Bà Trương Thị Len, người từng bảy lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ ở phường Nghĩa Xá, Lê Chân, Hải Phòng. Ánh mắt bà Len sáng bừng mỗi khi nhắc lại những kỷ niệm được gặp, nói chuyện với Bác. Những lời Người dạy đã theo bà suốt cuộc đời…Bắt đầu từ những sáng kiếnXuất thân từ gia đình cả bố và mẹ đều là công nhân, năm 1955, khi vừa tròn 17 tuổi, cô gái Trương Thị Len vào làm công nhân của Nhà máy Xi măng Hải Phòng. Nhỏ bé nhưng đầy vững vàng, Trương Thị Len đã lập tức tạo dấu ấn với thành tích 3 năm liền là chiến sỹ thi đua của nhà máy. Trong lần Bác Hồ về thăm Nhà máy Xi măng Hải Phòng ngày 30/5/1957, cùng với các công nhân khác, cô công nhân Trương Thị Len đã được nghe Bác nói chuyện, dặn dò: “Nhà máy xi măng Hải Phòng trước đây là của thực dân. Bây giờ là của các cô, các chú. Người công nhân trước đây là người làm thuê cho tư bản. Bây giờ là người làm chủ đất nước. Phải xứng đáng với vai trò của mình… Muốn khắc phục những khó khăn phải chịu khó, chịu khổ. Ra sức lao động sản xuất để cải thiện đời sống. Công cuộc xây dựng lại đất nước ngày nay như đào một cái giếng uống nước, trồng một cái cây ăn quả: Người đào giếng thì phải chịu khát rồi mới có nước. Người trồng cây phải cố gắng vun trồng thì cây mới có quả”. Bài nói chuyện của Bác đã tác động sâu sắc đến tinh thần, thái độ làm việc của cán bộ, anh em công nhân nơi đây. Nhiều trang thiết bị bị hư hại sau chiến tranh được chính những công nhân mày mò sửa chữa, đảm bảo tiến độ sản xuất cung cấp xi măng để xây dựng và phát triển đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh kỷ niệm với các đại biểu Quốc hội khóa II. Ảnh: Tư liệu TTXVN
|
Khắc ghi những lời Bác dạy, ở tổ đá nhỏ ca A do bà Trương Thị Len làm tổ trưởng, phong trào thi đua “Ca nọ vượt ca kia” được các công nhân hưởng ứng sôi nổi. Bà Len vẫn nhớ như in không khí lao động hăng say những năm ấy, khi mà trang thiết bị sản xuất còn khá thô sơ. Những cô gái mới đôi mươi căng mình đẩy những xe đá nặng cả tấn, những bàn tay búp măng thoăn thoắt khuân những tảng đá lớn lên xe goòng. Nhờ bố trí, sắp xếp lao động và trang thiết bị hợp lý mà tổ đá nhỏ ca A dù thiếu người vẫn đảm bảo sản xuất, tiết kiệm thời gian. Từ vài chục xe mỗi ca, tổ của bà Len đã tăng lên hàng trăm xe đá mỗi ca, năng suất vượt 200%, đảm bảo cung cấp đủ nguyên liệu cho sản xuất. Với phong trào thi đua cải tiến kỹ thuật, cơ giới hóa khâu chuyển đá, tổ đá nhỏ ca A được tuyên dương là “Tổ lao động XHCN đầu tiên” của miền Bắc.
Sáng kiến tiếp nối sáng kiến, những đóng góp của bà Len và đồng nghiệp đã giúp Nhà máy Xi măng Hải Phòng trở thành điểm sáng trong phong trào thi đua sản xuất. Năm 1959, tại Đại hội Anh hùng và Chiến sỹ thi đua toàn quốc, bà Len lại được vinh dự gặp và nghe Bác nói chuyện. Cũng năm đó, bà Trương Thị Len được Nhà nước trao tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc, Huân chương Lao động hạng Ba và Huy hiệu Bác Hồ, đồng thời vinh dự được kết nạp Đảng Cộng sản Việt Nam. Cô công nhân Trương Thị Len lúc đó đã là tấm gương tiêu biểu trong lao động, sản xuất của cả nước.
Còn sức khỏe là còn thi đuaNăm 1960, bà Trương Thị Len vinh dự là một trong những Đại biểu Quốc hội trẻ nhất tại Quốc hội khóa II. Năm 1963, trong dịp Đoàn thanh niên là đại biểu Quốc hội đến chúc thọ Bác tại Phủ Chủ tịch, bà Len lại được gặp vị Cha già của Dân tộc. Càng vinh dự hơn khi bà Len được cử đại diện cho đoàn phát biểu chúc mừng Bác. Trong không khí ấm cúng, bà Len cùng các thành viên trong đoàn ngồi quay quần xung quanh Bác, nghe Bác ân cần hỏi chuyện từng người. Bà Len kể: “Được phân công, tôi mạnh dạn đứng dậy thưa: “Thưa Bác, hôm nay mừng thọ Bác 73 tuổi, chúng cháu thay mặt thanh niên cả nước kính chúc Bác sống lâu muôn tuổi…”. Thấy tôi xúc động, Bác mỉm cười khích lệ: “Các cháu yên tâm, năm nay Bác vẫn còn đủ sức để cùng các cháu thi đua làm việc cho cách mạng”. Sau đó Bác đọc câu thơ:
“Bảy mươi ba tuổi vẫn còn xuân
Sức khỏe còn nhiều phục vụ dân…”Sau khi phát biểu, tôi đã mạnh dạn xin phép được ôm hôn Bác. Bác cười và nói “Đây là cô bé thứ hai xin được hôn Bác, còn cô bé thứ nhất là một cô trong đoàn văn công Liên Xô sang biểu diễn ở nước ta”.
Bà Trương Thị Len hồi tưởng lại những ngày làm công nhân Nhà máy Xi măng Hải Phòng.Ảnh: Lâm Khánh |
Phút giây được ôm hôn vị cha già kính yêu của dân tộc đã đi theo bà suốt cuộc đời. Đó là vinh dự và là nguồn động lực giúp bà vươn lên trong công việc và cuộc sống.
Dù trong phong trào công nhân, hay tham gia sản xuất bà Len đều mang theo lòng nhiệt huyết, tinh thần thi đua không ngừng. Bà Len hóm hỉnh đùa rằng, có lẽ vì mải mê thi đua sản xuất mà mãi đến năm 28 tuổi bà mới “chịu” lập gia đình. Chồng bà là ông Hoàng Tường Hy, một đại tá quân đội về hưu giờ cũng đã 84 tuổi. Trong căn nhà nhỏ với những vật dụng khá tuềnh toàng, bà Len và ông Hy nói cười không ngớt khoe với chúng tôi rằng bà mới được nhận huy hiệu 55 tuổi Đảng, còn ông Hy cũng đã “chạm mốc” 65 năm tuổi Đảng. Những kỷ niệm về Bác Hồ là những câu chuyện mà ông bà vẫn thường kể cho các con, các cháu nghe. Ông bà có hai người con gái, một là cán bộ của Nhà máy Xi măng Hải Phòng, một là Hiệu phó một trường THCS ở Hà Nội và đều là Đảng viên. Cho đến hôm nay, ông bà luôn cảm thấy tự hào khi các con, cháu vẫn tiếp nối được truyền thống của gia đình, những phẩm chất mà ông bà đã học được từ vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.
Làm cán bộ không mất “chất công nhân”Được tặng hoa chúc mừng Bác, được ôm hôn Người là vinh dự và tự hào mà bà Trương Thị Len mãi khắc ghi trong lòng. Thế nhưng, kỷ niệm đáng nhớ nhất với bà lại là lần được Bác Hồ căn dặn về “chất công nhân”. Năm 1964, trong một lần dự lễ kỷ niệm ngày Quốc khánh 2/9, bà Len lần thứ bảy được gặp Bác Hồ. Giữa đông đảo các đại biểu, Người vẫn nhận ra cô gái đất Cảng, Bác hỏi: “Bé Len ở Hải Phòng mới lên hả?”. Bà Len chưa kịp trả lời thì đồng chí Trường Chinh đã thưa: “Thưa Bác, cô Len đang học ở Trường Công đoàn Trung ương ạ”. Bác gật đầu cười: “À, cháu làm cán bộ rồi đấy à!”. Bà Len vội vàng: “Dạ thưa Bác… không ạ”. Bà Len vẫn nhớ như in nụ cười của Bác hôm đó, Bác khẽ động viên: “Bác mừng cho cháu tiến bộ. Làm cán bộ nhưng đừng để mất chất công nhân, cán bộ phải gương mẫu, chí công, vô tư”. Lời căn dặn của Bác theo bà Len suốt nhiều năm làm cán bộ, bà luôn suy ngẫm về “chất công nhân” đó.
Sau khi học xong Trường Công đoàn Trung ương, bà Len từ chối nhiều vị trí công tác ở Tổng Công đoàn Việt Nam và thành phố Hải Phòng, quay về gắn bó với công tác công đoàn tại Nhà máy Xi măng Hải Phòng. Xuất thân từ người công nhân trong lao động vất vả, bà thấu hiểu hơn hết đời sống của anh em lao động. Cảm thông, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn, bà Len càng lúc càng hiểu rằng “chất công nhân” tức là phải có lập trường giai cấp, tầm nhìn xa nhưng phải biết gắn bó với công nhân. Người cán bộ phải nhìn nhận đúng bản chất của mỗi người lao động để quản lý hiệu quả và đảm bảo đời sống cho công nhân. Gần 20 năm là quản đốc phân xưởng bao giấy, bà Len đã cùng tập thể công nhân đoàn kết vượt qua nhiều khó khăn, chủ động đảm bảo sản xuất phát triển. Bà Len là chiến sỹ thi đua 17 năm liền, được tặng danh hiệu “Cán bộ quản lý giỏi”, 4 Bằng Lao động sáng tạo (năm 1981, 1983, 1984, 1989) và nhiều Bằng khen của Bộ Xây dựng và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Cho đến nay, khi đã bước sang tuổi 77, “chất công nhân” trong con người vẫn thôi thúc bà đóng góp vào các hoạt động xã hội ở địa phương. Suốt gần chục năm nay, mỗi ngày bà Len lại cùng các cán bộ hưu trí tích cực đi vận động từng nhà, hăng hái đóng góp vào các hoạt động của Hội Chữ thập đỏ phường Nghĩa Xá. Bà Len không ngừng nhắc đi nhắc lại câu nói mà bà đã hứa với Bác: “Mãi mãi là người cán bộ, Đảng viên gương mẫu trong công tác và cuộc sống”
Lâm Khánh