Một cảnh trong "Ký sự Syria: Góc nhìn từ phía trong cuộc chiến". Ảnh cắt từ clip |
Có những bình luận hoan nghênh sự dũng cảm của Lê Bình và êkíp khi lặn lội đến điểm nóng Syria để thực hiện phóng sự nói về cuộc chiến ở đây. Những ý kiến khác lại chú ý đến tính chân thực của ký sự và sự “phô diễn” như để PR cho bản thân nhà báo Lê Bình. Đặc biệt, người ta chú ý đến quan điểm chính trị của một nhà báo đối với cuộc chiến tại Syria.
Nếu để gây sự chú ý và thu hút khán giả thì kiểu giới thiệu dai dẳng và giật gân trên truyền hình về phóng sự này đã đạt được mục đích. Nhưng thực sự là sau khi xem, người ta thấy thất vọng vì phóng sự không nói lên được bản chất của cuộc chiến đang diễn ra ở Syria; êkíp làm phim đã “diễn” quá nhiều, biến mình thành tâm điểm, khiến cho phóng sự mất định hướng trọng tâm của chủ đề mà lẽ ra phải là cuộc chiến Syria dưới góc nhìn của một nhà báo Việt Nam.
Nhiều ý kiến đã nhận xét, làm ký sự chiến tranh nhưng nhà báo Lê Bình ăn mặc tựa như “đi du lịch” với áo đỏ, kính râm ở “giữa chốn sa trường”. Các cảnh quay cũng không mang không khí, cảnh huống của một chiến trường ác liệt đến mức nhà báo “3 lần” suýt chết.
Thứ mà khán giả khó “xài’ nhất là những lần Lê Bình khóc, lúc sụt sùi, lúc tức tưởi, nhiều đoạn vừa thô, vừa phản cảm, một show diễn vụng về.
Sau những hình ảnh phỏng vấn người dân, thành phố bị tàn phá, người xem bị một phen “sởn tóc gáy” với những thước phim tư liệu của bọn phiến quân IS phát tán trên mạng hòng khủng bố tinh thần người dân và những người đang cầm súng đánh lại chúng: Tên đao phủ mổ bụng người, moi gan ăn sống, cảnh hành quyết man rợ bằng cách cho xe hơi kéo lê người bị hành quyết trên đường... Như vậy, ký sự đã vô tình “chính thức hóa” và phổ biến những hình ảnh man rợ của phiến quân IS.
Trở lại với những thước phim quay trong địa đạo, nơi mà Lê Bình nói chỉ cách phiến quân 20 mét hay khi cả đoàn sợ “co rúm” người khi nghe tiếng súng nổ của người lính bắn cầm chừng kiểu “tắc cú” từ trong công sự cũng là một kiểu diễn vụng về, không có một chút trải nghiệm hay kiến thức gì về đánh trận trên công sự.
Một không gian khá yên tĩnh, không có giao tranh trên thực địa, mọi người xuất hiện trong phim đều không có động tác của người lính khi tác chiến.
Mọi sự “lộng giả thành chân” đó cũng chưa phải làm người xem thất vọng, mà sự bất bình chủ yếu nằm ở tính tư tưởng của ký sự này.
Giữa những hình ảnh gây đau thương, căm giận, trong ký sự bật lên một lời bình: "Người Syria, vẫn đang dùng súng của Nga, của Mỹ, của Israel để bắn vào nhau", chẳng khác nào tung hỏa mù cho người xem.
Một trường đoạn đối thoại rất đáng chú ý là nữ bác sỹ vừa kết hôn được 2 tháng đã bị thương nặng trong một vụ tấn công liều chết vào bệnh viện nơi chị làm việc tại Jableh. Chị nói: "Nếu bây giờ gặp lại, tôi sẽ xé xác chúng".
Người dẫn chuyện trong phóng sự hạ một lời bình: "Chiến tranh đã đẩy người phụ nữ hiền lành, nhân hậu, người phụ nữ chỉ biết cứu người trở nên đầy hận thù, căm phẫn, khát máu".
Chẳng lẽ người lương thiện, chân chính không được căm thù kẻ phá hoại hạnh phúc của bản thân mình? Chẳng lẽ sự căm thù chân chính đó của người dân Syria lại đánh đồng với dã tâm của kẻ khát máu là lũ phiến quân IS?
Phóng sự cho thấy sự mơ hồ, lẫn lộn của nhà báo về bản chất cuộc chiến ở Syria; không biết hoặc không cần biết nguyên nhân sâu xa của cuộc chiến, những phe phái, những thế lực trong và ngoài nước đã đẩy đất nước và người dân Syria vào cảnh thương tàn.
Tác giả đã không cần biết những điều đó, không cần biết đến chính nghĩa và phi nghĩa trong cuộc chiến, như Lê Bình trong trả lời phỏng vấn của news.zing.vn ngày 26/7 đã bàng quan tuyên bố: “…chúng tôi không có ý định cắt nghĩa về cuộc chiến tranh này. Không ai hiểu được cuộc chiến này, ngay cả các nhà chiến lược quân sự”.
Thật khó hiểu khi một nhà báo của một nền báo chí cách mạng, đang giữ cương vị lãnh đạo ở một cơ quan báo chí chính thống, lại nhận thức mơ hồ như vậy về vai trò định hướng của thông tin và không hiểu gì về một trong những điểm nóng như cuộc chiến Syria hiện nay.