Chấn chỉnh cấp phép để kiểm soát kinh doanh thuốc thú y thủy sản

Ghi nhận từ các đoàn thanh tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) mới đây cho thấy, sơ hở trong cấp phép kinh doanh và chồng chéo trong quản lý là nguyên nhân của tình trạng quảng cáo sai sự thật các sản phẩm thuốc thú y thủy sản hiện đang phổ biến hiện nay.

 

Quảng cáo quá mức


Đầu tháng 5/2012, đoàn kiểm tra về tình hình kinh doanh vật tư nuôi trồng thủy sản của Bộ NN&PTNT tại tỉnh Bạc Liêu phát hiện nhiều loại mặt hàng không có trong danh mục được cấp phép. Toàn tỉnh có 8 cơ sở vật tư nông nghiệp và thuốc thú y thủy sản thì từ đầu năm đến nay, có 155 cơ sở bị phát hiện vi phạm trong việc kinh doanh các sản phẩm không được phép lưu hành. Nhiều sản phẩm quảng cáo quá mức, sai sự thật.


Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu nêu dẫn chứng: Qua kiểm tra, một sản phẩm men gan tôm có công ty “dám” quảng cáo: “Tăng sức đề kháng bệnh, tăng chức năng giải độc gan, giảm lượng mỡ dư thừa trong gan, kích thích sản xuất tế bào máu” trong khi thành phần chỉ có một số loại vitamin không thể đem lại công dụng như lời quảng cáo. Hoặc, trên bao bì một sản phẩm khác còn mạnh dạn quả quyết: “Công dụng: Tiêu diệt tất cả các mầm bệnh virút, vi khuẩn trong ao nuôi, rất an toàn cho vật nuôi” trong khi các chuyên gia thủy sản chỉ cần nhìn qua thành phần có thể khẳng định sản phẩm không thể đạt được tác dụng như thế.


 

Các sản phẩm thuốc thú y thủy sản sẽ được kiểm soát chặt chẽ. Ảnh: CTV

 

Kiểm tra còn cho thấy, nhiều biểu hiện vô lý chứng tỏ việc quản lý việc sản xuất kinh doanh sản phẩm thú y thủy sản còn lỏng lẻo. Hiện nay rất nhiều công ty được Bộ Thủy sản cấp phép từ năm 2003, 2004, 2007 và trên các đăng ký của họ thì đến bây giờ, vẫn là những sản phẩm được cấp phép từ những năm trước nhưng trong nhãn mác, ca-ta-lô thì lại khẳng định: Không chứa các chất cấm quy định tại Thông tư 15 ngày 17/3/2009 của Bộ NN&PTNT quy định Danh mục thuốc, hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng, hạn chế sử dụng. Khi kiểm tra thì thấy rất nhiều các sản phẩm giấy phép là cũ nhưng sản phẩm là mới, không như giấy cấp phép nêu.
Khẳng định không chỉ có tình trạng quảng cáo quá mức sản phẩm thuốc thú y thủy sản mà còn nhiều sai phạm trong sản xuất và kinh doanh những loại mặt hàng vật tư ngành thủy sản, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu, nguyên nhân do hiện nay còn sơ hở trong việc cấp Giấy công nhận về chất lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm này. Cục Thú y chỉ yêu cầu trên giấy có ghi tên sản phẩm, công dụng, cách đóng gói, hạn dùng, tên cơ sở, địa chỉ, điện thoại… mà không yêu cầu thành phần, công dụng là gì, chất lượng như thế nào trong giấy chứng nhận lưu hành. Tổng cục Thủy sản còn yêu cầu đơn giản hơn: chỉ ghi là loại bột hay loại nước, dung lượng đóng gói bao nhiêu.


Một nguyên nhân khác là sự chồng chéo trong quản lý. Theo quy định, Tổng cục Thủy sản chỉ cấp phép cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các chế phẩm xử lý môi trường, Cục Thú y cấp phép cho nhóm thuốc thú y thủy sản. Tuy nhiên trong thực tế, nhiều địa phương, vẫn còn việc cấp phép “trái tuyến”. “Cần xem lại cơ quan cấp phép như thế nào? Việc cấp phép đã đúng hay chưa? Từ đó, truy quét các sản phẩm ngoài luồng”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu nhấn mạnh.

 

Phân cấp quản lý, chấn chỉnh cấp phép


Ngành nông nghiệp ở những địa phương có đoàn kiểm tra đến đều “kêu” và đề nghị cần tăng cường kiểm tra, giám sát quản lý các đại lý kinh doanh thuốc thú y thủy sản. Hiện nay có hiện tượng nhiều công ty tự ý xuống địa phương quảng cáo thuốc, trong khi năng lực của cán bộ địa phương thì có hạn.


Trước thực tế nhiều sai phạm, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu yêu cầu trong thời gian tới, Tổng cục Thủy sản, Cục Thú y phối hợp với Thanh tra Bộ NN&PTNT kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư thủy sản để kịp thời phát hiện, xử lý các sai phạm; đồng thời rà soát quy trình, danh mục cấp phép, thẩm quyền cấp phép của các địa phương, kiểm tra lại biểu mẫu các giấy chứng nhận cơ sở và quy trình chứng nhận để chấn chỉnh công tác cấp phép sản xuất kinh doanh các mặt hàng này, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.


Bên cạnh đó, để hạn chế tình trạng chồng chéo trong việc cấp phép các loại thuốc thú y cũng như các chế phẩm sinh học và xử lý môi trường, lãnh đạo ngành nông nghiệp đề nghị hai đơn vị cần thống nhất để xác định danh mục cấp phép, cần quy định rõ ràng, định nghĩa lại thế nào là thuốc thú y trong nuôi trồng thủy sản và thế nào là sản phẩm phục vụ chăn nuôi, cơ quan nào có chức năng cấp phép? Thông tin rộng rãi trên các phương tiện báo đài để cho người dân có thể nắm được. Đồng thời, cần tăng cường lớp tập huấn cho cán bộ cơ sở địa phương, có tờ rơi phát đến người dân để họ lựa chọn được sản phẩm có chất lượng.


Mạnh Minh

Không phát hiện hóa chất cấm trên cá điêu hồng lồng bè ở Tiền Giang

Ngày 23/4, ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang khẳng định, liên tục từ năm 2010 đến nay, tỉnh tăng cường kiểm tra chất lượng đầu ra của sản phẩm nông – lâm – thủy sản và chưa phát hiện được mẫu cá điêu hồng nào nhiễm hóa chất cấm Trifluralin.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN