Liên quan đến nội dung này, phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn Tiến sỹ Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Sau đây là nội dung phỏng vấn.
Ông có thể cho biết dự báo tác động là gì, sự khác nhau giữa dự báo tác động và dự báo dựa trên tác động trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, thưa ông?
Dựa báo dựa trên tác động lấy các tác động tiềm ẩn là thông tin trung tâm, thay vì lấy thông tin thời tiết làm trung tâm như các dự báo truyền thống.
Dự báo dựa trên tác động sẽ trả lời câu hỏi trọng tâm là khí tượng thủy văn có khả năng gây ra tác động gì đối với nông nghiệp, giao thông, du lịch, nuôi trồng thủy sản… Ví dụ như thay vì trả lời câu hỏi là thời tiết ngày mai thế nào thì bản tin dự báo dựa trên tác động sẽ trả lời về thời tiết sẽ diễn ra như vậy sẽ tác động như thế nào đến kinh tế-xã hội, đến với môi trường, đến con người. Thay vì bản tin chỉ đưa các thông tin liên quan đến nhiệt độ, lượng mưa, mực nước lũ, mực nước sông, suối, hồ thì bản tin dự báo dựa trên tác động sẽ được bổ sung thêm các thông tin về ngưỡng lượng mưa, ngưỡng nhiệt độ, ngưỡng mực nước và điều đó ảnh hưởng thế nào đến các lĩnh vực của đời sống. Thay vì chỉ dự báo lượng mưa lớn ở một khu vực cụ thể thì dự báo dựa trên tác động cũng có thể chỉ ra khả năng xảy ra lũ lụt, sạt lở đất và thiệt hại đối với mạng lưới giao thông và các tòa nhà trên khu vực đó.
Dự báo dựa trên tác động đặc biệt hữu ích đối với các chính quyền địa phương, các nhà quản lý rủi ro thiên tai, nhất là ở những khu vực chịu ảnh hưởng của thiên tai như bão, lũ, triều cường. Dự báo dựa trên tác động là xu hướng dự báo được Cơ quan Khí tượng thủy văn Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm trong thời gian qua và định hướng phát triển trong tương lai.
Dự báo tác động là chỉ ra được ngưỡng thiên tai nào đó (ví dụ mưa 50mm/24h, gió cấp 6-7) ảnh hưởng tới các đối tượng bị phơi lộ có tính đến tính dễ bị tổn thương của đối tượng đó. Chẳng hạn, thay vì nói lượng mưa bao nhiêu mm thì có thể thay bằng lượng mưa đó gây ngập đến đâu? đầu gối hay mắt cá chân?; hoặc thay vì cảnh báo gió cấp 10, có thể cảnh báo gió gây ra tốc mái nhà cấp 4, gây gẫy đổ cành cây nhỏ, hay gió cấp 12, cấp 13 gây gãy, đổ cột điện.
Dự báo tác động gần gũi với cảnh báo rủi ro thiên tai mà ngành Khí tượng thủy văn đang thực hiện trên các bản tin dự báo, cảnh báo.
Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg ngày 22/4/2021 Quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai đã được điều chỉnh bổ sung có ý nghĩa như nào đối với hoạt động dự báo, cảnh báo sớm rủi ro thiên tai, thưa ông?
Đây là Quyết định được hợp nhất giữa hai quyết định trước đây. Một Quyết định của Thủ tướng quy định về dự báo cảnh báo và truyền tin thiên tai và một Quyết định của Thủ tướng quy định về cấp độ rủi ro thiên tai. Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg ngày 22/4/2021 Quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai là hợp nhất hai quyết định trên và đây là điểm mới đầu tiên tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị thực hiện quyết định.
Điều này thể hiện ở chỗ khi đưa ra bản tin, thông tin dự báo, cảnh báo thì kèm theo đó là quy định cấp độ rủi ro thiên tai được thể hiện trong cùng một bản tin, như vậy sẽ rất thuận tiện, lô gíc, phù hợp và hiệu quả đối với đơn vị thực hiện cũng như người sử dụng, người được tiếp cận bản tin, đọc bản tin.
Quyết định 18 chú trọng đặc biệt đến việc cảnh báo sớm, cảnh báo chi tiết, tăng độ tin cậy của các bản tin. Các bản tin được đưa đến với người sử dụng sớm hơn so với trước đây là hơn một tiếng.
Việc điều chỉnh bổ, sung Quyết định 18 thể hiện ở chỗ tần suất ban hành bản tin dày hơn, như vậy hiển nhiên các hiện tượng khí tượng thủy văn sẽ được cập nhật liên tục, thường xuyên. Cùng với đó, việc quy định cấp độ rủi ro thiên tai trong Quyết định 18 được nghiên cứu kỹ lưỡng, điều chỉnh so với hình thái thiên tai xảy ra trong thời gian qua để đưa ra những cấp độ phù hợp hơn với thực tế, tính chi tiết của cấp độ rủi ro thiên tai đã được phủ đến cấp huyện, từng lưu vực sông nhỏ.
Những điểm trên trong Quyết định 18 đã góp phần giúp công tác phòng, chống thiên tai sớm hơn, chủ động hơn, đặc biệt khi cấp độ rủi ro thiên tai được dự báo phù hợp với thực tế diễn biến thiên tai thì việc tập trung nguồn lực đủ, đúng mức, chủ động được trong công tác ứng phó, phòng tránh thiên tai sẽ được thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn.
Thưa ông, công tác dự báo sớm, dự báo tác động và cảnh báo rủi ro thiên tai tại Việt Nam trong thời gian qua đã được thực hiện thế nào? Những bài học kinh nghiệm ban đầu trong công tác này là gì?
Từ đầu năm 2020, Tổng cục Khí tượng thủy văn đã bước đầu thêm các thông tin cảnh báo tác động vào trong bản tin bão, áp thấp nhiệt đới. Đến thời điểm hiện tại thì tất cả các bản tin dự báo, cảnh báo của Tổng cục Khí tượng thủy văn đều phải kèm theo thông tin về khả năng tác động đến môi trường và điều kiện sống.
Các bản tin dự báo tác động của cơ quan khí tượng thủy văn đưa ra cũng có thể giúp các cấp lãnh đạo, những người ra quyết định bảo vệ công cộng tốt hơn. Như có thể đưa ra các khuyến nghị về việc sơ tán, đóng cửa trường học và các biện pháp bảo vệ khác để giảm thiệt hại về người, cơ sở hạ tầng, từ đó góp phần giảm thiểu tối đa thiệt hại kinh tế.
Dự báo tác động và cảnh báo rủi ro thiên tai là một công cụ quan trọng cho các nhà quản lý, trong tình trạng khẩn cấp, các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan khác tham gia vào việc chuẩn bị, lên kế hoạch, quản lý rủi ro thiên tai, hành động ứng phó khi tình huống thiên tai xảy ra.
Kinh nghiệm cho thấy, dự báo tác động, cảnh báo rủi ro thiên tai rất hiệu quả đối với các loại thiên tai lớn như: bão, lũ, nắng nóng diện rộng; các loại thiên tai diễn ra từ từ như hạn hán, xâm nhập mặn,.. Một số loại thiên tai quy mô nhỏ, xảy ra nhanh cần thông tin chia sẻ về đối tượng bị tác động ở các khu vực, cần hoàn thiện thêm về cơ chế, phương thức chia sẻ thông tin từ các bộ, ngành, địa phương.
Ngành Khí tượng thủy văn sẽ tiếp tục bổ sung, cải tiến cũng như thu thập thêm thông tin về các đối tượng có thể bị ảnh hưởng của các loại hình thiên tai khác nhau để có thể đưa ra các bản tin phù hợp, sát thực tế, đặc biệt là các hình thái thiên tai lớn, phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới con người, tài sản, cộng đồng… trong mùa bão lũ năm nay.
Về kinh nghiệm ban đầu trong công tác này, ngành Khí tượng thủy văn nhận thức rõ rằng, phải có sự phối hợp giữa Cơ quan dự báo khí tượng thủy văn và các bộ, ngành, địa phương. Bởi lẽ, cơ quan khí tượng muốn dự báo, cảnh báo được các hiện tượng thiên tai một cách chính xác, kịp thời… thì bản thân cơ quan khí tượng phải nắm bắt được, thậm chí nắm bắt rất rõ về cơ sở hạ tầng, hiện trạng sản xuất nông nghiệp, tình hình người dân sống tại các vùng, địa phương… Điều này có ý nghĩa rất quan trọng và nếu không có sự phối hợp đó từ các bộ, ngành, địa phương thì các dự báo, cảnh báo của cơ quan khí tượng thủy văn sẽ bị hạn chế rất nhiều.
Thưa ông, để “Cộng đồng bền vững, thích ứng thiên tai”, Tổng cục Khí tượng thủy văn có những chương trình, kế hoạch gì góp phần thực hiện tốt nội dung này?
Quyết định số 10/2023/QĐ-TTg ngày 24/4/2023 đã giao Tổng cục Khí tượng thủy văn nhiều nhiệm vụ mới như: Đánh giá, phân vùng rủi ro thiên tai; dự báo, đánh giá khí hậu, thủy văn, hải văn, tiềm năng gió, mặt trời, sóng, thủy điện phục vụ chỉ đạo, điều hành, khai thác, sản xuất năng lượng không tái tạo và tái tạo… đồng thời tinh gọn bộ máy của Tổng cục từ 23 đơn vị trực thuộc giảm còn 19 đơn vị.
Để thực tốt nhiệm vụ được giao, trước mắt Tổng cục Khí tượng thủy văn nhanh chóng kiện toàn tổ chức, nhất là các đơn vị dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn từ Trung ương đến địa phương; đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến thiên tai khí tượng thủy văn ở Việt Nam để đưa vào các mô hình, phương án dự báo với mục tiêu là sớm hơn, chi tiết hơn, tin cậy hơn về thiên tai khí tượng thủy văn và rõ hơn về tác động của thiên tai với cấp độ rủi ro thiên tai phù hợp.
Bên cạnh đó, ngành đẩy mạnh xã hội hóa, tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp, người dân tham gia vào các hoạt động khí tượng thủy văn; tận dụng tối đa cơ sở vật chất, thông tin khí tượng thủy văn hiện có của xã hội; tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật về khí tượng thủy văn, nâng cao nhận thức cộng đồng về khai thác sử dụng bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.
Trân trọng cảm ơn ông!