Dự báo hạn mặn gay gắt
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, mùa khô năm 2023-2024, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, tương đương với năm 2020-2021, trong thời kỳ cao điểm (khoảng tháng 2 đến tháng 4 năm 2024) có thể xảy ra thiếu nước ngọt cục bộ, xâm nhập mặn vào sâu các cửa sông.
Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, từ tháng 1-2/2024, El Nino tiếp tục duy trì với xác suất trên 95%. Sau đó, xác suất của hiện tượng El Nino giảm xuống mức 60-85% vào thời kỳ tháng 3 - 5/2024. Do vậy, các tháng mùa khô năm 2023 - 2024, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có khả năng xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Nếu xâm nhập mặn kéo dài với độ mặn cao, một số vùng dọc theo sông Tiền, sông Hậu thuộc Vĩnh Long, Cần Thơ, Bến Tre và Tiền Giang có thể bị hạn mặn cục bộ cho các trà lúa và vườn cây ăn trái.
Trà Vinh là một trong những tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, nhất là tình trạng hạn hán, mặn xâm nhập nội đồng vào mùa khô khiến nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp thiếu nước tưới. Mùa khô năm nay, dự báo mặn xâm nhập vào Trà Vinh tương đương đợt hạn mặn năm 2019-2020, mặn xâm nhập sâu vào đất liền của tỉnh đến huyện Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long). Theo đó, khả năng 6 xã cánh B thuộc huyện Càng Long và khu vực xã Nguyệt Hóa (huyện Châu Thành), Long Đức (thành phố Trà Vinh) sẽ bị ảnh hưởng về nguồn nước sinh hoạt.
Chuyên gia độc lập về hệ sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long Nguyễn Hữu Thiện nhận định, trong trường hợp El Nino năm nay mạnh, mặn sẽ lấn sâu vào vùng ven biển. Trường hợp El Nino cực đoan, các công trình ngăn mặn chỉ phát huy tác dụng vào đầu mùa khô, đến giữa mùa khô từ tháng 2/2024 trở đi, dù có ngăn mặn từ biển vào thì bên trong vẫn thiếu nước ngọt. Đứng trước những thách thức này, người dân cần có kế hoạch ứng phó, chủ động trước xâm nhập mặn “hậu” mùa lũ cạn.
Tác động của El Nino đối với Việt Nam sẽ gia tăng vào các tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024. Mùa khô ở Tây Nguyên và Nam bộ khả năng khốc liệt hơn, hạn hán, xâm nhập mặn có thể diễn ra trên diện rộng vào thời kỳ này. Lượng mưa sẽ thiếu hụt trên đa phần diện tích cả nước với mức độ phổ biến 25-50%. Từ đó nguy cơ cao xảy ra khô hạn cục bộ hoặc diện rộng ở một số vùng như Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ.
Những tháng cao điểm mùa khô từ tháng 12 năm trước đến tháng 3 năm sau, Đắk Lắk luôn đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn nước tưới cho cây trồng. Nhiều công trình thủy lợi, chủ yếu là hồ đập nhỏ rơi vào mực nước “chết”, khiến hoạt động sản xuất nông nghiệp ở đây gặp rất nhiều khó khăn. Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk, mùa khô năm 2023 đã có hơn 1.300 ha (lúa, cây trồng cạn) khô kiệt nước, dẫn đến khả năng mất trắng. Gần 160.000 ha (cà phê, sầu riêng, hồ tiêu, mắc ca và cây ăn trái) thiếu hụt nguồn nước tưới cho những đợt tiếp theo.
Nhiều giải pháp ứng phó với hạn mặn
Để “né hạn mặn”, các địa phương trong vùng phải xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể, nhằm đảm bảo đủ lượng nước cho sản xuất, hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra; lưu ý tích nước để sử dụng trong suốt mùa khô.
Tại buổi phát động thực hiện các biện pháp ứng phó, phòng chống xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 – 2024, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bến Tre Nguyễn Văn Bàn kêu gọi các hội viên, nông dân chủ động trữ nước ngọt để phục vụ sinh hoạt, sản xuất trong mùa hạn mặn. Hội Nông dân các cấp khuyến cáo hội viên, nông dân xuống giống theo đúng lịch thời vụ và phù hợp với khả năng đáp ứng nguồn nước của từng vùng; thay đổi lịch thời vụ để "né hạn mặn", sử dụng giống phù hợp điều kiện hạn mặn và chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả kinh tế hơn; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về lĩnh vực canh tác, chăm sóc cây trồng trong điều kiện thiếu nước ngọt…
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, nhờ chủ động, thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, ứng phó kịp thời tình hình hạn, xâm nhập mặn trong mùa khô 2023 -2024, nên đến nay tỉnh đã kiểm soát được tình hình, bảo đảm an toàn cho sản xuất và nhu cầu nước sinh hoạt của nhân dân. Vụ đông xuân 2023-2024, tỉnh Kiên Giang gieo trồng 280.265/279.000 ha, đạt 100,45% so với kế hoạch, đã thu hoạch được 130 ha. Diện tích còn lại chủ yếu ở vùng Tứ giác Long Xuyên và Tây sông Hậu, cơ bản đã hoàn thiện hệ thống cống kiểm soát mặn, bảo đảm cho yêu cầu sản xuất.
Ngành Nông nghiệp tỉnh Tiền Giang theo dõi và kiểm tra chặt chẽ diễn biến chất lượng nguồn nước, mực nước, độ mặn trên kênh và nội đồng, thông tin thường xuyên đến người dân để ứng phó kịp thời. Đối với vùng cây ăn trái, hiện tại, tỉnh Tiền Giang đã thi công 6 cống cặp sông Tiền để đảm bảo ngăn mặn. Đối với vùng phía Đông, vùng ngọt hóa Gò Công, tỉnh chủ trương theo hướng mặn tới đâu sẽ ngăn mặn tới đó, như mọi năm lấy gạn hoặc bơm chuyền vào bổ túc nước.
Dự báo về khả năng thiếu hụt nguồn nước ngọt trong mùa khô, tỉnh Đồng Tháp tập trung triển khai các mô hình canh tác lúa, tiết kiệm nước nhằm chia sẻ nguồn tài nguyên này với các tỉnh ở dưới hạ nguồn. Hiện Đồng Tháp có khoảng 100 mô hình nông nghiệp xanh trên toàn tỉnh, nên xác định sản xuất tiết kiệm nước để giúp cho người trồng lúa có thu nhập.
Chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có Công điện chỉ đạo, Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi sát ảnh hưởng của El Nino, diễn biến thời tiết, nguồn nước, kịp thời cung cấp thông tin về tình hình, dự báo ngắn hạn, dài hạn về thủy văn, nguồn nước, nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trên cả nước, nhất là tại Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực miền Trung, Tây Nguyên để các cơ quan chức năng, các địa phương và người dân biết, chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, kiên quyết không để xảy ra bị động, bất ngờ.
Các đơn vị liên quan, tổ chức thu thập thông tin về tình hình nguồn nước, vận hành điều tiết của các hồ chứa thủy điện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, khai thác sử dụng nước của các nước ở thượng nguồn các sông xuyên biên giới để phục vụ công tác dự báo nguồn nước, nguy cơ thiếu nước về một số hồ chứa lớn ở Bắc Bộ và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổ chức theo dõi sát diễn biến và có dự báo chuyên ngành về nguồn nước, chất lượng nước và nguy cơ thiếu nước, xâm nhập mặn để cung cấp thông tin cho các địa phương và người dân; đồng thời chủ động chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phù hợp với diễn biến thực tế tại từng thời điểm, từng khu vực; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức sản xuất để hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, nhất là thời kỳ cao điểm thường xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan chỉ đạo vận hành linh hoạt, hiệu quả các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, các hệ thống thủy lợi nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả, tối ưu nguồn tài nguyên nước, vừa bảo đảm nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, vừa bảo đảm nước cho phát điện, nhất là thời kỳ xảy ra nắng nóng cao điểm.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhất là các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực miền Trung và Tây Nguyên: Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thông tin dự báo khí tượng thủy văn, hạn hán, xâm nhập mặn; xác định mức độ ảnh hưởng đến từng địa bàn để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó cụ thể theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, trong đó hướng dẫn người dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, ưu tiên bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân, các cơ sở y tế, giáo dục và các nhu cầu thiết yếu khác, kiên quyết không để người dân thiếu nước sinh hoạt.
Để vượt qua thách thức El Nino đang đến gần, một giải pháp không thể thiếu việc nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ, diễn biến, ảnh hưởng tác động của xâm nhập mặn. Bởi khi nhận thức được nâng cao, người dân sẽ chủ động đúc rút kinh nghiệm, đưa ra nhiều sáng kiến, có phương án ứng phó và tuân thủ theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn để “sống chung” với giai đoạn hạn, mặn không để bị động, bất ngờ.