Ngày 25/1/2018, Trạm Y tế xã Hưng Đạo đã tổ chức tiêm phòng cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng. Tại đây, cháu Huy đã được khám, xác định khỏe mạnh nên được chỉ định tiêm vắc xin Quinvaxem và uống vắc xin phòng bại liệt mũi 1 tại trạm y tế xã. Sau tiêm, cháu Huy được theo dõi 30 phút tại trạm. Tuy nhiên, sau khi cháu được đưa về nhà khoảng 45 phút, cháu có biểu hiện tím tái và được gia đình đưa đến trạm y tế lúc 10 giờ 40 phút cùng ngày.
Bác sỹ Nguyễn Văn Tố, Trạm trưởng Trạm y tế xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ, cho biết: Cháu Huy được gia đình đưa đến trạm trong tình trạng tím tái, khó thở, vẻ mặt lờ đờ và đã được xác định là bị sốc nặng. Ngay lập tức, cháu đã được tiêm adrenalin, thở ô xy… theo đúng phác đồ điều trị của Bộ Y tế và chuyển lên Bệnh viện Nhi Hải Dương để cấp cứu. Hiện tình trạng sức khỏe của cháu Huy đã ổn định. Đây là trường hợp sốc phản vệ đầu tiên đã được Trạm Y tế xã cấp cứu ban đầu thành công.
Sốc phản vệ là trường hợp vô cùng nguy hiểm cho bệnh nhân, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng người bệnh. Ngành y tế quán triệt các đơn vị trong ngành luôn có phương án sẵn sàng trực cấp cứu, hỗ trợ chi viện cho tuyến y tế cơ sở trong những ngày tiêm chủng 25 hàng tháng để tránh những tai biến đáng tiếc xảy ra. Đồng thời, ngành y tế khuyến cáo các phụ huynh có con em trong độ tuổi tiêm chủng cần tuyệt đối tuân thủ theo hướng dẫn, theo dõi sát trẻ sau khi tiêm 30 phút tại trạm y tế và sau khi đưa trẻ về nhà, nếu thấy có bất thường phải đưa ngay đến cơ sở y tế.
Vắc xin giúp bảo vệ sức khỏe và giảm tỷ lệ mắc một số bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, mỗi cá thể phản ứng với vắc xin ở các mức độ khác nhau và hầu hết chỉ có các phản ứng nhẹ như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm và tự khỏi trong 24 giờ. Một số rất ít cơ thể trẻ có phản ứng mạnh với vắc xin như sốt cao, co giật, quấy khóc kéo dài, tím tái, thậm chí là sốc phản vệ và tử vong.