Dấu tích để lại đến ngày nay vẫn còn khá nhiều, trong đó có những chợ truyền thống ẩn chứa vô vàn câu chuyện về văn hóa, lịch sử sinh động một thời. Ngày nay, việc phát triển hệ thống thương mại hiện đại là xu hướng tất yếu, tuy nhiên, các chợ truyền thống Hà Nội vẫn là một phần không thể thiếu, như mộ sự nối dài ký ức cũ với hiện tại. Bảo tồn chợ truyền thống là bảo tồn văn hóa, lịch sử Hà Nội và thành phố cần có những hướng đi phù hợp, hài hòa giữa hai yếu tố cũ - mới.
Phóng viên TTXVN thực hiện chùm 5 bài viết về chủ đề về Chợ truyền thống Hà Nội.
Bài 1: Lát cắt sinh động trong đời sống
Nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày và phát triển kinh tế, xã hội là những yếu tố để chợ Hà Nội sớm được hình thành, kể từ khi bắt đầu định hình ra đất Thăng Long - Hà Nội. Chợ là nơi phản chiếu rõ nhất đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của cư dân Kẻ Chợ, song hành cùng sự phát triển của đất Kinh kỳ. Đến tận sau này, người ta vẫn coi chợ truyền thống là một nét văn hóa đặc trưng của Hà Nội, là tuổi thơ, là ký ức, là cuộc sống của nhiều thế hệ.
Đi cùng thăng trầm đất Thăng Long
Nằm giữa khu phố cổ Hà Nội, chợ Đồng Xuân như một chứng nhân lịch sử chứng kiến những thay đổi của Thăng Long - Hà Nội hàng trăm năm qua. Là một trong những chợ lâu đời nhất của Hà Nội, dù trải qua nhiều biến động của các giai đoạn lịch sử nhưng chợ Đồng Xuân vẫn giữ được kiến trúc cũ. Theo sử sách ghi lại, trong thời gian xây dựng lại thành Thăng Long vào mùa Hạ năm Giáp Tí (1804), Tổng trấn Nguyễn Văn Thành dưới triều Nguyễn đã cho đặt ngôi chợ lớn ở cửa chính Đông. Người dân họp chợ trên hai khu đất ở cạnh chùa Cầu Đông ở phố Hàng Đường và cạnh đền Bạch Mã ở phố Hàng Buồm, gần bến sông, tiện cho thuyền đi lại. Năm 1889, người Pháp quy hoạch lại, đã giải tỏa hai chợ trên và dồn tất cả hàng quán vào khu đất trống của phường Đồng Xuân, hình thành nên chợ Đồng Xuân.
Chợ Đồng Xuân nổi tiếng sầm uất ở đất Thăng Long thời bấy giờ. Trong cuốn “Hà Nội 36 phố phường”, nhà văn Thạch Lam viết: “Chợ Đồng Xuân - cái “bụng” của thành phố - là nơi mà những vật liệu cần cho các cao lâu từ các vùng quê và ngoại ô dồn đến ở đây... Tất cả của ngon vật lạ các nơi đều đem đến đây, để hiến cho sự thưởng thức sành sỏi của người Hà Nội”.
Bao năm qua, chứng kiến sự chuyển đổi từ thời phong kiến nhà Nguyễn, thời Pháp thuộc và trải qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ nhưng chợ Đồng Xuân vẫn giữ được đặc trưng riêng của mình. Người dân phố cổ vẫn tự hào về chợ, các tiểu thương vẫn gắn bó từ năm này qua năm khác. Ông Vũ Hà Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đồng Xuân chia sẻ: Chợ Đồng Xuân giống như một chứng tích lịch sử giữa lòng phố cổ. Bao năm qua, chợ vẫn giữ vai trò là đầu mối giao thương lớn của Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Bên cạnh việc bảo tồn kiến trúc cũ, ngay cạnh mặt tiền chợ còn có bức phù điêu “Hà Nội - Mùa Đông 1946” tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì Thủ đô trong trận chiến đấu oanh liệt những ngày đầu Thủ đô kháng chiến”.
Cùng với chợ Đồng Xuân, đan xen trong những phố phường xưa là những chợ buôn bán khác. Có thể kể tới những chợ được coi là cổ và khá nổi tiếng của Hà Nội như: Chợ Hàng Da, chợ Hàng Bè, chợ Mơ, chợ Hôm, chợ Bưởi, chợ Châu Long, chợ Ngọc Hà... Chợ Hàng Da họp ở cuối phố Hàng Da, xưa khu vực này có nghề thuộc da trâu bò, hình thành từ cuối thế kỷ 19 với cái chợ làng bán rau cỏ, cua cá, gạo cho sinh hoạt thường ngày người dân xung quanh.
Chợ Hôm cũng hình thành từ giữa thế kỷ 19, chuyên họp lúc chiều hôm ở làng Giáo Phường, tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương, với mặt hàng phục vụ sinh hoạt như: rau, cá, tôm,.... Sau khi Pháp chiếm Hà Nội, chợ bắt đầu họp cả ngày, bán thêm cả gà ,vịt đáp ứng nhu cầu của Nhà thương Đồn Thủy. Chợ Mơ nằm trên đất Kẻ Mơ, chợ họp một tháng 6 phiên vào các ngày 2, 7, 12, 17, 22, 27 (âm lịch) bán nhiều nông sản, thực phẩm, con giống và nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp... Sau này, các chợ mở rộng kinh doanh các loại hàng hóa, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân.
Là người có nhiều năm gắn bó với văn hóa Hà Nội, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội Trần Thị An cho rằng, trong quá khứ, các phường nghề ở các vùng nông thôn đã mang nghề ra Thủ đô để sản xuất, tiêu thụ hàng hóa và định cư ở Thủ đô mà tên gọi vẫn còn lại đến ngày nay. Ngay tại thời điểm này, người ta vẫn có thể thấy xuất hiện ở các chợ truyền thống ở Hà Nội những người từ nhà quê mang hàng ra bán, những hàng hóa được mang từ nông thôn lên bán, những người làm nghề chở các loại hàng hóa từ nông thôn ra chợ Hà Nội… Mối liên hệ chặt chẽ giữa đô thị với nông thôn làm nên nét đặc trưng của phố phường Hà Nội, không dễ mất đi trong thời gian trước mắt.
Thực tế có rất nhiều chợ cổ của Thăng Long - Kẻ Chợ không còn tồn tại đến ngày nay do sự biến đổi trong các giai đoạn lịch sử. Nhưng với những chợ còn tiếp nối theo mạch thời gian, được coi như tài sản văn hóa, tinh thần của người dân, bên cạnh chức năng giao thương hàng hóa phục vụ đời sống dân sinh. Nó tựa như tấm gương phản chiếu đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của Hà Nội mà nhìn vào đó, người ta có thể hiểu được sự phát triển của từng giai đoạn lịch sử.
Hình thành văn hóa Kinh kỳ
Xưa kia, tất cả bến đò dọc theo sông Hồng đều là những nơi đón hàng mạn ngược về kinh đô Thăng Long, rồi lại tỏa đi các nơi buôn bán. Mỗi bến đò mang dấu ấn văn hóa từng vùng và từ đó hình thành nên các chợ ven sông. Đó là chợ vùng Đông Ngạc, chợ Ngát, chợ Cầu Đông... Mỗi bến sông đều có cầu để thuyền bè neo đậu, vì thế dân gian gọi là búa. Từ “chợ búa” cũng sinh ra từ đây.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến sau những kỳ công tìm hiểu về văn hóa Thăng Long, về sông Hồng, về sự hình thành các chợ, cho biết: Sự giao thương hàng hóa ở nhiều bến sông thủa sơ khai đã hình thành nên các chợ và cũng chính là nơi sinh ra ngôn ngữ thị dân. Chợ bến sông sinh ra ngôn ngữ thị dân vì người ta giao lưu, buôn bán, giải thích với khách hàng, thuyết phục khách, liên kết với nhau để mua bán hàng hóa. Đó cũng là ý nghĩa của sông Hồng, sông Hồng sinh ra bến, bến sinh ra chợ, từ chợ thúc đẩy ngôn ngữ thị dân phát triển.
Bởi vậy, cũng không thể phủ nhận rằng, chợ truyền thống Hà Nội góp phần phát triển văn hóa đất Kinh kỳ. Bên cạnh việc phát triển ngôn ngữ thị dân, bản thân các chợ chứa đựng nhiều yếu tố văn hóa khác. Chợ chính là một hình ảnh gần gũi, thân quen, là tuổi thơ, thậm chí gắn bó với cả cuộc đời đối với một số người.
Nhiều nhà nghiên cứu cũng khẳng định rằng, chợ truyền thống là một phần không thể thiếu trong tâm thức của người Hà Nội khi nhắc đến đời sống sinh hoạt hàng ngày, nhất là đối với các bà, các mẹ. Nó chính là bức tranh sống động phản chiếu đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của cư dân mỗi vùng. Chợ thường gắn với văn hóa vật chất, khả năng sản xuất, tiêu dùng của từng địa phương, nên nhìn vào hàng hóa được bày bán, người ta có thể hình dung ra đời sống của địa phương đó, thói quen tiêu dùng của nơi đó ra sao.
Tuy vậy, chợ không đơn thuần là nơi giao thương, mà còn là nơi gặp gỡ, trao đổi thông tin, giao lưu văn hóa. Người ta không chỉ đi chợ mua bán hàng hóa mà còn đi chơi chợ, thăm thú chợ, gặp gỡ người quen để trò chuyện. Nhiều câu chuyện to nhỏ, từ chuyện nhà cửa, bạn bè, người thân và cả những câu chuyện không đầu không cuối được trao đổi vui vẻ cùng nhau. Những người khác có thể thăm thú, ngắm nhìn những mặt hàng được bày bán, xem cách người ta giao lưu, mua bán với nhau. Chợ cũng là nơi người phụ nữ thể hiện sự đảm đang, tháo vát của mình để lựa chọn những đồ thực phẩm cho bữa ăn ngon, những vật dụng cần thiết trong gia đình. Hay cũng là niềm vui của cả người mua, lẫn người bán khi trao đổi được món hàng ưng ý trong sự cởi mở.
Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng: “Chợ là hình ảnh thu nhỏ của xã hội. Tất cả hoạt động ở chợ đều chứa đựng các yếu tố văn hóa. Đi chợ, người ta sẽ tìm thấy nhiều điều thú vị và ai cũng nhớ về nó, đọng lại những kỷ niệm về nó”. Bà cũng cho rằng, chợ Thăng Long thời xưa và chợ của Hà Nội thời cận hiện đại đều có dấu ấn riêng, nó để lại cho mỗi thế hệ những biểu tượng, tình cảm, tri thức và ký ức về nó.
Chợ truyền thống Hà Nội được coi như một không gian văn hóa sống động, bên cạnh các yếu tố kinh tế, xã hội. Dù có chợ còn tồn tại, có chợ đã mất đi nhưng các không gian văn hóa đó vẫn gợi nhớ ký ức về một thời xưa cũ. Sự hiện diện những chợ truyền thống còn lại như những mảnh ghép cũ trong nhịp sống hiện đại.
Bài 2: Những mảnh ghép còn lại