Theo đó, điểm đo tại TITA Hòa Bình, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình có chỉ số ô nhiễm không khí ở mức 500, chỉ số bụi mịn PM 2.5 là 83,4. Đây là mức cảnh báo ô nhiễm cao nhất, nguy hiểm tới sức khỏe tất cả người dân trong khu vực.
Còn tại Thủ đô Hà Nội, điểm đo Trung tâm Sao Mai, quận Thanh Xuân có chỉ số ô nhiễm không khí ở mức 211, thuộc mức rất có hại, cảnh báo tình trạng khẩn cấp tới sức khỏe người dân trong khu vực. Ngoài ra, Hà Nội cũng là địa phương ghi nhận nhiều điểm đo chất lượng không khí ở mức có hại cho sức khỏe (chỉ số 151-200) với 9 điểm; các tỉnh Hưng Yên, Nam Định có 1 điểm đo ở mức chỉ số này.
Tại Nam Bộ, điểm đo tại Thư viện xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, tỉnh Long An ở mức 167, thuộc mức có hại cho sức khỏe. Tại mức chỉ số 151-200, tất cả người dân có thể bắt đầu cảm nhận được các ảnh hưởng đến sức khỏe; nhóm người nhạy cảm với ô nhiễm không khí bị ảnh hưởng nặng hơn.
Theo các chuyên gia khí tượng, ô nhiễm không khí vẫn diễn biến phức tạp, nhất là ô nhiễm bụi mịn tại các thành phố. Tại một số thời điểm trong ngày và một số ngày trong năm, thời tiết khô hanh cũng khiến lượng bụi mịn trong không khí duy trì lâu hơn. Tình trạng bụi, khí thải từ các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, hoạt động công nghiệp với lượng thải lớn cũng gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng không khí.
Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã ra văn bản đề nghị các địa phương tập trung nguồn lực, tăng cường các biện pháp kiểm soát ô nhiễm bụi trong không khí; tổ chức kiểm tra, giám sát, yêu cầu nghiêm các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn thực hiện các biện pháp kiểm soát, bảo đảm xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường...