Liên tục trong những ngày gần đây, Thành phố Hồ Chí Minh đã xảy ra các vụ cháy gây thiệt hại không nhỏ về tài sản, đe dọa tính mạng nhiều người. Cuối năm là dịp các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chợ, trung tâm thương mại tập trung khối lượng lớn hàng hóa để phục vụ thị trường Tết, nên nguy cơ cháy nổ càng cao. Hàng hóa vây kín các phương tiện chữa cháy ban đầu tại chợ Bình Tây. |
Ghi nhận của phóng viên tại các chợ Bình Tây (quận 6), An Đông (quận 5), Bà Chiểu (Bình Thạnh), Soái Kình Lâm (quận 5)… cho thấy, mỗi sạp hàng tại các chợ này chỉ rộng chừng từ 1 - 1,5m2. Diện tích lối đi, lối thoát hiểm đáng ra được dành cho khách hàng và lối thoát hiểm khi có sự cố về cháy, nhưng đa số được các chủ quầy hàng tận dụng để chứa hàng hóa. Một số chủ sạp kinh doanh còn bố trí hàng hóa che khuất các phương tiện chữa cháy ban đầu, rất nguy hiểm nếu xảy ra cháy nổ.
Đại diện Ban quản lý chợ Bình Tây thừa nhận, chợ tập trung khối lượng lớn hàng hóa, trong đó có nhiều loại hàng hóa dễ cháy. Đặc biệt, thời điểm cuối năm, lượng hàng hóa về chợ cao gấp 2 - 3 lần so với ngày thường, nên công tác phòng chống cháy nổ luôn được chú ý cao. Tuy nhiên, do lượng hàng hóa về nhiều, một số tiểu thương cũng tận dụng lối đi, lối thoát hiểm làm nơi để hàng hóa, nên chợ tiềm ẩn nguy cơ cháy cao.
Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy TP Hồ Chí Minh thống kê, nguyên nhân gây cháy ở các khu dân cư, hộ gia đình, chợ truyền thống, chủ yếu do sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện, đun nấu, thờ cúng bất cẩn. Ví dụ, tại chợ, sau khi ra về, nhiều tiểu thương quên không tắt các thiết bị tiêu thụ điện. Tại các khu dân cư, người dân cũng thường quên không khóa bếp gas và kiểm tra nhang đèn khi ra khỏi nhà...
Thực tế, tại các chợ, trung tâm thương mại tại TP Hồ Chí Minh đều được trang bị khá đầy đủ các phương tiện PCCC, như hệ thống báo cháy tự động, hệ thống cấp nước chữa cháy vách tường, lực lượng bảo vệ cũng vừa làm công tác bảo vệ vừa làm công tác PCCC.
Tuy nhiên, theo ông Hồ Văn Sạn, Phó ban quản lý chợ vải Soái Kình Lâm: Để công tác PCCC đạt hiệu quả cao cần phải huy động sự tham gia của rất nhiều người, từ các cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng chữa cháy, ban quản lý chợ… nhưng quan trọng nhất vẫn là ý thức chấp hành an toàn PCCC của chính những tiểu thương. Vào thời điểm cuối năm, chúng tôi thường tăng cường thông báo, tuyên truyền, vận động các tiểu thương để bà con tự ý thức nâng cao cảnh giác với “bà hỏa”.
Để chủ động phòng chống cháy nổ trên địa bàn vào dịp cuối năm, Sở Cảnh sát PCCC cũng đã tham mưu cho UBND các cấp tập trung nắm tình hình, thống kê, phân loại các khu vực, cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao như khu dân cư, chợ truyền thống, trung tâm thương mại… để quản lý về công tác PCCC. Công tác kiểm tra, phúc tra, kiểm tra đột xuất, ngoài giờ, ban đêm cũng được tiến hành liên tục.
Ông Lê Tấn Bửu, Giám đốc Sở cảnh sát PCCC thành phố cho biết: “Thành phố đã được đầu tư, trang bị các thiết bị, phương tiện hiện đại phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy. Các phòng cảnh sát PCCC tại quận, huyện đều được trang bị 6 - 12 xe chữa cháy. Đường thủy cũng được trang bị các loại tàu, ca nô chữa cháy với đầy đủ các loại máy bơm và công cụ hỗ trợ chữa cháy. Có cả xe chữa cháy “công nghệ 1.7” có thể đẩy nước lên cao để triển khai mũi lăng chữa cháy, tàu chữa cháy. Công nghệ 1.7 (ST115) có thể truyền tiếp nước trên 2.000m để phục vụ chữa cháy. Ngoài ra còn có xe thang Iveco 32m, 52m, xe trạm bơm công suất lớn... Tuy nhiên, để công tác PCCC đạt hiệu quả cao, nhất là trong dịp cuối năm, quan trọng nhất vẫn là việc nâng cao ý thức PCCC của người dân, tiểu thương… Mặt khác, qua một số vụ cháy xảy ra gần đây cho thấy vai trò của lực lượng chữa cháy tại chỗ rất quan trọng. Nếu người dân phát hiện sớm, xử lý nhanh sẽ kiềm chế được sự lan rộng của đám cháy, hạn chế tối đa thiệt hại về vật chất lẫn sinh mạng”.
Bài và ảnh: Hoàng Tuyết