Theo nghiên cứu gần đây nhất của Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng (ACDC) khảo sát tại một số huyện ngoại thành Hà Nội, phụ nữ khuyết tật nuôi con đơn thân đều có trình độ học vấn thấp. Tỷ lệ các chị có trình độ học vấn trên trung học phổ thông chỉ chiếm 5,7%, đa phần học đến trung học cơ sở (khoảng 57%).
“Học vấn thấp, cộng thêm tâm lý tự ti là một rào cản lớn để phụ nữ khuyết tật nghèo có cơ hội việc làm, ổn định đời sống. Chính vì thế, cuộc sống của họ hết sức bấp bênh. Vòng xoáy đói nghèo cứ bám riết lấy họ. Với những khiếm khuyết cơ thể, phụ nữ khuyết tật cũng không thể tiếp cận được với các công việc cần nhiều sức khỏe. Đa số họ chọn những công việc đơn giản như làm thủ công mỹ nghệ, mở cửa hàng tạp hóa ở nhà, buôn bán ở chợ…”, chị Nguyễn Lan Anh, Giám đốc ACDC cho biết.
Bên cạnh đó, phụ nữ khuyết tật cũng gặp một số khó khăn khi chăm sóc gia đình do sự hạn chế về sức khỏe. “Để phụ nữ khuyết tật, đặc biệt là phụ nữ khuyết tật ở khu vực nông thôn vượt qua những khó khăn đang gặp phải, chúng ta cần phải giúp họ tiếp cận và áp dụng các kỹ thuật, khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, tìm ra những giải pháp giải quyết việc làm phù hợp với từng đối tượng hoặc từng nhóm đối tượng phụ nữ khuyết tật. Đồng thời, rất cần sự thông cảm của những người chồng, người thân và cộng đồng xã hội”, chị Lan Anh cho hay.
Đối với nhóm phụ nữ khuyết tật, đơn thân, Hội Phụ nữ Hà Nội phối hợp với Sở Lao động - Thương binh - Xã hội tổ chức các lớp dạy nghề miễn phí cho họ và con em họ. Từ đầu năm đến nay, hội đã xây dựng được 80 mái ấm tình thương (trị giá 20 triệu đồng/căn) cho các phụ nữ đơn thân, trao học bổng cho con em phụ nữ nghèo, khuyết tật với tổng số tiền lên tới 4 tỷ đồng ở tất cả các cấp hội. Phong trào lợn nhựa tiết kiệm, học tập tấm gương đạo đức của Bác Hồ cũng được đẩy mạnh, vừa tạo nguồn thu vừa chi cho các hoạt động từ thiện.