Cháy rừng là thảm họa, gây thiệt hại lớn đối với tính mạng và tài sản của con người, tài nguyên rừng và môi trường sống. Cháy rừng không những tác động đến một quốc gia mà còn ảnh hưởng đến cả khu vực và toàn cầu.
Tăng cường năng lực
Cả nước hiện có trên 13,5 triệu ha rừng (10,3 triệu ha rừng tự nhiên và 3,2 triệu ha rừng trồng), trong đó, có trên 50% là diện tích rừng có nguy cơ cháy cao, chủ yếu là rừng: Thông, tràm, tre nứa, keo, bạch đàn, rừng khộp, rừng non khoanh nuôi tái sinh tự nhiên. Trong 10 năm tới, diện tích rừng trồng của cả nước sẽ tăng thêm 2,6 triệu ha, khoanh nuôi tái sinh tăng 750.000 ha. Diện tích rừng trồng, rừng non do khoanh nuôi tái sinh ngày càng được mở rộng, cùng với diễn biến bất thường của thời tiết làm tăng nguy cơ cháy rừng, gây thiệt hại lớn về kinh tế và môi trường sống.
Chăm sóc cây giống phục vụ kế hoạch trồng rừng của Khu bảo tồn thiên nhiên-văn hóa Đồng Nai. Ảnh: Quang Quyết – TTXVN |
Theo lãnh đạo Cục Kiểm lâm, thời gian qua, Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo và tăng cường đầu tư cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR). Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về PCCCR từng bước được hoàn thiện; vai trò của chủ rừng và các cơ quan, tổ chức có liên quan bước đầu được tăng cường và triển khai thực hiện có hiệu quả phương châm bốn tại chỗ.
Ý thức của người dân sống trong và gần rừng về công tác PCCCR có chuyển biến tích cực; năng lực chỉ đạo, điều hành và kiểm soát cháy rừng của chính quyền các cấp và các lực lượng chữa cháy rừng từng bước được nâng cao. Tuy nhiên, tình hình cháy rừng ở nước ta vẫn xảy ra nghiêm trọng. Theo số liệu thống kê của Cục Kiểm lâm, trong giai đoạn 10 năm (2002-2011), cả nước đã xảy ra 7.0 vụ cháy rừng; diện tích rừng bị thiệt hại 49.837 ha. Bình quân 715 vụ/năm, diện tích rừng bị thiệt hại gần 5.000 ha/năm. Thiệt hại giá trị kinh tế về tài nguyên rừng hàng trăm tỷ đồng mỗi năm và ảnh hưởng nghiêm trọng về môi trường sống.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng diện tích có rừng của nước ta đã tăng từ 11,78 triệu ha năm 2002 lên 13,515 triệu ha năm 2011. Độ che phủ rừng toàn quốc đã tăng đều từ 35,8% năm 2002 lên 39,7% năm 2011 với mức tăng bình quân 0,4%/năm. Cơ cấu diện tích ba loại rừng thay đổi theo hướng tăng diện tích rừng sản xuất, giảm diện tích rừng phòng hộ và ít thay đổi đối với rừng đặc dụng, phù hợp với định hướng của Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam đến 2010. |
Trước tình hình trên, ngày 2/1/2007, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 02/QĐ-TTg thực hiện dự án “Nâng cao năng lực PCCCR cho lực lượng kiểm lâm”, giai đoạn 2007-2010 với mục tiêu: “Củng cố tổ chức, nâng cao năng lực cho lực lượng chuyên ngành PCCCR từ trung ương đến địa phương để có đủ khả năng để kiểm soát cháy rừng, giảm nguy cơ cháy rừng, chữa cháy rừng kịp thời, có hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra”.
Tổng mức dự toán kinh phí cho đề án là 502 tỷ đồng, trong đó cho các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là 200 tỷ đồng, các cơ quan địa phương là 300 tỷ đồng. Căn cứ vào Quyết định số 02 của Thủ tướng Chính phủ, các tỉnh đã phê duyệt dự án chi tiết với tổng kinh phí là 486,4 tỷ đồng.
Để từng bước khắc phục những bất cập, tồn tại trong công tác PCCCR, việc xây dựng Đề án nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng giai đoạn 2013-2020 có ý nghĩa rất quan trọng và cần thiết nhằm làm căn cứ để tổ chức thực hiện các giải pháp PCCCR, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng góp phần phát triển kinh tế xã hội bảo vệ an ninh quốc phòng và môi trường.
Những tồn tại trong công tác PCCCR
Mặc dù đạt được những kết quả nhất định, song tình hình cháy rừng ở nước ta vẫn diễn biến rất phức tạp. Đặc biệt là vào những năm nắng hạn bất thường và vào thời kỳ cao điểm của hiện tượng El-Nino thì tình hình cháy rừng xảy ra rất nguy hiểm. Năm 2002, xảy ra 1.198 vụ cháy rừng, thiệt hại 15.548 ha rừng, trong đó hai vụ cháy rừng U Minh Thượng và U Minh Hạ thiệt hại 5.415 ha, giá trị lâm sản thiệt hại ước tính khoảng 290 tỷ đồng, chưa kể hàng chục tỷ đồng chi phí cho chữa cháy và chi phí để phục hồi rừng của Nhà nước.
Và đầu năm 2010 xảy ra vụ cháy rừng tại Vườn quốc gia Hoàng Liên làm cháy hơn 800 ha rừng, năm 2012 đã xảy ra cháy rừng tại Khu rừng phòng hộ Nam Hải Vân, thành phố Đà Nẵng làm thiệt hại hơn 100 ha rừng; chi phí huy động lực lượng để chữa cháy rừng là rất lớn, đời sống người dân tại địa phương xảy ra cháy rừng bị đảo lộn, ảnh hưởng của cháy rừng lên hệ sinh thái kéo dài và cần thời gian mới khôi phục được.
Theo Cục Kiểm lâm, những vụ cháy rừng lớn thời gian qua đã thể hiện những bất cập trong công tác PCCCR. Đó là công tác dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng và phát hiện sớm điểm cháy bước đầu đã được triển khai nhưng còn nhiều hạn chế. Hiện tại, chỉ mới dự báo nguy cơ cháy rừng ở phạm vi toàn quốc, chưa dự báo chi tiết ở phạm vi hẹp, những trọng điểm có nguy cơ cháy cao, khả năng phát hiện sớm lửa rừng còn nhiều hạn chế nên chưa chủ động triển khai các phương án PCCCR kịp thời. Lực lượng kiểm lâm được giao nhiệm vụ là nòng cốt trong công tác PCCCR, nhưng lại rất mỏng và phân tán; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về PCCCR còn hạn chế. Đặc biệt không có lực lượng chữa cháy rừng chủ lực, chuyên ngành để ứng phó với các vụ cháy rừng lớn cấp quốc gia.
Đầu tư phương tiện, trang thiết bị cho công tác PCCCR, thông tin liên lạc chưa đáp ứng được yêu cầu (chủ yếu là dụng cụ thô sơ, cành cây). Vì vậy, khi cháy rừng xảy ra, mặc dù huy động rất nhiều người tham gia song hiệu quả chữa cháy rừng thấp, khi có cháy lớn thì luôn lúng túng, bị động. Công tác chỉ đạo, điều hành chậm do không nắm bắt được thông tin kịp thời và chính xác, thiếu phương tiện, trang thiết bị phục vụ chỉ đạo, chỉ huy. Sự phối hợp giữa các lực lượng tham gia chữa cháy rừng không nhịp nhàng, hiệu quả thấp, chưa phân định rõ chức năng nhiệm vụ và cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác PCCCR.
Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và các cấp chính quyền cơ sở còn hạn chế. Chủ trương xã hội hóa công tác PCCCR bước đầu được thực hiện nhưng vai trò của chủ rừng chưa cao, nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ trong công tác dự báo, cảnh báo cháy rừng và các giải pháp PCCCR còn hạn chế. Hợp tác quốc tế để tiếp cận khoa học công nghệ tiên tiến của thế giới trong PCCCR chưa được quan tâm thực hiện. Chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia chữa cháy chưa đáp ứng được nhiệm vụ nặng nề về PCCCR nên chưa động viên, khuyến khích mọi lực lượng tham gia cứu chữa một cách chủ động và tích cực.
Để hạn chế đến mức thấp nhất những vụ cháy rừng có thể xảy ra, Cục Kiểm lâm cho rằng cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân và các cấp chính quyền về công tác PCCCR. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác PCCCR, huy động mọi nguồn lực của xã hội, các thành phần kinh tế cho công tác PCCCR. Chủ rừng phải chịu trách nhiệm về bảo vệ và PCCCR trên diện tích rừng, đất rừng được nhà nước giao, cho thuê. Tiếp tục thực hiện tốt phương châm bốn tại chỗ: Chỉ huy, lực lượng, phương tiện, hậu cần tại chỗ.
Địa phương chủ động tổ chức nguồn lực và chỉ huy chữa cháy rừng. Trung ương củng cố lực lượng đủ mạnh hỗ trợ các vùng trọng điểm cháy rừng và các vụ cháy lớn vượt quá tầm kiểm soát của địa phương. Phòng cháy rừng là chủ đạo, chữa cháy rừng phải kịp thời, khẩn trương, có hiệu quả. Từng bước đầu tư nâng cao năng lực PCCCR cho lực lượng kiểm lâm, công an, quân đội và lực lượng bảo vệ rừng của chủ rừng để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy rừng.
Viết Tôn