Cắt giảm đầu tư công để tập trung vốn vào các công trình thiết yếu

Theo Báo cáo của 10 đoàn công tác do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) chủ trì về việc rà soát cắt giảm các công trình, dự án đầu tư công, qua 1 tháng triển khai Nghị quyết 11 của Chính phủ (ngoại trừ 22 đơn vị chưa báo cáo), 30 bộ, ngành, 63 địa phương, 12 tập đoàn kinh tế mới cắt giảm được hơn 1.7 dự án đầu tư công với giá trị 3.400 tỉ đồng. Tuy nhiên, số cắt giảm này chưa bằng 1% tổng mức đầu tư công năm 2011.

Phóng viên Tin Tức đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Võ Hồng Phúc xung quanh việc thực hiện cắt giảm đầu tư công theo Nghị quyết 11 của Chính phủ.

Thưa Bộ trưởng, tại sao Chính phủ không đề ra chỉ tiêu cụ thể cho việc cắt giảm đầu tư công lần này?

Phải nhấn mạnh rằng việc cắt giảm đầu tư công lần này không phải là cắt giảm tổng mức đầu tư, trái phiếu chính phủ, vốn ngân sách nhà nước bởi vì nguồn vốn này chủ yếu phục vụ mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, Chương trình 135, đầu tư cho vùng sâu, vùng xa, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế. Do đó chúng ta chỉ điều chuyển trong nội bộ từng ngành và từng địa phương theo phương châm tập trung vào các dự án cấp bách, cần thiết cho phát triển kinh tế, cho nhu cầu xã hội, dân sinh cũng như các dự án khắc phục hậu quả thiên tai, bão lụt.

Các công trình thuộc Chương trình 135 được ưu tiên vốn đầu tư.


Chúng ta chỉ không cho ứng trước vốn của năm 2012 như trước đây đã từng làm hoặc không cho điều chuyển vốn từ năm 2010 sang năm 2011. Trên cơ sở đó chúng ta sắp xếp lại các dự án đầu tư một cách có hiệu quả hơn. Riêng việc không cho ứng trước vốn và không cho điều chuyển vốn từ năm 2010 sang, chúng ta có thể tiết kiệm, giảm đầu tư khoảng 50.000 tỷ đồng.

Bộ trưởng đánh giá như thế nào về việc các bộ, ngành, địa phương triển khai rà soát, cắt giảm đầu tư công theo Nghị quyết 11 của Chính phủ?

Qua kết quả của các đoàn kiểm tra (10 đoàn) và theo đánh giá của chúng tôi, hầu hết các tỉnh, thành phố đều rất tích cực trong việc rà soát. Hiện nay, các tỉnh vẫn đang điều chỉnh, rà soát và dứt khoát không đầu tư cho các dự án không hiệu quả, các dự án đầu tư kéo quá dài hoặc các dự án đầu tư chưa thực sự cần thiết. Vừa qua, vẫn còn 22 bộ, ngành, địa phương chưa có báo cáo rà soát, cắt giảm đầu tư công. Với những đơn vị chưa chấp hành nghiêm chỉnh, chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ để có biện pháp xử lý.

Về lâu dài, để đầu tư công hiệu quả, chúng ta sẽ chọn khâu nào để đột phá, thưa Bộ trưởng?

Để đầu tư công hiệu quả, chúng ta phải cơ cấu lại đầu tư. Lĩnh vực nào tư nhân làm được thì để tư nhân làm. Lĩnh vực nào mà tư nhân tham gia từng phần thì Nhà nước sẽ hỗ trợ theo hình thức công tư kết hợp, tức Nhà nước và tư nhân cùng tham gia đầu tư để từ đó chúng ta có thể kiểm soát đồng vốn hiệu quả hơn.

Chúng ta đã đề cập nhiều đến việc đầu tư của khu vực Nhà nước không nên “lấn át” khu vực tư nhân, nhưng điều này vẫn xảy ra. Làm thế nào để khắc phục được tình trạng này, thưa Bộ trưởng?

Chúng ta phải ban hành quy chế đầu tư. Chính phủ đã ban hành quy chế đầu tư công tư kết hợp (PPP). Tới đây, Chính phủ sẽ hướng dẫn các bộ, ngành thực hiện phối hợp đầu tư khu vực tư nhân mạnh mẽ hơn, bài bản hơn.

Báo cáo của các đơn vị cho biết hơn 1 tháng qua đã cắt giảm 1.7 dự án với giá tiền 3.400 tỉ đồng. Nhưng nếu cơ sở không công khai tên dự án thì làm sao chúng ta biết cơ sở có cắt giảm đúng dự án cần cắt hay không, thưa Bộ trưởng?

Đúng là cần công khai tên dự án cụ thể và một số địa phương đã công khai như tỉnh Bình Dương và các tỉnh Đông Nam bộ. Tuy nhiên phần lớn các địa phương chưa công khai được là do số dự án khá nhiều nên rất khó khăn trong việc lựa chọn dự án để cắt giảm. Theo luật, các dự án cắt giảm sẽ phải thông qua HĐND nhưng hiện nay nhiều địa phương vẫn chưa thông qua nên chưa công khai được.

Bộ KH&ĐT đã có tiêu chí cụ thể cho việc định hướng cắt giảm các dự án để các bộ, ngành, địa phương căn cứ thực hiện không, thưa Bộ trưởng?

Chính phủ đã có hướng dẫn cụ thể. Hiện nay chúng tôi cho địa phương tự xếp lại theo từng tiêu chí của địa phương trên cơ sở định hướng của Chính phủ và Bộ KH&ĐT, còn trách nhiệm sắp xếp lại là của các địa phương.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Ý KIẾN

TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM): “Để triển khai cắt giảm đầu tư công hiệu quả cần phải vượt được qua áp lực lợi ích nhóm, địa phương. Qua thực tế cho thấy, để cắt giảm được các dự án ở các tập đoàn cực khó. Tập đoàn nào cũng lập luận dự án đang đầu tư là thiết thực, hiệu quả. Thậm chí còn cho rằng, nguồn vốn mà họ đầu tư là vốn vay ngân hàng chứ không phải vốn đầu tư từ ngân sách nên không thuộc diện phải xem xét cắt giảm.

Do đó, câu chuyện giảm đầu tư công thành công hay không phụ thuộc hoàn toàn vào ý thức. Tôi cho rằng thời gian tới, khả năng CPI vẫn theo xu hướng tăng và điều đó khiến Chính phủ sẽ hành động quyết liệt hơn trong vấn đề cắt giảm đầu tư công. Nếu không thực hiện thành công việc cắt giảm này, hậu quả đối với kinh tế vĩ mô sẽ lâu dài và rất khó chữa.

Tiến sỹ Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia: Việc cắt giảm đầu tư công sẽ ảnh hưởng đến mức tăng trưởng và lợi ích của bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp. Do đó, nếu chúng ta không làm kiên quyết và đồng bộ thì khả năng cắt giảm bị hạn chế dẫn đến hiệu lực, hiệu quả của Nghị quyết 11 cũng hạn chế.



Xuân Hương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN