Doanh nghiệp từng phải làm tới 24 báo cáo môi trường mỗi năm
Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, lĩnh vực môi trường là lĩnh vực liên quan đến tất cả các tổ chức, cá nhân trong xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp.
Trước đây, lĩnh vực môi trường là lĩnh vực có nhiều báo cáo nhất mà doanh nghiệp phải thực hiện so với các lĩnh vực khác còn lại của Bộ (chiếm 80%). Chế độ báo cáo về môi trường của doanh nghiệp được quy định ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau từ luật, nghị định, quyết định và thông tư. Các nội dung của các báo cáo này là khác nhau bởi các mục đích, yêu cầu quản lý khác nhau. Các doanh nghiệp thực hiện các báo cáo môi trường tại nhiều thời điểm khác nhau và cơ quan nhà nước được báo cáo cũng rất khác nhau.
Cụ thể, lĩnh vực môi trường có 11 văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm luật, nghị định, quyết định và thông tư; quy định 27 loại báo cáo khác nhau cho các đối tượng là doanh nghiệp phải thực hiện.
Hầu hết các doanh nghiệp phải thực hiện tối thiểu là 2 báo cáo và tối đa là 24 báo cáo khác nhau trong một năm để gửi các cơ quan có thẩm quyền khác nhau ở trung ương và địa phương.
Theo rà soát của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các báo cáo vẫn có một số nội dung còn trùng lặp, giống nhau; tần suất và thời điểm báo cáo khác nhau, cơ quan nhận báo cáo khác nhau... làm cho việc thực hiện báo cáo rất phức tạp không cần thiết và thực sự là một gánh nặng hành chính cho doanh nghiệp.
“Trong khi đó, đứng ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước thì lại không có thông tin tổng thể về các vấn đề môi trường hay công tác bảo vệ môi trường của doanh nghiệp do việc thực hiện chế độ báo cáo một cách riêng lẻ, phân tán theo từng nội dung cụ thể”, ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường thừa nhận.
Cắt giảm báo cáo, tạo điều kiện cho doanh nghiệp
Qua thực tế rà soát và tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp, cơ quan quản lý địa phương... Bộ Tài nguyên và Môi trường đã rà soát, đánh giá kỹ lưỡng và đưa ra đề xuất cắt giảm, tích hợp các báo cáo về môi trường. Đề xuất này đã trở thành hiện thực khi Chính phủ ban hành Nghị định số 40/2019/NĐ-CP quy định tích hợp các báo cáo về môi trường; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư số 25/2019/TT-BTNMT đã cụ thể hóa và quy định mẫu báo cáo công tác bảo vệ môi trường chung của doanh nghiệp, tích hợp các báo cáo môi trường riêng lẻ trước đây.
Theo đó, khoản 2 Điều 5 Nghị định số 40/2019/NĐ-CP đã quy định các báo cáo môi trường của doanh nghiệp được lồng ghép, tích hợp trong cùng một báo cáo công tác bảo vệ môi trường. Các báo cáo chuyên đề riêng lẻ trước đây trở thành các phụ lục kèm theo báo cáo công tác bảo vệ môi trường của doanh nghiệp.
Sau khi Thông tư số 25/2019/TT-BTNMT được ban hành và có hiệu lực từ ngày 15/2/2020, các doanh nghiệp chỉ thực hiện 1 báo cáo công tác bảo vệ môi trường trong 1 năm. Báo cáo công tác bảo vệ môi trường của doanh nghiệp được gửi cho tất cả các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường có liên quan, gồm cả cấp trung ương và cấp địa phương.
“Theo tính toán của chúng tôi, Thông tư số 25/2019/TT-BTNMT đã cắt giảm được 23 báo cáo, chiếm 85% số lượng báo cáo của doanh nghiệp trong lĩnh vực bảo vệ môi trường”, ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết.
Tuy nhiên, bên cạnh báo cáo công tác bảo vệ môi trường vẫn còn một vài báo cáo có tính chất đặc thù khác chưa được tích hợp. Thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục đề xuất tích hợp các báo cáo này vào báo cáo công tác bảo vệ môi trường của doanh nghiệp và sẽ được thực hiện trong quá trình sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường và xây dựng các văn bản quy định chi tiết Luật Bảo vệ môi trường. Việc này nhằm bảo đảm quán triệt nguyên tắc “một doanh nghiệp chỉ có một báo cáo môi trường” để giảm gánh nặng không cần thiết cho doanh nghiệp.
Nhiều chuyên gia đánh giá, việc cắt giảm này chắc chắn sẽ có tác động tích cực đến cộng đồng doanh nghiệp và các doanh nghiệp được hưởng lợi từ việc cải cách chế độ báo cáo về môi trường đã được quy định tại Thông tư số 25/2019/TT-BTNMT.
“Lợi ích dễ nhận thấy nhất là cắt giảm, tiết kiệm đáng kể nguồn lực, thời gian, chi phí thực hiện báo cáo cho doanh nghiệp, ước tính tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng mỗi năm cho cộng đồng doanh nghiệp”, ông Phan Tuấn Hùng nhận định.
Cải cách chế độ báo cáo của doanh nghiệp quy định tại Thông tư số 25/2019/TT-BTNMT cũng cắt giảm được tần suất và số lần phải báo cáo. Trước đây phải thực hiện nhiều báo cáo tương ứng với nhiều thời điểm khác nhau thì nay chỉ có một thời điểm báo cáo duy nhất và có thể gửi cho nhiều cơ quan có thẩm quyền khác nhau. Đồng thời, quy định này còn giúp loại bỏ các nội dung trùng lặp không đáng có của các báo cáo riêng lẻ trước đây, giúp bảo đảm chất lượng báo cáo và tính thống nhất của các số liệu trong báo cáo..
Không chỉ doanh nghiệp được hưởng lợi ích từ việc cắt giảm, đơn giản hóa chế độ báo cáo trong lĩnh vực môi trường, mà cơ quan quản lý nhà nước cũng được hưởng lợi từ việc tích hợp, đơn giản hóa chế độ báo cáo này. Thay vì nhận được các báo cáo riêng lẻ, thông tin phân tán thì nay được báo cáo một cách đầy đủ, tổng thể với thông tin có tính hệ thống về các vấn đề môi trường và công tác bảo vệ môi trường của doanh nghiệp, điều này giúp thực hiện tốt hơn công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý
Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục có các đề xuất cải cách về thủ tục hành chính. Một trong những định hướng cải cách sắp tới của Bộ Tài nguyên và Môi trường là việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước nhằm chuyển đổi và xây dựng Chính phủ điện tử, trong đó có ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện chế độ báo cáo trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Thời gian tới, các cơ quan hành chính nhà nước và doanh nghiệp sẽ tương tác, cung cấp và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, thực hiện chế độ báo cáo về tài nguyên và môi trường trên internet hay hệ thống cơ sở dữ liệu và việc này sẽ được thực hiện dễ dàng, đơn giản hơn rất nhiều.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện chế độ báo cáo về môi trường chắc chắn sẽ tiết giảm thời gian, nguồn lực, chi phí đáng kể cho doanh nghiệp, người dân.