Chủ động phòng chống rét đậm, rét hại

Các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có Sơn La, lại sắp bước vào một đợt rét đậm, rét hại kéo dài, có khả năng gây ảnh hưởng xấu tới cả đời sống của người dân, cây trồng và vật nuôi không kém gì đợt rét tháng 12/2013.


Trong khi đó, những thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La hiện vẫn đang trong giai đoạn tiếp tục khắc phục. Phóng viên Báo Tin Tức - TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Dương Gia Định, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La về các vấn đề này.


Cán bộ nông nghiệp hướng dẫn đồng bào chăm sóc cây cà phê sau đợt rét đậm kèm theo sương muối.

* Thưa ông, đợt rét đậm, rét hại xảy ra tháng 12/2013 đã gây nhiều thiệt hại đến cây trồng, vật nuôi nuôi của người dân trên địa bàn tỉnh Sơn La và hậu quả vẫn còn kéo dài. Xin ông cho biết tình hình thiệt hại cụ thể đến thời điểm này?


Theo thống kê tổng hợp của Trạm Khuyến nông và phòng chức năng của các huyện, thành phố trong tỉnh, rét đậm và sương muối đợt tháng 12/2013 đã làm gần 500 con gia súc bị chết rét; hơn 1.400 ha cà phê bị ảnh hưởng, trong đó có 480 ha bị hỏng hoàn toàn. Ngoài ra còn có 1,7 ha cao su, 2,5 ha mạ cũng bị thiệt hại. Số lượng gia súc bị chết rét nhiều nhất là huyện Thuận Châu, diện tích cà phê bị thiệt hại nhiều nhất là thành phố Sơn La 775 ha, huyện Mai Sơn 557 ha, huyện Thuận Châu 93 ha.

 

* Trước tình hình thiệt hại như vậy, xin ông cho biết ngành nông nghiệp đã hướng dẫn người dân triển khai các biện pháp khắc phục như thế nào, cũng như cách phòng chống những đợt rét đậm, rét hại tiếp theo?


Nhằm khắc phục thiệt hại do thời tiết bất lợi gây ra, các cấp, các ngành chức năng trong tỉnh đã thành lập đoàn công tác đi cơ sở kiểm tra xác minh tình hình thiệt hại, từ đó đưa ra các giải pháp giúp người dân sớm khắc phục và khôi phục sản xuất. Trung tâm Khuyến nông Sơn La tiếp tục chỉ đạo các trạm tuyên truyền, hướng dẫn nông dân các biện pháp kỹ thuật đối với từng loại con nuôi, cây trồng.


Trung tâm cũng đã cử cán bộ trực tiếp tới các địa bàn có thiệt hại để hướng dẫn kỹ thuật khắc phục thiệt hại đã xảy ra và phương án hạn chế tối đa thiệt hại trong thời gian tới.


Đối với trâu bò, người dân cần nhốt trâu bò tại chuồng, không cho gia súc làm việc và không chăn thả khi nhiệt độ giảm xuống dưới 12 độ; cung cấp thức ăn tại chuồng, giữ cho nền chuồng khô ráo, che chắn tránh gió lùa, làm áo khoác giữ ấm, tạo nguồn nhiệt sưởi ấm cho trâu bò. Đối với đàn lợn, cho ăn đủ khẩu phần, cân đối dinh dưỡng, bổ sung thức ăn giàu đạm, đủ vitamin các loại và muối ăn. Những ngày rét, ngoài việc lót ổ rơm, rạ… dùng bóng đèn thường hoặc loại 100-200W, lò sưởi để sưởi ấm cho những ổ lợn mới sinh. Đối với gia cầm, tăng thức ăn năng lượng cao và lượng khẩu phần hơn ngày thường 5% để có thêm năng lượng chống rét.


*Cây cà phê là một trong những cây trồng chính, mang lại thu nhập cao cho người dân tỉnh Sơn La, thiệt hại đối với cây cà phê xảy ra trên địa bàn tỉnh Sơn La do sương muối trong dịp cuối năm 2013 và đầu năm 2014 được đánh giá là lớn nhất kể từ đợt sương muối giá rét xảy ra năm 1999. Xin ông cho biết những biện pháp khắc phục cụ thể đối với cây cà phê để người dân sớm ổn định cuộc sống?


Các kỹ sư của Trung tâm khuyến nông tỉnh Sơn La đã hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật nhằm chống rét và sương muối cho khuyến nông viên của thôn, bản và trực tiếp là các hộ dân trồng cà phê. Đối với vườn cà phê mới trồng, người dân cần sử dụng các biện pháp kỹ thuật chống rét như ủ gốc giữ ẩm giữ ấm, tưới nước rửa lá vào sáng sớm, hun khói, che cây. Sau khi qua mùa đông cần tiến hành trồng dặm cho đảm bảo mật độ, bón phân chăm sóc làm cỏ để cây cà phê sinh trưởng phát triển tốt.


Đối với vườn cà phê đang trong thời kỳ cho quả, tùy theo mức độ ảnh hưởng do sương muối giá rét gây ra để quyết định biện pháp xử lý phù hợp. Vườn cây bị ảnh hưởng một phần, trên cây, các lá, cành phía trên ngọn và phía ngoài tán bị khô thì sử dụng biện pháp cắt tỉa phần bị cháy khô, cắt bỏ hết phần lá, cành bị cháy khô, vị trí cắt cách điểm cành bị chết cuối cùng khoảng 5 cm. Chú ý chỉ cắt những cành, lá bị khô cháy, cắt xong tận dụng lá làm vật liệu để ủ gốc cà phê. Vết cắt ngọt, mịn cành, không bị dập nát để không làm ảnh hưởng đến thân, cành của cây.


Vườn cây bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tất cả các lá, cành trên cây đã bị khô cháy hết thì dùng cưa cắt bỏ toàn bộ thân chính. Vị trí cắt cách mặt đất 20 -25cm, cắt vát nghiêng 1 góc 45 độ, vết cắt phải phẳng mịn, cắt theo hướng đông tây, phần vát nghiêng từ hướng đông sang tây (bên phía tây vết cắt cao hơn phía đông) để ánh nắng buổi chiều không chiếu vào vết cắt làm khô cây. Khi cắt cây xong thu gom cành và lá làm vật liệu ủ gốc, dùng vôi bột hòa nước quét lên vết cắt.


Việc tiến hành các biện pháp trên nhằm giúp cây cà phê bị ảnh hưởng do sương muối có khả năng tái canh sau 2 đến 3 năm. Tuy nhiên bà con trồng cà phê cũng cần lưu ý việc chủ động chăm sóc, phòng chống rét, đặc biệt là sương muối cho cây cà phê trong những ngày rét đậm, rét hại sắp tới.

 

* Ngoài ra, ngành nông nghiệp và tỉnh Sơn La có chính sách hỗ trợ đối với bà con như thế nào?


Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La đã chỉ đạo Phòng nông nghiệp cũng như Ủy ban nhân dân các xã lập biên bản thiệt hại để việc hỗ trợ của Nhà nước kịp thời và đúng đối tượng. Đồng thời, tùy từng mức độ bị thiệt hại của hộ nông dân mà căn cứ theo Quyết định 142 ngày 31/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh để có mức hỗ trợ hợp lý. Theo đó, người dân có diện tích cây cà phê bị thiệt hại trên 30% sẽ được nhận được mức hỗ trợ 1 triệu đồng/ha; các hộ trồng cà phê bị mất 100% và phải cưa đốn thì sẽ được hỗ trợ 4 triệu đồng/ha để bà con có thể khôi phục sản xuất.


* Xin cảm ơn ông!



Lê Hữu Quyết (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN