Để giải quyết triệt để hậu quả do cơn lũ bùn gây ra ngày 5/11, đồng thời tìm giải pháp xử lý hữu hiệu nhất, ngày 8/11, UBND tỉnh Cao Bằng đã tổ chức cuộc họp bất thường với thành phần tham dự là một số sở, ban, ngành liên quan và đại diện lãnh đạo Xí nghiệp khai thác quặng Nà Lũng.
Chị Mã Thị Bạch cố tìm kiếm những vật dụng bị bùn vùi lấp. |
Tại cuộc họp này, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng khẳng định: Cơn lũ bùn là hoàn toàn do Xí nghiệp (XN) khai thác quặng Nà Lũng gây ra. Vì vậy, phía XN ngoài việc phải chịu mức phạt theo pháp luật quy định còn phải hoàn toàn chịu trách nhiệm với những người dân bị thiệt hại. Quan trọng hơn nữa là phải có giải pháp đưa toàn bộ số bùn thải công nghiệp ra khỏi nhà dân cũng như đồng ruộng và dòng suối... XN cũng phải dừng ngay việc dùng nước để rửa bùn ra sông Bằng, tránh tình trạng ô nhiễm dòng sông. Trong thời gian sớm nhất, phải đưa ra được phương án cụ thể và có hạn định về thời gian xử lý. Đối với 6 ha đất nông nghiệp bị bùn công nghiệp xâm hại, nếu không khắc phục được ngay, XN phải đền bù về sản lượng hàng năm cho bà con.
Ông Hoàng Anh nhấn mạnh: XN khai thác quặng Nà Lũng có lỗi khi để xảy ra sự cố vỡ đập, nhưng UBND tỉnh Cao Bằng yêu cầu các ngành chức năng như Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương và Cảnh sát môi trường cũng cần xem xét lại việc quản lý cấp mỏ và kiểm tra giám sát trong quá trình các doanh nghiệp khai thác mỏ. Ông Nguyễn Hoàng Anh thẳng thắn yêu cầu, nếu XN khai thác quặng Nà Lũng còn vi phạm và không triệt để khắc phục hậu quả thì chính quyền tỉnh sẽ kiên quyết đóng cửa mỏ.
Được biết, từ năm 2005 đến nay, XN này đã có 4 lần bị xử phạt vì xả thải trái phép gây ô nhiễm môi trường trong đó năm 2008 bị xử phạt 70 triệu đồng vì xả thải trộm. Theo ông Đoàn Ngọc Báu, Phó Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Cao Bằng, năm 2005, XN khai thác quặng sắt Nà Lũng đã tự ý xây dựng đập chắn thải số 4 (bể bị vỡ), đồng thời đập này cũng nằm ngoài phạm vi đất được cấp. Mặc dù đây là đập cấp quốc gia nhưng XN không hề có bản vẽ thiết kế cũng như báo cáo đánh giá tác động môi trường. Việc làm này đã bị Thanh tra Sở Tài nguyên & Môi trường lập biên bản xử phạt và yêu cầu hoàn chỉnh mọi thủ tục. Tuy nhiên, đã 5 năm trôi qua, XN khai thác quặng sắt Nà Lũng vẫn chưa hoàn thành các thủ tục trên. Thực tế cho thấy, XN khai thác quặng sắt Nà Lũng đã vi phạm nghiêm trọng về Luật Môi trường khi tự ý xây dựng bể chắn thải. Tuy nhiên, trong vụ việc nghiêm trọng này, chính Sở Tài nguyên & Môi trường cũng chưa làm tròn trách nhiệm quản lý và giám sát được giao nên đã 5 năm trôi qua mà những sai phạm này vẫn không được xử lý triệt để. Hiện XN khai thác quặng sắt Nà Lũng lại đang tiến hành xây dựng tiếp đập chắn thải số 5.
Còn theo đại diện Cảnh sát môi trường tỉnh Cao Bằng, đập chắn thải số 4 (tức đập bị vỡ hiện nay) đã quá tải từ năm 2008. Để khắc phục tình trạng này XN hiện đang xin phép tỉnh cho xây dựng thêm đập số 5 với trị giá hơn 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, đập số 5 vẫn chưa được cấp phép vì báo cáo đánh giá tác động môi trường của XN trình lên Sở Tài nguyên và Môi trường chưa đảm bảo tiêu chuẩn, đã bị trả lại. Đồng thời XN nâng cấp đập số 4 bằng cách hàng năm tôn thêm thân đập bằng đất thải từ mỏ chuyển ra. Tuy nhiên, do khi đổ thải không được lu lèn cẩn thận, sự cố vỡ đập đã xảy ra.
Tại cuộc họp này, một số ý kiến cho rằng: Với một số nhà dân và đồng ruộng không thể khắc phục được thì nên tính đến phương án đền bù diện tích đất khác cho bà con để có nơi sinh hoạt và sản xuất. Nhưng lại có ý kiến cho rằng phương án ấy không khả thi bởi vì cho dù đền bù đất đai và nhà cửa cho dân, XN khai thác quặng Nà Lũng cũng phải đưa toàn bộ số bùn công nghiệp ra khỏi khu vực ô nhiễm và phải có phương án chôn lấp cẩn thận. Nếu không giải quyết được việc này thì chỉ sau một trận mưa to, hàng vạn khối bùn này sẽ tiếp tục gây ô nhiễm môi trường chỗ khác, nhất là ô nhiễm dòng sông Bằng.
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Nguyễn Hoàng Anh khẳng định: Nếu XN khai thác khoáng sản Nà Lũng muốn xây thêm đập số 5 để nâng công suất .
Mạnh Hà