Mất việc tạo ra nhiều hệ lụy không mong muốn
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong những tháng đầu năm 2023, có hơn nửa triệu lao động bị ảnh hưởng việc làm, chiếm khoảng 3,4% tổng số lao động trong doanh nghiệp. Trong đó, số lao động bị mất việc, thôi việc là hơn 270 nghìn người (chiếm 54,79%). Tình trạng lao động bị mất việc, giãn việc chủ yếu tại một số tỉnh, thành phố lớn có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất; trong đó tập trung ở các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo, một số ngành như dệt may, da giày, sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ…
Chị Lê Thị Hảo (quê ở Yên Bái) cho hay, trước đây chị là công nhân Khu công nghiệp Quang Minh (Hà Nội), nhưng do doanh nghiệp bị giảm đơn hàng nên chị và nhiều công nhân bị chấm dứt hợp đồng lao động. Hiện nay, toàn bộ chi tiêu trong gia đình phụ thuộc vào chồng chị làm nghề chạy xe công nghệ. “Các con tôi đều xin học ở đây. Bây giờ về quê cũng khó, mà ở lại thì vất vả”, chị Hảo tâm sự.
Không chỉ chị Hảo mà nhiều lao động ở các tỉnh miền núi xuống đồng bằng mưu sinh đem theo cả gia đình, nên khi công việc không ổn định đều rơi vào tình trạng “tiến thoái, lưỡng nan”. Hầu hết các gia đình đều xin học cho con tại nơi đang tạm trú, nên việc thay đổi chỗ ở là cả một vấn đề.
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) nhận định, các cú sốc và rủi ro toàn cầu đang kìm hãm sự phục hồi của thị trường lao động, đặc biệt là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Nhiều chuyên gia về lao động, việc làm cho rằng, đánh giá trên hoàn toàn đúng với thực tế khi các nước đang phát triển phải ứng phó nhiều cuộc khủng hoảng cùng một lúc, gây ảnh hưởng đến tất cả thị trường chung, trong đó có thị trường lao động.
Nhận định về vấn đề này, Phó trưởng ban Chính sách - Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Lê Đình Quảng cho hay, những nước kinh tế chưa và đang phát triển, có mức thu nhập trung bình và thấp sẽ chịu tác động rất lớn của khủng hoảng này. Nguyên nhân là do tiềm lực kinh tế của nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động hạn chế; bản thân sức chống chịu của doanh nghiệp không mạnh mẽ; người lao động có thu nhập thấp khó tiếp cận các chính sách an sinh xã hội. Những nguyên nhân đó khiến việc phục hồi thị trường lao động của Việt Nam đã khó lại càng khó khăn hơn.
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan tác động, theo ông Lê Đình Quảng, hiện nay, chất lượng nguồn lao động còn gặp nhiều vấn đề, nhiều lao động còn chưa qua đào tạo là một trong những trở ngại khi người lao động đi tìm công việc mới. Bên cạnh đó, thị trường lao động việc làm trong nước hiện vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, chủ yếu do các doanh nghiệp thiếu đơn hàng sản xuất; tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động tăng; tình trạng lao động buộc nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc ở các doanh nghiệp vẫn tiếp diễn và có xu hướng chuyển dịch sang khu vực phi chính thức.
Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành cho rằng, sau đại dịch COVID-19, doanh nghiệp phải chống đỡ một thời gian dài để duy trì sản xuất, kinh doanh; muốn cải thiện tình trạng khó khăn, họ phải thực hiện nhiều biện pháp, trong đó có chuyển đổi cơ cấu lao động. Khi doanh nghiệp bị ảnh hưởng thì người lao động là đối tượng bị liên đới nhiều nhất.
“Mất việc làm là một trong những rủi ro lớn nhất, khiến cuộc sống của người lao động bị đảo lộn và liên tục gặp khủng hoảng. Tình trạng mất việc làm còn liên quan đến các công tác an toàn trật tự xã hội; việc rút bảo hiểm xã hội một lần và rất nhiều hệ lụy mà không người lao động nào mong muốn”, ông Vũ Quanh Thành cho hay.
Duy trì chính sách, tạo ra việc làm bền vững, chất lượng cao
Trước tình trạng lao động mất việc tăng cao trong những tháng đầu năm 2023 và làn sóng cắt giảm lao động được dự báo có thể kéo dài đến hết năm, các bộ, ngành liên quan đã đề xuất với Chính phủ và đang thiết kế gói hỗ trợ khoảng 23.000 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ cho người lao động trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Từ đầu năm đến nay, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động một cách quyết liệt, đồng bộ, kịp thời, tổng thể. Đặc biệt, Quốc hội đã có 9 nghị quyết chuyên đề liên quan đến phục hồi kinh tế, giảm khó khăn cho doanh nghiệp.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để giải quyết thách thức này, bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp, bản thân người lao động cũng phải nhận thức được rõ hơn về cơ chế thị trường, về rủi ro mất việc làm, từ đó trở nên linh hoạt, thích ứng trong môi trường làm việc mới. Muốn vậy, người lao động phải trang bị kỹ năng nghề nghiệp. Khi mất việc làm, phải quan tâm đến đào tạo nghề mới phù hợp với điều kiện để tìm được công việc mới, bền vững, chứ không chỉ chú trọng đến trợ cấp thất nghiệp.
Nhằm kết nối doanh nghiệp với người lao động, thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội thường xuyên tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tuyến xuyên suốt trên 63 tỉnh, thành phố. Trong 8 tháng năm 2023, Trung tâm đã thực hiện được trên 170 phiên giao dịch việc làm, số lao động tiếp cận, đã nộp hồ sơ là gần 13.000 người. Tính riêng ở Hà Nội, trong 7 tháng qua đã có 132.000 người lao động có việc làm. Đây là những con số thể hiện sự nỗ lực từ nhiều cơ quan chức năng liên quan.
Theo ông Lê Đình Quảng, cả doanh nghiệp và người lao động phải đồng hành giải quyết vấn đề này trong bối cảnh hiện nay. “Bàn tay” của Nhà nước rất quan trọng, phải hoạch định để có thị trường việc làm linh hoạt, hiện đại, cũng như chính sách phát triển thị trường lao động bền vững. Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ trực tiếp để người lao động bị mất việc làm có điều kiện đảm bảo cuộc sống, đặc biệt là chính sách về tiền lương, thu nhập, tránh tình trạng người lao động mất việc không đủ tiền duy trì cuộc sống, buộc phải rút bảo hiểm xã hội một lần. Các chính sách phải duy trì, tạo ra việc làm bền vững, chất lượng cao.
Nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm, Bộ Lao động – Thương binh và xã hội Lê Quang Trung cho rằng, để triển khai Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động sau đại dịch, cần ban hành dự án cụ thể hỗ trợ trực tiếp cho thị trường lao động. Trong các dự án cụ thể, xác định từng nhóm đối tượng, mục tiêu, giải pháp, đặc biệt vấn đề tài chính để thực hiện có hiệu quả các dự án.
Ông Lê Quang Trung đề xuất cần có những dự án hỗ trợ người lao động từ khu công nghiệp về quê; dự án phát triển lĩnh vực, ngành nghề mới; dự án hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp nhận nhóm đối tượng quay trở lại làm việc. Đồng thời, cần có nhóm dự án hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi phát triển sản xuất, nâng cao bồi dưỡng kỹ năng nghề cho người lao động; dự án cho nhóm người đã có nghề, chỉ cần đi vào đào tạo thực chất bồi dưỡng chứ không cần văn bằng, chứng chỉ; nhóm dự án cho người nghỉ việc lâu ngày quay trở lại thị trường lao động; nhóm hỗ trợ cho lao động phi chính thức…
Ủng hộ giải pháp này, ông Lê Đình Quảng cho rằng, chính sách hỗ trợ phục hồi thị trường lao động càng cụ thể vào từng đối tượng thì càng hiệu quả. Tuy nhiên, một chính sách có nhiều đối tượng và chi tiết quá sẽ khó cho quá trình xây dựng, hoạch định. Vì vậy, bên cạnh chính sách chung, tổng thể cho người lao động, ông Lê Đình Quảng nhấn mạnh, cần có những chính sách đặc thù cho từng đối tượng, để công tác hỗ trợ cho người lao động quay lại thị trường đem lại hiệu quả cao…