Chủ động phòng, chống dịch bệnh sau mưa, lũ

Nguy cơ ô nhiễm môi trường sau mưa, lũ rất cao do các loại bùn đất, rác thải, xác động vật trôi nổi mang theo mầm bệnh gây ra; nếu không được xử lý kịp thời sẽ làm tăng nguy cơ phát sinh dịch bệnh trên động vật.

Cục Thú y thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, theo dự báo của cơ quan khí tượng, trong thời gian tới mưa lũ vẫn có thể tiếp tục xảy ra.Vì vậy, nguy cơ ô nhiễm môi trường do các loại bùn đất, rác thải, xác động vật trôi nổi mang theo mầm bệnh gây ra là rất cao, nếu không được xử lý kịp thời sẽ làm tăng nguy cơ phát sinh dịch bệnh động vật.

Do đó, Cục Thú y đã đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh động vật. Cụ thể, thành lập ngay các đoàn công tác xuống cơ sở để chỉ đạo, hướng dẫn chính quyền địa phương và nhân dân các biện pháp phòng ngừa bệnh lây lan từ động vật sang người để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, thủy sản nuôi để giảm thiểu thiệt hại do mưa, lũ gây ra.

Môi trường ở các nơi lũ đi qua tại huyện Mường La bị ô nhiễm do rác thải và sự phân hủy các chất hữu cơ. Ảnh: Diệp Anh/TTXVN

Đối với các địa phương bị ngập lụt, địa bàn có nhiều động vật bị chết, có diện tích nuôi thủy sản bị thiệt hại, các đoàn công tác tổ chức kiểm tra, hỗ trợ và hướng dẫn địa phương khắc phục hậu quả sau mưa lũ, xử lý vệ sinh môi trường, tổ chức thu gom xác động vật để tiêu hủy. Đồng thời, hướng dẫn triển khai ngay các biện pháp chủ động phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, thủy sản nuôi để hạn chế thiệt hại và ngăn ngừa dịch bệnh động vật phát sinh sau lũ. Bên cạnh đó, tổ chức đánh giá nguy cơ dịch bệnh và hướng dẫn nhân dân khôi phục sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản để đảm bảo an toàn dịch bệnh ngay sau khi lũ rút.

Đối với các địa bàn có nguy cơ cao phát sinh dịch bệnh, các đoàn công tác chỉ đạo, hướng dẫn địa phương áp dụng các biện pháp vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường. Bên cạnh đó, xây dựng phương án phòng bệnh chủ động cho đàn gia súc, gia cầm, thủy sản nuôi để bảo vệ sản xuất; chuẩn bị sẵn sàng vắc xin, hóa chất... để ứng phó kịp thời khi dịch bệnh phát sinh.

Cục Thú y cũng đề nghị các địa phương huy động tối đa nguồn lực tăng cường cho các địa bàn bị ảnh hưởng nặng nề của mưa lũ, phối hợp cùng chính quyền địa phương giúp người dân khắc phục hậu quả, sớm ổn định sản xuất; đề xuất phương án, hướng dẫn địa phương và người dân xử lý xác động vật trôi nổi, khu vực có hố chôn động vật mắc bệnh trước đây, xử lý môi trường đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Cán bộ y tế dự phòng phun khử trùng các vùng bị ngập lụt bằng Cloramin B 25%. Ảnh: Diệp Anh/TTXVN

Ngoài ra, tuyên truyền và hướng dẫn người chăn nuôi vệ sinh chuồng trại, tái đàn sau mưa lũ và tuân thủ việc tiêm phòng vắc xin nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh, giảm thiểu nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh động vật...

Theo Cục Thú y, thời gian qua, liên tiếp các đợt mưa lũ đã xuất hiện, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản cho các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung bộ; nhiều địa bàn bị mưa lũ cô lập trong nhiều ngày. Bên cạnh đó, mưa lũ cũng đã tàn phá nhiều diện tích hoa màu, gây chết nhiều động vật nuôi và làm thiệt hại nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản của người dân.

Thành Trung (TTXVN)
Nước lũ rút đi, người dân Nam Định căng thẳng lo bùng phát dịch bệnh
Nước lũ rút đi, người dân Nam Định căng thẳng lo bùng phát dịch bệnh

Trận lụt lịch sử vừa qua đã làm cho 3 xã của huyện Ý Yên (Nam Định) bị chìm trong biển nước. Sau khi nước rút, nhiều hộ dân vùng lũ đã khẩn trương dọn dẹp môi trường sớm ổn định cuộc sống. Nỗi lo của người dân hiện nay là nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN