Cải tạo tốt để sớm được trở về
Những ngày qua, cùng với phạm nhân trên cả nước, các phạm nhân đang chấp hành án tại Trại giam Xuân Nguyên (đóng trên địa bàn thành phố Hải Phòng) có tên trong danh sách được đề nghị Chủ tịch nước xét đặc xá năm 2024 đang háo hức, mong chờ đến ngày chính thức được nhận Quyết định đặc xá, trở về cộng đồng, đoàn tụ gia đình và làm lại cuộc đời sau những tháng ngày phải trả giá cho lỗi lầm trong quá khứ.
Nữ phạm nhân Trần Thị Thanh Xuân là một trong những phạm nhân đang thụ án tại Trại giam Xuân Nguyên được đề nghị đặc xá đợt này. Nhận án 4 năm tù về tội vi phạm quy định về đấu thầu trong vụ án liên quan Công ty AIC xảy ra tại Quảng Ninh, 31 tháng tạm giam và thời gian trả án tại trại giam, đối với nữ phạm nhân này, đây là một bài học lớn của cuộc đời. Từ ngày bị bắt đến nay, bản thân chị luôn chấp hành tốt việc cải tạo, bởi theo nữ phạm nhân này, đây là cách tốt nhất để có thể hưởng được các chính sách khoan hồng, được sớm trở về với gia đình, xã hội.
“Điều mong mỏi lớn nhất của mỗi phạm nhân là đến ngày được trả tự do. Đến khi được biết mình đủ điều kiện để được xét đặc xá thì tôi rất vui vì được ra tù sớm hơn, được trở lại với gia đình, người thân và công việc" - chị Xuân chia sẻ.
Được đặc xá đã là niềm vui lớn với các phạm nhân, đối với các nữ phạm nhân thì đó còn là niềm mong mỏi lớn lao khi sớm được trở về với các con, với gia đình. Cũng không khỏi tránh được những lo lắng khi trở về bởi sau nhiều năm tách khỏi xã hội, cuộc sống ở bên ngoài nhiều thay đổi, chị Xuân cho biết, trước mắt chị sẽ về đoàn tụ với con cái, gia đình và sau đó cố gắng tìm một công việc mới.
Trong đợt đặc xá năm 2024, từ đầu tháng 8/2024, ngay khi có Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước, Công an các tỉnh, thành phố, đơn vị đã tổ chức niêm yết công khai Quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2024 đến 100% phạm nhân đang chấp hành án tại trại tạm giam, nhà tạm giữ. Cùng với đó, các đơn vị nghiệp vụ và cơ sở giam giữ đã triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định trong đặc xá; các quyết định và điều kiện về đặc xá 2024 đều được niêm yết công khai và minh bạch; công tác rà soát, xem xét đảm bảo đúng đối tượng, không để xảy ra sai sót, tiêu cực.
Thượng tá Đào Anh Kiên, Phó Giám thị Trại giam Xuân Nguyên cho biết, đối với đặc xá năm 2024, Trại giam đã triển khai công tác phổ biến cho các phạm nhân Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước để tự liên hệ bản thân, đối chiếu với các điều kiện, tiêu chuẩn. Những phạm nhân nào đủ điều kiện được đặc xá thì sẽ hướng dẫn cho họ viết đơn đề nghị đặc xá.
Đợt này, Trại giam Xuân Nguyên rà soát và lập danh sách đề nghị đặc xá cho hơn 50 phạm nhân đủ điều kiện được xét đề nghị đặc xá. Bên cạnh đó, để chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho phạm nhân khi được đặc xá, Trại giam đã tổ chức các lớp học tái hòa nhập cộng đồng, truyền đạt cho các phạm nhân kiến thức pháp luật, kiến thức xã hội và phổ biến tình hình thời sự, kinh tế - xã hội của đất nước, để khi trở về họ không bị bỡ ngỡ.
Bên cạnh đó, đơn vị tuyên truyền, giáo dục để họ nhận thức đúng đắn về chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng, Nhà nước để trở về địa phương sống lương thiện, không tái phạm; trang bị những kiến thức, kỹ năng sống cơ bản để khi được đặc xá trở về cộng đồng, giúp họ xóa bỏ mặc cảm, phấn đấu trở thành công dân có ích cho gia đình và xã hội.
Đối với những phạm nhân chưa đủ tiêu chuẩn được đề nghị đặc xá lần này, Trại giam cũng tuyên truyền, giáo dục giúp họ hiểu hơn về chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước, từ đó yên tâm cải tạo, cố gắng phấn đấu lao động, học tập, chấp hành tốt nội quy trại giam để sớm được trở về với gia đình và hòa nhập cùng xã hội.
Hỗ trợ tín dụng và pháp lý
Để tiếp tục hỗ trợ hiệu quả cho những người được đặc xá và người chấp hành xong án phạt tù, Đại tá Nguyễn Văn Long (Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý tạm giữ, tạm giam và Thi hành án hình sự tại cộng đồng, Bộ Công an) cho biết: Trong năm 2024, Cục Cảnh sát Quản lý tạm giữ, tạm giam và Thi hành án hình sự tại cộng đồng sẽ tập trung triển khai các biện pháp thiết thực, giúp họ tự tin trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng và làm lại cuộc đời. Cụ thể, các hoạt động hỗ trợ gồm tổng kết, sơ kết và đánh giá chính sách pháp luật. Trong đó, Cục sẽ tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an và Chính phủ tiến hành tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 33/CT-TTg và Quyết định số 22/QĐ-TTg của Thủ tướng về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Qua việc sơ kết, tổng kết này, Cục sẽ đánh giá hiệu quả, rút ra những bài học kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp nhằm tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ một cách nhân văn và hiệu quả nhất.
Về hướng dẫn và triển khai thực hiện, Cục sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành và chính quyền địa phương để đảm bảo thực hiện hiệu quả Nghị định số 49/2020/NĐ-CP cùng với Quyết định số 22 về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. “Những biện pháp này sẽ giúp những người vừa chấp hành xong án phạt tù có được nguồn lực tài chính và hỗ trợ pháp lý để ổn định cuộc sống” – Đại tá Nguyễn Văn Long đánh giá.
Bên cạnh đó, Cục tăng cường phối hợp, chỉ đạo các đơn vị Công an địa phương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc tiếp nhận và quản lý người đặc xá ngay từ khi họ trở về địa phương; đồng thời, hỗ trợ họ trong công tác hướng nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để tìm kiếm việc làm và ổn định cuộc sống. Đặc biệt, Cục chú trọng phát huy vai trò của các tổ chức xã hội và huy động sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong việc hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho người đặc xá, nhằm giúp họ sớm hòa nhập cộng đồng một cách bền vững; đẩy mạnh công tác tuyên truyền và kết nối thông tin, chú trọng đến việc tăng cường tuyên truyền về công tác tái hòa nhập cộng đồng trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội.
“Điều này không chỉ giúp người dân hiểu rõ hơn về sự cần thiết của việc hỗ trợ người đặc xá mà còn tạo cầu nối giữa người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá và các cơ quan chức năng, giúp họ tiếp cận thông tin nhanh chóng, từ đó thêm tự tin phấn đấu trở thành người công dân có ích”, Đại tá Nguyễn Văn Long nhấn mạnh.
Các biện pháp này sẽ tiếp tục khẳng định chủ trương, chính sách của Nhà nước trong việc hỗ trợ toàn diện cho người chấp hành xong án phạt tù và người được đặc xá, giúp họ vững tin bước vào cuộc sống mới và tái hòa nhập cộng đồng một cách bền vững.