Thế kỷ XX, lịch sử dân tộc Việt Nam đã diễn ra ba sự kiện vĩ đại - đó là Cách mạng tháng Tám - 1945, chiến thắng Điện Biên Phủ - 1954, và Đại thắng mùa Xuân 1975, trong đó chiến thắng Điện Biên Phủ vừa là sự giữ gìn và phát huy thành quả của Cách mạng tháng Tám, vừa đưa dân tộc lên vị trí của người đập tan quyền lực và sức mạnh của chủ nghĩa thực dân cũ, mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc nhỏ yếu trên toàn thế giới.
Đây là điều chính người của “phía bên kia” cũng phải chấp nhận. Trên tờ Le Figaro, số ra ngày 7/5/1974, Jean Pouget - một nhà báo Pháp, người từng là sỹ quan tùy tùng thân cận của Đại tướng Navarre - Tổng chỉ huy lực lượng viễn chinh Pháp ở Đông Dương thời kỳ 1953 - 1954, viết: “Điện Biên Phủ đánh dấu sự kết thúc thời đại chủ nghĩa thực dân và dấy lên thời đại độc lập của thế giới thứ ba. Ngày nay, ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ, không có một cuộc nổi dậy hoặc một cuộc khởi nghĩa nào là không chịu tác động bởi chiến thắng của tướng Giáp. Nếu ngày 14 tháng 7 (phá ngục Bastilles) đã trở thành ngày Quốc khánh Pháp thì ngày 7 tháng 5 cũng trở thành ngày phi thực dân hóa trên toàn thế giới”.
Tù binh Pháp tại Chiến dịch Điện Biên Phủ. |
Điều đáng lưu ý là sau chiến thắng Điện Biên Phủ 6 năm, nếu tính đến ngày Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam ra đời, năm 1960, dân tộc Việt Nam lại phải bước vào một cuộc chiến mới, càng dữ dội, càng khốc liệt, và kéo dài 15 năm, cho đến 1975. Trong bối cảnh thời cuộc mới sau 1954, âm vang của Điện Biên Phủ tuy vẫn còn được lưu giữ sau tiểu thuyết Cao điểm cuối cùng (1961) của Hữu Mai, và một loạt hồi ký của các tướng lĩnh quân đội trong 2 tập Một vài hồi ức về Điện Biên Phủ, và của những binh nhất, binh nhì, trung úy, thiếu úy trong Đánh lấn, Hàng rào cuối cùng, Lớn lên với Điện Biên…, nhưng đất nước lại đứng trước các thử thách mới. Nếu Hiệp định Giơnevơ 1954 về Đông Dương được thực hiện, nếu hai miền đất nước được thống nhất trong hòa bình, thì chắc chắn sự kiện Điện Biên Phủ sẽ còn được trở lại nhiều lần với rất nhiều lưu luyến và tự hào trong đời sống tinh thần của dân tộc ta; và văn học nghệ thuật chắc sẽ có những tác phẩm xứng đáng để lưu lại cho tương lai một tượng đài kỳ vĩ.
Thế nhưng sau Điện Biên Phủ, cả dân tộc ta lại buộc phải lên đường, để đến với cái đích cao nhất: giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước vào mùa Xuân 1975. Sự kiện mới này của lịch sử lại bao choán đời sống dân tộc, cùng với những vấn đề mới đặt ra cho sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất nước trong 25 năm kết thúc thế kỷ XX. Phải chờ đến kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ vào năm 2004, và 60 năm vào năm 2014, mới có thể xem là cơ hội cho toàn dân tộc Việt thực hiện một hồi nhớ vĩ đại về những hy sinh lớn lao và chiến công vang dội ngang tầm với những Bạch Đằng, Chí Linh, Đống Đa trong lịch sử.
Đã có nhiều vạn trang tư liệu, hàng trăm cuốn sách về Điện Biên Phủ, thuộc nhiều loại, của những người có tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp chiến dịch Điện Biên Phủ trong các giới chính trị, quân sự, báo chí, văn học, nghệ thuật ở trong nước và nước ngoài; trong đó có những tác phẩm rất dầy dặn, để soi sáng sự kiện từ nhiều phía, và tiếp cận sự kiện từ nhiều góc độ. Riêng về văn học, chúng ta đã được đọc ở thế hệ những người đang ở tuổi thanh niên sung sức khi chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra như Hữu Mai, Hồ Phương, Dũng Hà, Lê Kim, Vũ Tú Nam, Nam Hà, Xuân Thiều, Văn Phan… - những nhà văn mặc áo lính.
Và các thế hệ đến sau cũng có không ít những cây bút tài năng viết tiếp về Điện Biên Phủ, về những gì chung quanh, làm nên đường viền cho Điện Biên Phủ, hoặc sau Điện Biên Phủ. Bởi trong cái thế giới ký ức và kỷ niệm về chiến tranh, gồm cả chống Pháp và chống Mỹ, trong tiếp nối và gối liền nhau, suốt 30 năm, cả hai, khó nói thử thách nào là lớn hơn; riêng điều có thể chắc chắn là một “ Điện Biên chấn động địa cầu” đó là một điểm tựa lớn nhất để dân tộc có thể tiếp tục, nói như Tố Hữu: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” mà đi tới toàn cảnh “Nước non ngàn dặm”.
Mikhain Sôlôkhốp trong Thế chiến II viết Họ chiến đấu vì Tổ quốc và Khoa học căm thù trong tư cách một phóng viên chiến trường; phải 12 năm sau khi chiến tranh kết thúc mới có tiếp Số phận một con người, một truyện vừa với sức chứa rất ghê gớm để có thể thu lại rất nhỏ bao là đau đớn, mất mát, thống khổ, cùng là sức chịu đựng và vượt lên, trong tư cách một Con Người Viết Hoa, ở một người lính Nga bình thường… Lép Tônxtôi, 14 năm sau kết thúc chiến tranh Nga - Pháp mới ra đời; thế mà trong khoảng lùi hơn 50 năm đối với sự kiện, ông đã có thể viết cả một bộ sử thi lớn: Chiến tranh và hòa bình nhiều nghìn trang về một cuộc chiến, như một thử thách cao nhất lòng yêu Tổ quốc Nga và sức mạnh của Nhân dân Nga. Như vậy là không chỉ những người sống trong chiến tranh như Sôlôkhốp mà cả những người sinh ra sau chiến tranh như Lép Tônxtôi ai cũng có thể viết về Tổ quốc và Nhân dân trong những thời điểm trọng đại của lịch sử.
Hàng vạn trang tư liệu rồi sẽ còn được bổ sung và hàng trăm cuốn sách còn sẽ ra đời - tôi tin thế, và đó là một khối chứng tích lớn không một chiến thắng nào trong hàng nghìn năm lịch sử dân tộc có thể so sánh được. Và, cũng không thể so sánh được: Sự soi sáng tầm vóc của chiến thắng từ nhiều phía, với nhiều cự ly của thời gian và không gian, kể cả những không gian xa nhất trên thế giới này. Và đó là lý do để hôm nay tôi có dịp trở lại ba bộ sách của ba tác giả là người của “phía bên kia” ; ba bộ sách được viết khá lâu, nhưng chỉ mới được dịch và giới thiệu với bạn đọc tiếng Việt cách đây chẵn 10 năm. Đó là Điện Biên Phủ, 170 ngày đêm bị vây hãm của Erwan Bergot; Tướng Navarre với trận Điện Biên Phủ của Jean Pouget; và Điện Biên Phủ, một góc địa ngục của Bernard B.Fall (*)
Cả ba, theo tôi đều thú vị. Bởi mỗi tác giả có một chỗ đứng riêng, một cách nhìn riêng. Cả ba đều từng là người trong cuộc, từng tham gia cuộc chiến; trong đó E. Bergot và J. Pouget là người của “phía bên kia”; còn B. Fall là nhà báo, nhà sử học, người đã chết ở chiến trường Việt Nam vào tháng 3/1967, trong ước nguyện nói lên sự thật ở Việt Nam, và “cảnh báo phương Tây những thách thức (…) và hiểm họa họ sẽ gặp trong cuộc đọ sức ở Việt Nam”.
Với Erwan Bergot, đó là Điện Biên Phủ 170 ngày đêm bị vây hãm, tính từ lúc những đơn vị lính dù đầu tiên của đội quân viễn chinh nhảy xuống cánh đồng Mường Thanh. Tác giả lúc này là trung úy trong đội quân của de Castries có mặt suốt 170 ngày đêm ở Điện Biên Phủ, tính cho đến khi bị bắt làm tù binh. Sau khi được phóng thích, E. Bergot đã bỏ nhiều công sức sưu tập tài liệu, gặp các nhân chứng để viết Điện Biên Phủ, 170 ngày đêm bị vây hãm, vào năm 1979, trong khoảng lùi 25 năm, và nhận lại gương mặt Điện Biên Phủ gần như trong một toàn cảnh, qua một cấu trúc gồm 45 mục, bắt đầu từ Lịch sử chiến sự (ghi việc từng ngày, từ 12/11/1953 đến 7/5/1954), Cuộc hành quân Castor (20/11/1953)… cho đến Buổi sáng cuối cùng (7/5/1954), và Kết thúc (8/5/1954).
Viết ở tư cách một trung úy ở chiến trường, cuốn sách cung cấp cho ta những sự thật từ chiến hào, sự thật từ dưới lên.
Cuốn sách của Jean Pouget, trong nguyên bản tiếng Pháp: Chúng tôi đã ở Điện Biên Phủ (Nous étions à Dien Bien Phu), được đổi thành: Tướng Navarre với trận Điện Biên Phủ. Đổi như vậy cũng là phù hợp - để thể hiện sự thật từ Tổng hành dinh, từ Đại bản doanh. Một sự thật từ trên xuống. Bởi tác giả là sỹ quan tùy tùng, thư kí riêng của Navarre.
Từ vị trí này J.Pouget đã có thể viết, như lời bình của một tờ báo, không chỉ “những gì tướng Navarre tuyên bố công khai mà còn tiết lộ những điều tướng Navarre viết trong báo cáo mật và cả những lời bộc lộ riêng tư, thầm kín…”. Kết cấu 13 chương của cuốn sách bắt đầu từ chương: Buổi vỡ lòng, với công điện: “Pouget được cử làm sĩ quan tùy tùng của Tổng chỉ huy Đông Dương” khi tác giả đang ở Tây Đức, ngày 11/5/1953, đến Chương cuối cùng viết về những ngày đầu tháng 5/1954. Cuốn sách cho thấy ông đã cùng Navarre trải nghiệm tất cả đắng cay của thất bại; và chủ đề trung tâm của sách, dẫu muốn hoặc không, đó là “số phận bất hạnh” và “sự nghiệp hẩm hiu” của một vị Đại tướng, Tổng chỉ huy lực lượng Pháp ở Đông Dương trong chẵn 1 năm, kể từ khi nhận chức vào đầu tháng 5/1953, đến ngày cuốn cờ về nước, tháng 5/1954.
Bản thân Navarre cũng đã viết 3 cuốn hồi ký về Điện Biên Phủ. Với tư cách một Tổng chỉ huy bại trận ông khó tránh khỏi sự bào chữa và biện hộ cho bản thân; ngay cả ở cuốn cuối cùng: Thời điểm của những sự thật, xuất bản năm 1979, viết sau khi về hưu, ông vẫn “chưa nói hết và chưa nói đúng sự thật”.
Còn về người sĩ quan tùy tùng, thư ký riêng của Navarre lúc ấy, là Jean Pouget thì sao? Trong Lời giới thiệu của Nhà xuất bản Presses de la Cité cho lần in đầu tiên Chúng tôi đã ở Điện Biên Phủ có đoạn viết: “Thiếu tá Jean Pouget là người từng trải qua những phút nghiêm trọng nhất của cuộc chiến tranh Đông Dương, từ cơ quan Bộ Tổng tư lệnh đến tận mũi nhọn của trận chiến đã trình bày lại một cách đầy đủ nhất, sâu sắc nhất vấn đề mà cho tới nay chưa có một cuốn sách nào thể hiện rõ được như vậy”.
Tôi nghĩ đó là cơ sở cho ta có thể tin cậy ở những gì được J.Pouget viết ra; trong đó có một phần viết thú vị đặt ở cuối sách là phần Nhật ký chiến sự ghi khá tỉ mỉ những việc xảy ra hàng ngày, từ thứ Bảy 13/3/1954 đến thứ Bảy 9/5/1954, tất cả là 58 ngày.
Cuối cùng là Điện Biên Phủ, một góc địa ngục của Bernard B.Fall. B.Fall là nhà báo, nhà sử học người Áo, là tiến sĩ giảng dạy môn khoa học chính trị của đại học Howard ở Washington; sinh năm 1926; gia đình là nạn nhân của Đức Quốc xã; nhiều năm sống ở Pháp, rồi định cư ở Mỹ; từ 1954 đến 1967 có 5 cuốn sách viết về Việt Nam. Và Cuộc bao vây Điện Biên Phủ, một góc địa ngục (tên đầy đủ trong tiếng Anh: The Siege of Dien Bien Phu - Hell in a Very Small Place), ấn hành năm 1967 là cuốn sách cuối cùng của ông.
Ông đã dành 3 năm để viết cuốn sách với lời đề tặng vợ: “Tặng Dorothy, người đã sống 3 năm dài, cùng những bóng ma Điện Biên Phủ”. Có nghĩa là, dẫu với khoảng lùi 13 năm, tính từ 1954, tất cả những gì từng diễn ra ở Điện Biên Phủ vẫn ám ảnh ông, vẫn sống động trong ông. Nói như Roger Levi - Tổng thư ký các Ủy ban nghiên cứu những vấn đề Thái Bình Dương khi đọc sách này: “Những bóng ma ấy đã được Bernard gợi lên trong sự trần trụi của chúng, dưới những hầm hào ngập nước, dưới những công sự bị đổ sập, trong tiếng rít của đạn bay, trong tiếng bom đạn nổ ầm ầm, trong mùi hôi thối. Ông nhắc đến những cử chỉ cuối cùng của họ, và những lời trăng trối của họ”.
Cuốn sách được xuất bản ở Mỹ trong thời gian cuộc chiến ở Việt Nam diễn ra khốc liệt nhất, và điều đó không phải là không có dụng ý. Nhà sử học Pháp Philippe Devillers, người từng theo dõi cuộc chiến tranh Việt Pháp từ 1946, đã viết về B.Fall như sau: “Ngay từ những năm 1964-1965 Fall đã chứng kiến những phương tiện chiến tranh của Mỹ được huy động và cơn mưa hiểm họa sẽ trút xuống Việt Nam mà anh đã biết và yêu, một đất nước người ta không thể không yêu khi đã biết, và anh có thể thấy sự tàn phá kinh tởm cuộc sống này liên quan đến một quyết định của những con người đang sống bên dòng sông Potomac”… Như vậy, nói đúng ra, đây không phải cuốn sách của những người ở “phía bên kia” như hai cuốn đã kể trên. Mà là của một nhà báo, một nhà khoa học rất có lương tâm và trách nhiệm. Là người muốn trung thành với sự thật khách quan.
Người, với nhậy cảm về chính trị và thời cuộc đã muốn chứng minh: không có bạo lực nào, sức mạnh quân sự nào có thể khuất phục được ý chí của một dân tộc kiên cường khao khát tự do. Được in vào năm 1967, khi Mỹ đang leo thang trong cuộc chiến xâm lược Việt Nam, đối tượng mà Fall muốn cảnh tỉnh chính là kẻ đang thế chân Pháp để trở lại Việt Nam. Và sau đây là lời của nhà văn Hữu Mai, trong bài giới thiệu ở đầu bản dịch có tên Những điều chưa biết về Bernard Fall: “Những người viết hoặc nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam đều đọc Bernard Fall. Không một nhà sử học, nhà báo nước ngoài nào đem lại cho chúng tôi những tư liệu trung thực, cụ thể, phong phú về chiến tranh Việt Nam như Bernard Fall”… “Theo Fall, vì người Mỹ quá tự tin vào sự vượt trội vào sức mạnh nên không thể tính đếm tới thất bại của Pháp ở Việt Nam. Họ cho rằng có thể dùng sức mạnh quân sự để đánh bại Việt Nam. Fall đặt cho mình sứ mệnh phải đập tan ảo tưởng của Mỹ và giúp cho họ hiểu rằng sức mạnh vật chất không thể làm suy yếu ý chí giành tự do của đối phương”… “Tôi coi đây là một công trình trung thực, đầy đủ nhất của phương Tây viết về Điện Biên Phủ”.
Tôi tin đánh giá trên của nhà văn Hữu Mai, tác giả Cao điểm cuối cùng (1961) - cuốn tiểu thuyết được viết sớm nhất về sự kiện Điện Biên Phủ, một trong những người có công lớn trong việc khôi phục lại diện mạo Điện Biên Phủ trong lịch sử và lịch sử văn học Việt Nam. Và tôi tin Điện Biên Phủ, đúng như tên sách của Fall, là “một góc địa ngục” cho bất cứ ai muốn biến Điện Biên Phủ nói riêng và Việt Nam nói chung thành vùng đất để bảo hộ, hoặc thuộc địa, dẫu là mới hoặc cũ, dưới bất cứ hình thức nào.
***
Vào những ngày này, với độ lùi thời gian 60 năm, với cả một kho tư liệu đang ngày càng thêm dồi dào, với nhiều chiều của sự tiếp cận, và với bao nhân chứng sống vẫn còn, một hình ảnh về Điện Biên Phủ càng được mở rộng và khơi sâu trong sự sống tiềm ẩn và bất tận của nó. Và để thấy cái ao ước một bộ sử thi như Chiến tranh và hòa bình cho Điện Biên Phủ trong văn học Việt Nam là một ao ước chính đáng. Bởi có dân tộc nào trên thế giới trong thế kỷ XX có được sự thấu hiểu và trải nghiệm về cái giá của chiến tranh và hòa bình như dân tộc chúng ta?
Phong Lê
Tây Hồ tháng Ba - 2014
(*) Cả ba đều do Nxb Công an nhân dân xuất bản năm 2004: - Điện Biên Phủ, 170 ngày đêm bị vây hãm, 5 trang; Tướng Navarre với trận Điện Biên Phủ, 526 trang; và Điện Biên Phủ một góc địa ngục, 814 trang.