Cụ thể, HDI năm 2016 đạt mức 0,2 và tăng lên 0,706 năm 2020 tức là từ nhóm trung bình lên nhóm có HDI cao của thế giới. Các chỉ số thành phần cũng có bước cải thiện đáng kể, đơn cử như chỉ số sức khỏe tăng từ 0,822 năm 2016 lên 0,826 năm 2020. Chỉ số giáo dục tăng tương ứng từ 0,618 lên 0,640 và chỉ số thu nhập tăng tương ứng từ 0,624 lên 0,664.
“Nhìn chung, HDI Việt Nam có tăng nhưng vẫn tăng chậm và hiện xếp thứ 7/11 quốc gia khu vực Đông Nam Á”, bà Nguyễn Thị Thanh Mai cho biết.
Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều đạt được HDI năm 2020 cao hơn năm 2016. Năm 2020, tuy không địa phương nào có HDI được xếp vào nhóm 1 là nhóm đạt mức rất cao, nhưng cũng không có địa phương thuộc nhóm 4, là nhóm thấp nhất theo tiêu chuẩn phân chia nhóm của UNDP.
Các địa phương đều thuộc nhóm 3 là nhóm có HDI ở mức trung bình và nhóm 2 là nhóm có HDI đạt mức cao. Đáng chú ý là, nhóm đạt mức cao đã tăng từ 13 địa phương năm 2016 lên 14 địa phương năm 2017; từ 18 địa phương năm 2018 tăng lên 21 địa phương năm 2019 và 24 địa phương năm 2020.
Một kết quả khác là nhiều địa phương có HDI thấp nhưng đạt tốc độ tăng nhanh hơn địa phương có HDI cao; khoảng cách chênh lệch HDI giữa các địa phương thu hẹp dần.
Năm 2020, HDI bình quân của 10 địa phương đạt mức cao nhất là 0,773, tăng 2,71% so với năm 2016. Trong khi đó, HDI của 10 địa phương có mức thấp nhất là 0,626, tăng 5,02%; gấp 1,85 lần tốc độ tăng bình quân của 10 địa phương đạt mức cao nhất. Do vậy, mức chênh lệch HDI bình quân của 10 địa phương đạt cao nhất so với 10 địa phương có mức thấp nhất đã giảm từ 26,% năm 2016 xuống còn 23,61% năm 2020.
Trên cơ sở phân tích động thái và thực trạng HDI của cả nước và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổng cục Thống kê đã đề xuất một số kiến nghị. Cụ thể, HDI là thước đo tổng hợp, đánh giá toàn diện kết quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Do vậy, HDI phải là một trong những chỉ tiêu chủ yếu trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như của từng địa phương.
Cùng với đó, dựa trên kết quả tính HDI, Chính phủ xây dựng một hệ thống các giải pháp đồng bộ và triển khai thực hiện quyết liệt và hiệu quả. Đặc biệt, là các giải pháp tăng cường dịch vụ y tế, giáo dục vì các lĩnh vực này liên quan trực tiếp đến phát triển con người.
Trong y tế cần tập trung nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở và y tế gia đình. Trong giáo dục, cần nhanh chóng khắc phục tình trạng số năm đi học kỳ vọng đang ở mức thấp và tăng chậm hiện nay.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mai cho biết, trong lĩnh vực kinh tế, mặc dù, lạm phát được kiềm chế nhưng vẫn ở mức cao, cần có giải pháp vĩ mô ổn định giá trị đồng nội tệ. Từ đó, nâng cao sức mua tương đương trong so sánh quốc tế nói chung và quy đổi tổng thu nhập quốc gia bình quân đầu người tính chỉ số thu nhập cấu thành HDI nói riêng. Đây cũng là giải pháp góp phần nâng cao thu nhập thực tế của dân cư.