Sáng 10/7, theo Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, trong số 9 người thiệt mạng, ở Thái Nguyên 4 người, Hà Giang là 2 người, Điện Biên 2 người, Hòa Bình 1 người. Vẫn còn 2 nạn nhân mất tích ở tỉnh Hà Giang 1 người và Cao Bằng 1 người.
Bên cạnh đó, mưa lũ làm 80 nhà dân bị thiệt hại, sạt lở hơn 48.000 m3 khối đất đá đường giao thông, 7 cầu cống hư hỏng, hàng trăm ha lúa và hoa màu ngập úng. Ước tính thiệt hại hơn 9 tỉ đồng.
Các địa phương đã tổ chức di dời 26 hộ dân khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Đồng thời huy động lực lượng tổ chức tìm kiếm người mất tích, thăm hỏi gia đình các nạn nhân có người thiệt mạng, hỗ trợ dựng lại nhà cửa, ổn định cuộc sống người dân; khắc phục tạm thời các điểm sạt lở, đảm bảo giao thông thông suốt.
Hai người vẫn còn mất tích do mưa lũ ở phía Bắc. Ảnh TTXVN |
Theo ông Văn Phú Chính, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, mặc dù lũ trên các sông ở mức không cao nhưng đã có thiệt hại lớn về người mà nguyên nhân chủ yếu là bị cuốn trôi do đi qua ngầm tràn, khu vực bị ngập sâu.
Đây là vấn đề các địa phương rút kinh nghiệm. Cần tiếp tục thực hiện và triển khai quyết liệt các biện pháp ứng phó với mưa lũ, đảm bảo an toàn cho người, đặc biệt là tuyên truyền cảnh báo mưa, lũ, tổ chức canh gác khu vực ngầm, tràn, khu vực bị ngập sâu, di dời các hộ dân vùng nguy cơ cao bị sạt lở khi xảy ra mưa lớn.
Ông Chính, mưa không lớn nhưng đã xảy ra thiệt hại lớn về người và tài sản. Vẫn còn tâm lý chủ quan của người dân bất cẩn đi lại những khu vực ngập sâu. Văn phòng Ban chỉ đạo sẽ làm việc với các địa phương để yêu cầu tăng cường vấn đề này. Đáng lưu ý hiện nay là mực nước các hồ chứa ở mức cao, vào mùa lũ phải thông báo sớm để giảm thiểu thiệt hại những hoạt động sản xuất và đảm bảo tính mạng người dân ở khu vực hạ du.