Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, khắp các nẻo đường lại nhộn nhịp dòng người hồi hương, trong đó phần lớn là những công nhân, người lao động rời các thành phố lớn về quê ăn Tết. Nhưng từ 2 năm nay, dịch COVID-19 đã thay đổi thói quen của nhiều người lao động, họ có thể thu xếp về ăn Tết ít ngày hơn, hoặc ở lại thành phố đón Tết. Tại Đà Nẵng, dù các công nhân quyết định về quê hay ở lại ăn Tết cũng đều được Liên đoàn Lao động thành phố hỗ trợ, động viên nhiệt tình.
Những chuyến xe an toàn về với quê hương
Từ 6 giờ sáng 26 tháng Chạp, vợ chồng anh Lê Quốc Thanh, chị Trần Mỹ Hằng đã bồng bế 2 con nhỏ lên đường về quê Đắk Lắk để ăn Tết với ông, bà nội. Nhưng địa điểm xuất phát không phải là bến xe, mà tại nhà văn hóa khu công nghiệp Hòa Khánh, trong chương trình “Chuyến xe Công đoàn” của Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng.
Anh Lê Quốc Thanh là giáo viên một trường tiểu học tại quận Liên Chiểu, còn vợ thì ở nhà nội trợ, chăm hai con nhỏ. Kinh tế gia đình vốn đã khó khăn, còn bị ảnh hưởng của dịch bệnh nên khi được thông báo về chuyến xe miễn phí, vợ chồng anh liền hứng khởi tham gia.
“Lúc đầu chúng tôi cũng chưa quyết định là sẽ về ăn Tết, nhưng chính quyền đã cho phép người dân được đi lại với điều kiện đảm bảo an toàn chống dịch, nên vợ chồng tôi quyết định đưa các cháu về ăn Tết với ông bà. Khi đến đây tất cả mọi người đều được test COVID-19 miễn phí, được đảm bảo an toàn, lại được phát thêm tiền lộ phí nên gia đình chúng tôi rất mừng” – anh Lê Quốc Thanh chia sẻ.
Cùng chọn về quê trên “Chuyến xe Công đoàn” còn có gia đình chị Nguyễn Thị Huyền và anh Trịnh Phước Sáu (quê Quảng Trị). Trước đây, cả 2 vợ chồng chị làm công nhân tại khu công nghiệp Hòa Khánh (quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng), nhưng hiện nay chỉ có anh còn đi làm. Từ khi dịch COVID-19 bùng phát, chị Huyền nghỉ việc ở nhà chăm 2 con nhỏ, bé đầu 6 tuổi và bé sau 2 tuổi. Với thu nhập chỉ 7 triệu/tháng của anh Sáu, dù đã cố gắng nhưng anh chị cũng chưa thể chuẩn bị được một cái Tết đầy đủ. Vì vậy, việc được về quê trên chuyến xe miễn phí, được quan tâm, chăm sóc tận tình tại “Chuyến xe Công đoàn” đã khiến anh chị rất xúc động.
Chị Nguyễn Thị Huyền cho biết: “Tôi rất ấn tượng, biết ơn với sự giúp đỡ của chính quyền, các đoàn thể tại thành phố Đà Nẵng. Không chỉ trong đợt Tết này mà trong suốt quá trình 2 năm chống chọi với dịch COVID-19, các công nhân, người lao động xa quê như vợ chồng chúng tôi đều được quan tâm, hỗ trợ rất nhiều. Chúng tôi đã coi Đà Nẵng như quê hương thứ 2 và sẽ cố gắng ổn định cuộc sống, làm việc tại đây lâu dài”.
Tết ấm áp cho các công nhân ở lại
Khác với 2 gia đình trên, năm nay vợ chồng anh Nguyễn Đại Phong và chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh quyết định không về quê ăn Tết, mà ở lại thành phố Đà Nẵng đón Xuân. Trong căn hộ nhỏ tại tầng 4 chung cư nhà ở xã hội khu công nghiệp Hòa Khánh (quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng), hai vợ chồng cùng dọn dẹp nhà cửa, nấu các món ăn, chuẩn bị đón năm mới Nhâm Dần.
Theo anh Nguyễn Đại Phong, mọi năm hai vợ chồng anh vẫn đưa các con về quê Quảng Trị để đón Tết, vì không khí Tết tại quê nhà vẫn mang các giá trị truyền thống hơn thành phố. Nhưng năm nay gia đình ở lại Đà Nẵng, phần vì kinh tế khó khăn do dịch bệnh, phần vì mới dành dụm mua được căn hộ chung cư này, nên muốn đón Tết tại nhà mới.
“Sau hơn 10 năm làm việc tại Đà Nẵng, cuối cùng chúng tôi cũng mua được nhà nên năm nay rất phấn khởi. Hai vợ chồng tôi đều là công nhân tại khu Công nghệ cao thành phố Đà Nẵng nên được duyệt thủ tục, giấy tờ mua nhà ở công nhân với giá theo chính sách của thành phố. Bất ngờ hơn, gia đình vừa được Liên đoàn Lao động thành phố đến tận nhà trao quà, động viên đối với các hộ công nhân ở lại thành phố đón Tết. Nhận được bánh chưng, mứt Tết khiến chúng tôi cảm thấy thân quen như đang ở quê nhà” – anh Phong xúc động.
Ông Nguyễn Xuân Dũng (Tổ trưởng tổ công nhân tự quản số 1, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) nhận định: Sau các đợt dịch COVID-19 vừa qua, rất nhiều công nhân có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập bấp bênh, công việc bị cắt giảm. Bản thân các Tổ tự quản đã rất nỗ lực hỗ trợ các hộ công nhân trên địa bàn trong thời gian giãn cách xã hội, đồng thời báo cáo các hoàn cảnh khó khăn lên Liên đoàn Lao động các cấp để kịp thời giúp đỡ. Sau một năm khó khăn như năm vừa qua, mỗi suất quà, mỗi đợt ủng hộ của các hội đoàn thể, các cấp chính quyền đều rất đáng quý đối với các công nhân, người lao động.
Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng Nguyễn Duy Minh, trong những ngày cận Tết, Liên đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động trao quà hỗ trợ cho các công nhân, người lao động, kể cả những người về quê và những người ở lại thành phố. Đối với công nhân, người lao động không có điều kiện về quê ăn Tết, trong các ngày 26, 27/1 vừa qua, Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng đã tổ chức chương trình “Tết sum vầy, Xuân bình an”, trao tổng cộng hơn 1.000 suất quà, mỗi suất trị giá 500.000 đồng (người lao động đơn thân nuôi con nhỏ được nhận suất quà trị giá 1 triệu đồng). Liên đoàn Lao động thành phố đã tổ chức nhiều đợt, tới từng khu nhà trọ, khu tự quản công nhân, chung cư, nhà ở xã hội cho công nhân... để trao tận tay những phần quà ý nghĩa gồm bánh chưng, thực phẩm, bánh kẹo.
Còn đối với công nhân, người lao động về quê thì có thể tham gia chương trình thường niên “Chuyến xe Công đoàn”, với 70 chuyến xe miễn phí đưa hơn 2.000 người về quê, từ ngày 22/1 đến ngày 30/1. Các chuyến xe có điểm đến xa nhất ở phía Bắc là tỉnh Thanh Hóa, ở phía Nam là tỉnh Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên đến tỉnh Đắk Lắk. Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng còn tổ chức xét nghiệm nhanh COVID-19 và hỗ trợ tiền ăn trị giá 100.000 đồng với mỗi đoàn viên công đoàn, hỗ trợ 50.000 đồng đối với người thân đi cùng.
Ông Nguyễn Duy Minh cho biết: Trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, nhiều người lao động vẫn còn băn khoăn, lo lắng, chưa quyết định có về quê ăn Tết không. Liên đoàn đã thông qua các công đoàn cơ sở, các tổ tự quản công nhân để nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của các đoàn viên công đoàn, qua đó kịp thời động viên, hỗ trợ các trường hợp khó khăn. Đà Nẵng luôn mong muốn mang lại một dịp Tết Nhâm Dần đầm ấm, tình cảm, an toàn cho các công nhân, người lao động, đảm bảo vui lòng người ở, vừa lòng người đi.