Phong phú các hoạt động hè
Với nhiều gia đình, nhất là trẻ em thành phố, hè là thời điểm các bậc phụ huynh đăng ký các hoạt động trải nghiệm cho con em mình.
Mô hình trại hè hướng dẫn kỹ năng sống đang rất thu hút và hấp dẫn với các mô hình như: Học kỳ quân đội, Học thành người có ích, Hòa mình với thiên nhiên, Học làm bác nông dân, Khóa tu mùa hè, Trại hè công an, Trại hè kỹ năng sinh tồn…
Với khoảng thời gian xa gia đình từ 7 đến 12 ngày, các em nhỏ tự lập trong sinh hoạt và được học tập, vui chơi trong môi trường tập thể, giúp các em thêm tự tin và mạnh dạn. Đặc biệt, các trại hè dạy kỹ năng sinh tồn, kỹ năng thoát hiểm khỏi đám cháy, kỹ năng bơi lội và kỹ năng tự vệ... đang được nhiều phụ huynh quan tâm.
Các em nhỏ cũng có cơ hội tham gia trải nghiệm về lịch sử tại các bảo tàng, vườn quốc gia, di tích lịch sử, trạm cứu hộ đông vật hoang dã… tại Hà Nội cũng như một số tỉnh, thành… trong các tour do chính các nhóm phụ huynh tổ chức.
Bên cạnh đó, không ít phụ huynh đăng ký các khóa học trực tuyến có trả phí hoặc miễn phí uy tín. Đó là: Internet Safety (Tạm dịch: An toàn không gian mạng) trên nền tảng Khan Academy với các video bài giảng, tài liệu và bài tập liên quan tới an toàn không gian mạng. Thông qua khóa học, trẻ có thể học được những kiến thức bổ ích như: Cách giữ bảo mật tài khoản (set mật khẩu mạnh, bật bảo mật hai lớp); Cách lướt web an toàn; Một số cách lừa đảo trên mạng và các cách phòng tránh (Lừa đảo giả mạo, Điểm truy cập giả mạo…). Khóa Be Internet Awesome của Google; National Geographic Kids là trang web giáo dục dành cho trẻ em do Tạp chí National Geographic phát triển. Tại đây cung cấp các bài viết, video, hình ảnh và thông tin đa dạng về các loài động vật, môi trường tự nhiên cũng như văn hóa trên khắp thế giới. Nội dung được tạo ra một cách hấp dẫn và dễ hiểu cho trẻ em.
Không phải không có nguy cơ
Phong phú các hoạt động ngoại khóa cho trẻ em nhưng những nguy cơ về an toàn trí lực cũng như tính mạng đối với các em cũng luôn tiềm ẩn.
Mới đây nhất một học sinh, phụ huynh ở Hà Nội bị tử vong khi đi dã ngoại ở Vườn quốc gia Xuân Thuỷ (Nam Định). Trước đó, một buổi dã ngoại trong chương trình năm học tại Hà Nội cũng khiến hàng loạt trẻ bị ngộ độc thức ăn.
Tuy mùa hè mới bắt đầu nhưng trên cả nước đã liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn đuối nước thương tâm: Vào ngày 27/5, trên địa bàn xã An Phước, tỉnh Vĩnh Long xảy ra vụ đuối nước làm hai học sinh lớp 8 là anh em song sinh tử vong khi đi bắt cá và tắm ven bờ sông Cổ Chiên. Chiều ngày 28/5 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp xảy ra vụ tai nạn đuối nước làm 3 chị em ruột trong một gia đình tử vong khi đi tắm ở sông Bà Dư.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong tháng 4, đơn vị liên tục cấp cứu cho các trẻ bị ngạt nước, đuối nước, nhiều ca nguy kịch. Đây là dạng tai nạn rất phổ biến ở trẻ nhỏ, nhất là vào mùa hè.
Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh Xã hội, trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ tử vong do đuối nước. Trong đó, nhóm tuổi chiếm tỷ lệ tử vong cao là từ 1 - 14 tuổi và sống ở vùng nông thôn có điều kiện kinh tế khó khăn, các tỉnh miền núi, địa phương có nhiều sông suối, ao hồ.
Nguy cơ với trẻ em trong mùa hè còn đến từ không gian mạng internet. Các hành vi, hậu quả của vi phạm quyền trẻ em nói chung, xâm hại trẻ em nói riêng trên môi trường mạng đã và đang tác động đến trẻ em trước mắt và lâu dài, đặc biệt là liên quan đến vấn đề tâm lý, tình cảm, đạo đức và sức khỏe tâm thần của trẻ.
“Qua nghiên cứu các vụ việc từ tư vấn Tổng đài 111 cho thấy, các đối tượng lừa đảo nghiên cứu rất kỹ về nạn nhân qua việc thu thập dữ liệu thông tin trước đó. Khi gọi điện hoặc chat với nạn nhân, đối tượng rất hiểu tâm lý nạn nhân để trò chuyện và mục tiêu hướng tới lừa đảo”, bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết.
Về vấn đề thu thập thông tin dữ liệu trẻ em, bà Đinh Thị Như Hoa, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Có nhiều trang web thu thập thông tin nhưng chưa có các cam kết với bên thứ ba dẫn đến việc lộ lọt bởi chính người quản lý dữ liệu hoặc bởi bên thứ ba. Với tình trạng lừa đảo trực tuyến gia tăng thì có nhiều trang web lừa đảo được lập ra nếu người dùng là bố mẹ trong quá trình sử dụng có thể đã nhập thông tin cá nhân vào.
Tìm kiếm những mô hình phù hợp
Anh Lê Anh Tuấn (Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển thanh niên Hà Nội) cho rằng, các phụ huynh nên căn cứ vào độ tuổi của con để chọn khóa hoạt động hè phù hợp. Chẳng hạn, với học sinh từ lớp 5, 6 thì những khóa học đi trong ngày và cho trẻ trải nghiệm làm nông dân, nhà khoa học, nhà sinh học... sẽ phù hợp. Với học sinh THCS, cần chọn cho các em trải nghiệm ở một địa điểm mới, xen kẽ việc rèn luyện các kỹ năng sống với các trò chơi vận động, học hát, học nấu ăn… Trại kỹ năng dành cho học sinh THPT sẽ được nâng lên mức thử thách và rèn luyện với những trò chơi vận động, trò chơi đòi hỏi nhiều thử thách.
Vào dịp hè, việc cho con tham gia học các khóa kỹ năng sống là cần thiết, tuy nhiên cũng không đến mức bắt buộc, vì thực tế sẽ rất khó có thay đổi lớn với một đứa trẻ sau một thời gian ngắn. Sự thay đổi phải theo một quá trình học ở trường và học từ gia đình. Vì thế, điều quan trọng là cha mẹ cần dành cho con một mùa hè đáng nhớ bằng cách để con được xả hơi, tự do với thiên nhiên qua những chuyến đi nhiều kỷ niệm và học tập những điều con thích thú.
Để phòng ngừa tai nạn đuối nước trẻ, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến khuyến cáo, phụ huynh không để trẻ nhỏ một mình ở nhà, đậy kín các vật chứa nước trong nhà; không cho trẻ chơi một mình gần ao, hồ, kênh, rạch, sông; không cho bệnh nhân động kinh bơi; nên hướng dẫn tập bơi cho trẻ. Khi đi tắm hồ bơi, không cho trẻ nhỏ vào hồ bơi dành cho trẻ lớn, ngưới lớn và luôn để mắt trông chừng trẻ, tốt nhất là cùng tắm chung với trẻ.
Anh Nguyễn Hải Long, Trưởng ban Công tác Thiếu nhi, Trung ương Đoàn cho biết: Nhằm góp phần giảm thiểu tình trạng đuối nước ở trẻ em, trong 5 năm qua, Đoàn đã triển khai đề án “Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tham gia phòng, chống đuối nước và tai nạn thương tích ở trẻ em”, trong đó nhân rộng mô hình “Đoàn thanh niên tham gia dạy bơi cho trẻ em”, chương trình “Tuần dạy bơi, học bơi cho trẻ em”… Sau 4 năm, Đoàn thanh niên đã tổ chức cho hơn 2,1 triệu thiếu nhi tham gia các lớp, chương trình tập huấn kỹ năng, phòng chống đuối nước; dạy bơi miễn phí cho hơn 1,4 triệu thiếu nhi; lập 83.190 cảnh báo nguy hiểm tại các khu vực có nguy cơ cao… Các cấp bộ Đoàn đã tích cực tham gia triển khai và nhân rộng mô hình đoàn thanh niên dạy bơi cho thiếu nhi. Thông qua các lớp học bơi “0 đồng” đã giúp trẻ em rèn luyện kỹ năng bơi lội cơ bản, đồng thời các em cũng sẽ trở thành các tuyên truyền viên về phòng, chống đuối nước tại trường, lớp mà các em đang theo học.
Bộ Thông tin Truyền thông cũng đang triển khai đánh giá sản phẩm, dịch vụ số bảo vệ, hỗ trợ trẻ em, trong đó sẽ tiến hành đánh giá 2 nhóm sản phẩm gồm bảo vệ trẻ em; hỗ trợ trẻ em trong học tập vui chơi giải trí. Bên cạnh hành lang pháp lý về thanh tra, kiểm tra, việc nâng cao nhận thức tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp, cá nhân trong việc bảo vệ dữ liệu, nhất là dữ liệu cá nhân.
Ông Trần Quang Đạt, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Trong chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 quy định tin học là môn học bắt buộc. Tuy nhiên, thời lượng của môn học còn giới hạn và mới chỉ truyền đạt kiến thức cơ bản nên việc phòng ngừa thông tin xấu mới chỉ mang tính lồng ghép. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương triển khai tổ chức các diễn đàn để đào tạo kỹ năng để xử lý các vấn đề gây nguy hại trên mạng.
Cục trưởng Cục trẻ em Đặng Hoa Nam cho rằng, các cơ quan Nhà nước chỉ có thể đưa ra những chính sách tuyên truyền, giáo dục, hỗ trợ cho các gia đình chứ không thể đến từng nhà, từng địa chỉ "trông nom" trẻ.
Nếu cha mẹ không quan tâm thì trẻ em không được bảo vệ, không được sống an toàn. Cục trưởng Cục trẻ em nhấn mạnh, trẻ em vào kỳ nghỉ hè, đòi hỏi các gia đình phải tăng cường quan tâm, không để gia tăng tai nạn thương tích, đặc biệt là tai nạn đuối nước, bảo đảm một mùa hè an toàn, lành mạnh cho các em.