Sạt lở nghiêm trọng
Ðê biển Tây có tổng chiều dài trên 94 km, nối dài qua địa bàn các huyện U Minh, Trần Văn Thời và Phú Tân. Những năm gần đây, biến đổi khí hậu cộng với làn sóng di dân tự do đã ảnh hưởng nhiều đến diện tích rừng phòng hộ ven biển Cà Mau. Hệ lụy là nhiều đoạn đê đã vỡ và có nguy cơ vỡ rất cao. Tình hình sạt lở ngày càng trở nên trầm trọng trong khi nguồn vốn để bồi trúc đê biển chưa thể đáp ứng.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau Nguyễn Long Hoai cho biết, mức độ sạt lở đê biển Tây trung bình hằng năm từ 15 - 25 m. Ðặc biệt, có điểm sạt lở đến 40 - 50 m/năm. Hiện đoạn Ðá Bạc - Kinh Mới đã có dự án làm kè nhưng điều kiện thời tiết khó khăn nên đang đợi thời tiết ổn định sẽ tiến hành thi công 2 km kè ly tâm. Ðoạn Tiểu Dừa cũng đã có dự án thi công 2,1 km kè ly tâm và hiện hạt đê điều đang xử lý tạm thời không cho vỡ đê, chỗ nào đai rừng còn thì cho đứng chịu sóng, chưa thể đầu tư.
Đê tạm bằng tràm và tre nhằm “chữa cháy” những đoạn biển đã lấn đến chân đê. |
Tuy nhiên, theo Hạt trưởng Hạt đê điều Cà Mau, ông Bùi Văn Ðông, trong 94 km đê biển Tây, hiện chỉ mới xây dựng được 8,7 km kè ly tâm chống sạt lở, tức là chưa đến 10% trong tổng số kè cần xây dựng. Với nguồn vốn được rót như hiện tại thì chỉ mang tính chất “chữa cháy” ở những đoạn bức thiết nhất. “Tình hình sạt lở ngày một nghiêm trọng, việc xây dựng kè thì quá chậm do thiếu vốn, tình hình này nếu không có giải pháp mạnh về vốn thì có khả năng đê sẽ không giữ được trong vài năm tới”, ông Đông lo ngại.
Tìm biện pháp hiệu quả
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, hiện nay các tổ chức như Ngân hàng Thế giới (WB), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO)... đang tích cực hỗ trợ nghiên cứu tìm giải pháp chống sạt lở bờ biển cũng như tài trợ vốn để thực hiện.
Theo các nhà chuyên môn, có hai giải pháp hữu hiệu nhất trong lúc này để bảo vệ đê biển Tây là giải pháp công trình và giải pháp phi công trình. Tuy nhiên, giải pháp công trình hiện tại đang bị “mắc cạn” vì thiếu vốn, còn giải pháp phi công trình (vấn đề con người) thì xem ra cũng không mấy khả quan. |
Tỉnh Cà Mau hiện đã có nhiều giải pháp, huy động nhiều nguồn lực để ứng phó với tình trạng sạt lở đất như triển khai dự án đầu tư xây dựng nâng cấp đê biển Tây (21,8 km); nâng cấp đê kết hợp xây dựng đường giao thông trên mặt đê, chiều dài 72,52 km; xây dựng kè chống sạt lở và 4 cầu giao thông trên tuyến. Tổng mức đầu tư dự án 1.697 tỷ đồng. Tỉnh đã tích cực triển khai thí điểm nhiều giải pháp công trình, phi công trình cho các dạng sạt lở khác nhau như kè mềm giảm sóng gây bồi tạo bãi trồng rừng chống xói lở, kè tạo bãi trồng rừng ngập mặn ven biển, kè trụ rỗng tiêu sóng...; chủ động trồng rừng lấn biển ở những đoạn đang có diễn thế bồi để giữ đất.
Mục tiêu của việc nghiên cứu, thí điểm là tìm giải pháp công trình phù hợp cho tình trạng cụ thể của từng diễn thế bờ biển khác nhau, sao cho suất đầu tư thấp hơn, hiệu quả cao hơn, nhưng quan trọng nhất là phải bảo vệ và phát triển được rừng phòng hộ thì mới ngăn chặn được sạt lở.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Cà Mau Lê Văn Hải, việc trồng và khôi phục rừng phòng hộ đê biển Tây cũng đang được thực hiện quyết liệt. Dự án trồng rừng thuộc chương trình ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2018 là sẽ trồng 920 ha rừng phòng hộ ven biển, tổng vốn đầu tư cho chương trình là 90 tỷ đồng. Ðến thời điểm này, các đơn vị chủ đầu tư đã tiến hành trồng được 105 ha (trong đó, có 60 ha khu vực bãi bồi Ðất Mũi).
Tuy nhiên, bình quân mỗi năm có hàng trăm hécta rừng phòng hộ bị mất. Nguyên nhân mất rừng được xác định là do sạt lở và trong đó có một phần nguyên nhân đến từ phía con người.
Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ biển Tây Phạm Văn Oanh cho biết, để giải quyết vấn đề dân sinh, tỉnh cho chủ trương các ban quản lý rừng phòng hộ thực hiện giao khoán đất rừng cho dân quản lý. Trên diện tích rừng được giao khoán, người dân đào ao, lên liếp để nuôi thuỷ sản (chủ yếu là nuôi tôm biển, sò, ốc, vọp...). Vì thế, diện tích rừng phòng hộ cũng mất theo.
Từ thực tế trên cho thấy, công tác đầu tư xây dựng đê biển Tây của tỉnh mặc dù có sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của ngành chức năng nhưng vẫn còn quá chậm và chưa thể đáp ứng được yêu cầu. Việc xây dựng đê chưa hiệu quả, đầu tư xây dựng chắp vá từng đoạn, khi nào sạt lở nghiêm trọng mới xây dựng, còn lại thì bỏ ngỏ.
“Các vấn đề đặt ra trong việc “giải cứu” đê biển Tây hiện nay là xây dựng kè để phục hồi vành đai rừng phòng hộ và giải quyết vấn đề dân sinh cho người dân sống ven đê”, ông Lê Văn Sử khẳng định.