Chợ tiền tỷ bị bỏ hoang nhiều năm

Hoàn thành cách đây gần 5 năm với tổng kinh phí gần 4 tỷ đồng nhưng chợ Tân Lang xã Tân Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam lại bị bỏ hoang, trong khi người dân tập trung bán hàng bên ngoài con đường ngay gần chợ.

Chợ Tân Lang được xây dựng từ năm 2007, đến năm 2009 thì hoàn thành với diện tích gần 4.000 m2. Chợ gồm một khu bán hàng đa năng có mái che, 12 ki-ốt, sân bãi đổ bê tông rộng, tường bao quanh kiên cố. Ngay sau khi đưa vào sử dụng, chính quyền xã Tân Sơn đã vận động người dân vào chợ bán hàng.

Khoảng 1, 2 tháng đầu, chợ họp khá đều đặn, sau đó ngừng hoạt động cho đến nay. Người dân chuyển ra ngoài đường dựng lều, căng bạt trước cổng chợ, tràn ra cả lòng đường để bán hàng. Việc này không những gây ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông.

Không những thế, một số hộ dân sống xung quanh chợ cũng tận dụng khuôn viên chợ để đỗ ô tô, thả trâu, bò, tập kết vật liệu xây dựng, phơi lúa… Một số thanh niên trong xã thì đặt bàn đánh bi-a, chơi bóng đá…

Theo ông Trịnh Văn Ngọ, Trưởng xóm 10, thôn Tân Lang, cả thôn có hơn 20 hộ kinh doanh tại cổng chợ. Ngoài ra còn có khoảng 30 người từ các thôn và xã lân cận đến đây bán hàng. Họ đã quen với kiểu buôn bán tự do trước đây, giờ vận động các hộ vào chợ kinh doanh, buôn bán là rất khó.

Chị Phan Thị Lụa, bán hàng tại chợ Tân Lang cho biết: “Hồi chợ mới xây xong, tôi và một số hộ khác cũng vào bán hàng trong chợ. Thế nhưng, bán được một thời gian thì khách thưa dần. Ai cũng muốn mua ở ngoài đường cho tiện, không phải mất thời gian vào chợ. Tôi buộc phải ra ngoài để bán hàng nếu không sẽ mất khách”.

Trước thực trạng trên, mới đây, xã Tân Sơn đã có nhiều chính sách nhằm khuyến khích bà con vào chợ như: cho các hộ có nhu cầu mượn ki-ốt miễn phí để kinh doanh, các tiểu thương họp trong chợ cũng không phải đóng phí… Tuy nhiên, việc làm này vẫn chưa thu hút được người dân vào kinh doanh đúng chỗ.

Lý giải về điều này, ông Dương Thành Thuấn, Chủ tịch UBND xã Tân Sơn cho biết: Khi Trại giam Nam Hà chuyển từ thị trấn Ba Sao (huyện Kim Bảng) về đóng tại xã, chúng tôi đã đầu tư xây dựng chợ Tân Lang để “đón đầu” nhu cầu mua bán của trại giam.

Tuy nhiên, khi xây dựng trại giam, người ta đã xây luôn ki ốt bán hàng trong đó. Vì thế chợ xây xong, tiểu thương vào bán hàng nhưng không có nhiều người mua. Chúng tôi đã tính đến việc cấm tuyệt đối việc mua bán ở ngoài cổng chợ nhưng lại e bà con sẽ chuyển sang bán hàng ở chỗ khác. Hiện nay xã vẫn phải bỏ tiền để thuê bảo vệ trông coi, bảo quản tài sản tại chợ.


Ông Thuấn cho biết thêm, xã đã vài lần đề nghị với Phòng Kinh tế hạ tầng của huyện Kim Bảng cho phép chuyển đổi công năng của chợ do hiện nay có khá đông người dân muốn thuê mặt bằng để làm nơi sản xuất nhưng phòng không đồng ý.

Về vấn đề này, ông Đinh Văn Sỹ, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Kim Bảng cho biết, phòng chưa hề nhận được bất cứ văn bản nào từ xã. Chỉ có vài lần lãnh đạo xã trao đổi “miệng” xin chuyển đổi công năng để tránh lãng phí tài sản nhưng về vấn đề này phòng không có thẩm quyền cho phép.

Thiết nghĩ lãnh đạo xã Tân Sơn cần sớm có những biện pháp giải quyết, đồng thời cần làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong việc đầu tư xây dựng chợ thiếu tầm nhìn, gây lãng phí.


Nhật Anh
Xóa sổ "chợ" biển số xe giả giữa Thủ đô
Xóa sổ "chợ" biển số xe giả giữa Thủ đô

Phố Trần Nhật Duật (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) dài chưa đầy 1 km, nhưng có đến hàng chục cửa hàng chuyên làm biển số xe giả cho các loại phương tiện. “Thượng đế” mất biển số xe hoặc muốn có biển số đẹp... chỉ cần bỏ ra vài trăm nghìn đồng là có thể có một chiếc biển số như ý.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN