gió lớn cấp 5, cấp 6 cuốn theo ngọn lửa tại các điểm cháy trên phát tán, lan sang tiểu khu 152 của phường Phú Bài đe dọa trực tiếp khu vực quân sự và khu dân cư.
Theo nhiều cán bộ kiểm lâm trực tiếp chữa cháy tại hiện trường, gió lớn là nguyên nhân khiến cho các lực lượng không kịp trở tay đối phó với “giặc lửa”. Trong một thời điểm, ngọn lửa đã lan từ cánh rừng này sang cánh rừng khác, kèm theo tiếng đạn nổ ầm ầm còn sót lại trong rừng. Ngọn lửa vừa được khống chế ban ngày, đến khi trời tối lại bùng phát trở lại trong đêm.
Ngay khi cháy lớn xảy ra có nguy cơ cháy lan rộng sang Trạm Kiểm định đạn dược T264 -K890 (thuộc Bộ Quốc phòng) và khu vực dân cư ở phường Phú Bài, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế đã quyết định lập Sở chỉ huy tiền phương tại chỗ để huy động và phối hợp giữa các lực lượng tỏa ra các hướng khác nhau nhằm khoanh vùng, ứng phó cơ động với tốc độ “bay” của ngọn lửa.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Đại Anh Tuấn cho biết, diễn biến nhanh của vụ cháy rừng tại thị xã Hương Thủy vừa qua vượt qua mọi kịch bản ban đầu. Lãnh đạo Sở đã phải huy động tổng lực cán bộ kiểm lâm, lâm nghiệp tại các khu vực khác về đảo quân, chia ca chiến đấu với “giặc lửa”. Tổng số các lực lượng gồm quân đội, công an, kiểm lâm... được huy động tham gia chữa cháy là khoảng trên 1.500 người.
Ông Hoàng Phước Toàn, Giám đốc Ban quản lý rừng Phòng hộ Hương Thủy cho biết, vụ cháy rừng vừa qua đã làm thiêu rụi hoàn toàn 151 hecta rừng thông; để phục hồi lại nguyên trạng những cánh rừng này phải mất khoảng 15 năm trồng, chăm sóc, với kinh phí khoảng 9 tỷ đồng.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Đại Anh Tuấn, với thời tiết nắng nóng gay gắt như hiện nay, nguy cơ xảy ra cháy rừng trên địa bàn tỉnh luôn thường trực. Do vậy, công tác phòng cháy vẫn là chính. Hiện nay, các Hạt kiểm lâm, chủ rừng bố trí ca trực 24/24 giờ, tăng cường hoạt động giám sát rừng bằng camera, chòi canh cũng như tuần tra thực địa nhằm phát hiện sớm các đám cháy. Trong quá trình huy động lực lượng tham gia chữa cháy vấn đề đảm bảo an toàn về người vẫn phải đặt lên hàng đầu, nhất là trong điều kiện bom đạn sót lại trong chiến tranh còn lại nhiều ở trong rừng.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có hơn 288.401 hecta rừng, trong đó 77.158 hecta là rừng trồng và phần lớn các vụ cháy thường xảy ra đối với diện tích rừng trồng này. Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế, tỉnh hiện có 5 vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng lớn gồm: vùng Bắc Hải Vân - Phú Lộc, vùng Hương Thủy - Tây Nam thành phố Huế, vùng Hương Trà và nơi có tuyến Quốc lộ 49 đi qua, vùng A Lưới và có tuyến Quốc lộ 49 đi qua, vùng Phong Điền - Quảng Điền.