Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Nguyễn Văn Cảnh/TTXVN. |
Theo ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, Chương Mỹ là địa phương thường xuyên có lũ rừng ngang tràn về, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.
Khắc phục tình trạng này, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng cho biết, trong quý I/2018, huyện Chương Mỹ đã triển khai các dự án xử lý khẩn cấp sự cố sạt lở đê điều, bờ sông tại thị trấn Xuân Mai và các xã Thanh Bình, Thủy Xuân Tiên, Hoàng Văn Thụ; đồng thời tổ chức hội nghị bàn giao các công trình trạm bơm cho Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy quản lý, sử dụng. Huyện Chương Mỹ đề nghị, thành phố quan tâm bố trí kinh phí triển khai một số dự án, trong đó có dự án cải tạo, nâng cấp đê Tả Bùi - Hữu Đáy.
Về nội dung này, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, việc nâng cấp đê điều phải có phương án lâu dài, bền vững, làm đến đâu chắc đến đó.
Ông Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, Chương Mỹ là một trong những địa phương có diện tích và dân số lớn nhất nhưng hệ thống cơ sở hạ tầng vào loại yếu kém nhất của Hà Nội. Trong khi đó, phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, trên địa bàn huyện còn có một số khu vực thuộc vùng thoát lũ nên cuộc sống của người dân chưa ổn định. Khi cuộc sống người dân chưa ổn định, việc đầu tư hạ tầng cũng chỉ mang tính chắp vá. Ông Nguyễn Đức Chung đề nghị, huyện Chương Mỹ cần có giải pháp lâu dài để tháo gỡ khó khăn, thách thức.
Yêu cầu UBND huyện Chương Mỹ chỉ đạo các xã bàn giao 67/223 trạm bơm còn lại cho các công ty thủy lợi quản lý, tiến tới số hóa dữ liệu đê điều của thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị, huyện lưu tâm công tác xử lý ô nhiễm môi trường, kiên cố hóa hệ thống đê điều, nạo vét kênh mương, tránh tình trạng đầu tư nâng cấp đê dàn trải, không mang tính bền vững lâu dài. Về nhiệm vụ này, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội khảo sát, quy hoạch dự án đê sông Bùi, sông Đáy, vừa nạo vét kênh mương vừa làm đê kết hợp đường bê tông, không dùng cọc tre như hiện tại để có giải pháp nâng cấp đê bền vững, lâu dài, tránh tốn kém.