Chiều 25/9, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương-Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã có cuộc họp khẩn cấp để bàn các biện pháp phòng chống bão, lũ. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp. Ảnh: Chinhphu.vn |
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo, khẩn trương bằng mọi biện pháp trong ngày 25 và 26/9 liên lạc, thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trong vùng nguy hiểm của bão biết các thông tin để chủ động đối phó; yêu cầu chủ các phương tiện nhanh chóng thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm; chủ động tìm nơi tránh trú an toàn, đặc biệt lưu ý các tàu thuyền đang hoạt động ở vùng quần đảo Hoàng Sa và ven bờ. Các tỉnh, thành phố triển khai các phương án bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập; chuẩn bị theo phương châm 4 tại chỗ (lương thực, nước uống, thuốc men, nhu yếu phẩm,...) sẵn sàng đối phó với các tình huống khi có mưa, lũ lớn, sạt lở đất đảm bảo an toàn cho người, tài sản; khẩn trương sắp xếp tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản vào nơi neo đậu; kiên quyết không để người ở lại tàu thuyền, lồng bè tại nơi neo đậu khi bão đổ bộ vào đất liền; hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, đảm bảo an toàn khi có bão; duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu; tổ chức trực ban nghiêm túc và thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn.
Dự báo đường đi của cơn bão số 4. Nguồn: Baolut.com |
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang tiếp tục thực hiện nghiêm túc nội dung Công điện số 29/CĐ-TW ngày 22/9/2011 của Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương - Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn. Các tỉnh, thành phố này cần huy động vật tư, phương tiện, nhân lực (kể cả lực lượng quân đội) và chủ động ứng kinh phí để gia cố bờ bao, đê bao bảo vệ dân cư và diện tích lúa vụ 3; trường hợp vượt quá khả năng của địa phương kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ. Việc hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai thực hiện theo quy định tại Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg ngày 31/12/2009.
Nông dân phường Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh, thu hoạch lúa bị ngập nước. Ảnh: Phạm Thị Huế - TTXVN |
* Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Nghệ An cho biết tất cả 4.323 phương tiện với 19.453 lao động trực tiếp đánh bắt hải sản trên biển đã nhận được thông báo về vị trí, hướng đi của cơn bão số 4, không có phương tiện nào ở trong vùng nguy hiểm.
lĐến chiều tối 25/9, tỉnh Quảng Trị đã kêu gọi trên 2.000 tàu đánh bắt cá vào nơi trú ẩn an toàn, chỉ còn 1 tàu với 6 thuyền viên đang đánh bắt ở vùng biển phía Nam. UBND tỉnh Quảng Trị cũng chỉ đạo các địa phương rà soát và sẵn sàng triển khai các phương án chống lũ cho các công trình đê điều, hồ đập và các công trình đang thi công, đường giao thông, hệ thống điện, thông tin liên lạc, có biện pháp đảm bảo an toàn cho người và phương tiện trong mọi tình huống; yêu cầu duy trì lực lượng, phương tiện trực tìm kiếm cứu nạn để xử lý kịp thời các tình huống; tổ chức trực ban 24giờ/24giờ.
lỨng phó với bão số 4, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền đánh bắt cá; thông tin thường xuyên về tình hình, diễn biến của bão đối với các tàu, thuyền của ngư dân còn ở ngoài khơi; kiểm đếm tàu thuyền đang đánh bắt cá, báo cáo về BCH PCLB tỉnh. Tính đến 16 giờ ngày 25/9, tỉnh Quảng Nam còn 79 tàu cá với 1.7 lao động, đang hoạt động trên biển.
* Đến chiều 25/9, tỉnh Bình Định đã có 5.115 chiếc tàu thuyền (30.782 lao động) đã lên bờ và neo đậu an toàn. 2.882 phương tiện (19.912 lao động) đang hoạt động đánh bắt ở vùng ngoài ảnh hưởng của bão số 4, trong đó đã có 421 tàu đã liên lạc được và hiện vẫn còn 2.261 tàu chưa liên lạc được.
Nhóm PV