Lời nói phải đi đôi với việc làm, chớ để tai biến y tế xảy ra rồi mới ban hành hàng loạt công văn đề nghị tăng cường giám sát, phối hợp điều tra nguyên nhân, truy tìm “thủ phạm”… Đó là ý kiến của nhiều người trước hàng loạt sự cố y tế nghiêm trọng xảy ra thời gian gần đây.
GS Nguyễn Lân Dũng, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học - Giáo dục, ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam:
Lời nói phải đi đôi với việc làm
Tôi nghĩ rằng ngành nào cũng có người tốt người xấu, người có trách nhiệm và người vô trách nhiệm. Tuy nhiên, y tế là ngành liên quan đến mạng sống của con người, nên những sự cố đáng buồn vừa qua đã khiến cả xã hội vô cùng bức xúc. Chúng tôi thực sự kinh hoàng khi nghe thông tin về vụ việc tại Thẩm mỹ viện Cát Tường.
Tôi biết mấy hôm nay Hà Nội đang mở chiến dịch đi kiểm tra từng cơ sở liên quan đến hoạt động giải phẫu thẩm mỹ. Giá như việc này được làm thường xuyên thì đâu đến nỗi. Không nên “Mất bò mới lo làm chuồng”.
Để hạn chế tai biến y tế, theo tôi ngành y tế cần thực hiện được đúng phương châm “Lời nói đi đôi với việc làm”, cần thực hiện đầy đủ ý kiến chỉ đạo mới đây của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, đó là: “Bộ Y tế đang chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc điều tra vụ việc trên. Đồng thời, Bộ cũng chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh tăng cường công tác quản lý cán bộ, giáo dục đạo đức, tinh thần trách nhiệm của cán bộ y tế và kỹ năng ứng phó, xử trí các tình huống trong y khoa. Khẩn trương hoàn thành việc xây dựng thông tư quy định về quy tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ y tế”.
Bà Nguyễn Thị Thắng, tập thể Quỳnh Lôi, Hai Bà Trưng, Hà Nội:
Nghiêm trị cả người quản lý
Thực tế, những tai biến y tế nghiêm trọng thường chỉ được biết đến khi người dân phát hiện, báo chí lên tiếng, chứ tôi thấy ngành y ít khi “đả động” đến việc công bố sai sót hay “treo dao” những cán bộ y tế vi phạm nghiêm trọng về y đức hay quy trình khám chữa bệnh.
Về nguyên tắc, lãnh đạo các địa phương cũng có trách nhiệm quan trọng trong việc chỉ đạo, đôn đốc công tác y tế trên địa bàn. Tuy nhiên, nếu địa phương lơ là thì Bộ Y tế cũng cần có cơ chế để tự phát hiện sai sót trong chuyên môn hoặc trong công tác quản lý. Lẽ nào, cứ để xảy ra tai biến rồi mới họp, mới quy trách nhiệm và tìm “thủ phạm”?
Theo tôi, ngành y tế cần minh bạch thông tin về sai sót y tế và kết quả xử lý sai phạm. Khi phát hiện sai sót nghiêm trọng thì cần nghiêm trị cả người quản lý kém để tạo sự răn đe. Chẳng hạn như vụ việc 3 trẻ bị tử vong sau khi tiêm vắcxin viêm gan B tại BV đa khoa huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị; nếu nguyên nhân đúng là do tiêm nhầm thuốc thì trách nhiệm không chỉ thuộc về nhân viên trực tiếp thực hiện tiêm chủng, mà còn thuộc về lãnh đạo khoa phòng, thậm chí lãnh đạo BV đó. Nếu nhà quản lý sát sao, chỉ đạo nhân viên thực hiện đúng quy trình chuyên môn, thì chắc chắn sẽ không xảy ra tình trạng để lẫn vắcxin tiêm cho trẻ với những với sinh phẩm khác.
Chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết, 101 D6 Tô Hiệu, Cầu Giấy, Hà Nội:
Cần tăng cường đầu tư cho y tế
Sự việc xảy ra ở Thẩm mỹ viện Cát Tường cũng như những sự cố y tế nghiêm trọng đã xảy ra trước đó khiến tôi và những người thân vô cùng hoang mang.
Chúng tôi mong muốn Nhà nước tăng cường đầu tư cho y tế, để có thể thay đổi căn bản diện mạo của ngành y, từ việc đào tạo nguồn nhân lực đến việc tăng cường trang thiết bị, cơ sở vật chất. Đặc biệt, cần phải chú trọng đầu tư cho tuyến y tế cơ sở để người dân được chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt, giảm tải cho các BV tuyến trên. Tôi nghĩ rằng khi tình trạng quá tải được cải thiện, thì các bác sĩ tuyến trên sẽ có nhiều thời gian chăm sóc bệnh nhân, việc thực hiện các quy trình chuyên môn cũng đảm bảo hơn.
Bên cạnh đó, ngành y cũng nên xem xét lại hệ thống thanh tra y tế. Đại diện Bộ Y tế đã thừa nhận, hiện nay, đội ngũ thanh tra rất mỏng, tập trung chủ yếu ở Hà Nội, có tỉnh chỉ có 2 - 3 thanh tra nên có khó có thể kiểm tra hết tất cả các lĩnh vực. Do đó, mới xảy ra tình trạng thanh tra chỉ đi kiểm tra các cơ sở đã được cấp phép, bỏ sót nơi làm chui như Thẩm mĩ viện Cát Tường. Thiết nghĩ, khi đã tự “chẩn” được “bệnh” như vậy thì ngành y tế thì cần tìm “thuốc” để trị ngay, nếu không, e rằng những vụ tai biến nghiêm trọng sẽ còn tiếp diễn.
Phương Liên - Lê Xuân