Mất đi người thân, đối với các em là sự tổn thương, mất mát rất lớn về tinh thần, đồng thời cũng khiến các em rơi vào hoàn cảnh khó khăn về vật chất. Một năm học mới lại đến, dù nỗi đau vẫn còn đó nhưng với sự tiếp sức từ cộng đồng, các em đều thể hiện quyết tâm học tập tốt, nỗ lực vượt lên nghịch cảnh để viết tiếp ước mơ của cuộc đời.
Vượt lên nghịch cảnh
Thời điểm giữa năm 2021, khu phố 5 là một trong những tâm điểm dịch COVID-19 của Phường 14, Quận 10. Trong số 10 trẻ bị mồ côi do ảnh hưởng dịch trong phường, khu phố 5 có đến 6 trẻ. Tháng 8/2021, đại dịch đã cướp đi người cha của hai anh em Võ Quang Duy Anh (học sinh lớp 9) và Võ Thuỳ Lâm (học sinh lớp 7). Mất đi người trụ cột của gia đình, mất đi chỗ dựa tinh thần lẫn vật chất, hai anh em Duy Anh và mẹ rất hoang mang, suy sụp nhưng cũng nhờ sự hỗ trợ, động viên của chính quyền địa phương, các cá nhân, mẹ và các em đã dần cân bằng được cuộc sống.
Võ Quang Duy Anh nhớ lại, lúc ba mất, em rất buồn, suy sụp và cũng lo sợ không biết tương lai của mẹ và 2 anh em sẽ ra sao, việc học của em sẽ như thế nào. May mắn em được địa phương giúp đỡ, đặc biệt là “mẹ Hoa” - người mẹ đỡ đầu của em đã luôn động viên em vượt qua được quãng thời gian khó khăn ấy và em cũng ý thức được rằng dù nỗi đau vẫn còn đó nhưng tự bản thân mình phải mạnh mẽ vươn lên, để là chỗ dựa tinh thần cho mẹ và em gái.
Duy Anh chia sẻ: "Học tập thật tốt chính là món quà mà em muốn dành tặng ba mẹ mình, để mẹ vui và để ba yên lòng. Vì thế, em sẽ nỗ lực để đạt được kết quả tốt nhất ở năm học cuối cấp này và đỗ lớp 10 vào một ngôi trường lớn mà em đã mơ ước bấy lâu nay".
“Những năm trước, mỗi dịp chuẩn bị vào năm học mới, cả gia đình sẽ đến nhà sách để cùng con mua sắm những thứ cần thiết. Năm nay, gia đình không còn được trọn vẹn, không còn cùng nhau chia sẻ khoảnh khắc ý nghĩa này nữa. Bên cạnh nỗi buồn là nỗi lo về các khoản chi tiêu, mua sắm đầu năm học. Chia sẻ với gia đình, đại diện chính quyền, các ban ngành địa phương và các mạnh thường quân đã hỗ trợ nên việc chuẩn bị cho con vào năm học mới cũng đã được đầy đủ hơn”, chị Phan Thị Cẩm Linh, mẹ 2 cháu Duy Anh và Thùy Lâm xúc động nói.
Hơn 6 năm trước, ba em Đặng Ngọc Minh Hân (học sinh lớp 8) ở Quận 10 bị tai biến chỉ nằm liệt một chỗ. Cả gia đình 4 người sống nhờ vào thu nhập ít ỏi của người mẹ từ việc bán cá thuê ngoài chợ. Hiểu được hoàn cảnh gia đình khó khăn nên hai chị em Minh Hân đều học rất giỏi. Gần đây, người chị lớn của em đã ra trường đi làm, cuộc sống gia đình em phần nào ổn định. Niềm vui chưa lâu, dịch COVID-19 đã khiến Minh Hân không còn ba nữa, cảm giác trong em là sự hụt hẫng, thiếu vắng. Dù trước đó ba chỉ nằm một chỗ, nhưng với Minh Hân đó là chỗ dựa tinh thần cho em trong cuộc sống.
“Dù nhiều năm nay ba không thể đưa em đến trường vào mỗi mùa khai giảng, ba cũng không thể chở em đến nhà sách cùng em lựa chọn đồ dùng cho năm học mới như những bạn khác, nhưng ba vẫn còn đó chờ em về sau mỗi lần tan trường. Nay em không còn cơ hội được khoe với ba mỗi khi đạt kết quả học tập tốt, không còn được kể cho ba nghe mỗi khi có niềm vui trong cuộc sống. Dù buồn, nhưng em sẽ quyết tâm học tập thật tốt”, em Minh Hân chia sẻ.
Chung tay tiếp sức
Nhận làm “Mẹ đỡ đầu” của các bé Duy Anh, Thùy Lâm, Minh Hân và 3 bé mồ côi do ảnh hưởng dịch COVID-19 khác, chị Lâm Quỳnh Hoa, Chi hội phó Chi hội phụ nữ khu phố 5 (Phường 14, Quận 10) thương các bé như con ruột của mình.
Chị Quỳnh Hoa cho biết, trước đây, các con luôn được sống hạnh phúc khi có đầy đủ ba mẹ chăm sóc, nhưng khi đại dịch "quét qua" đã khiến các con không còn đủ đầy cha mẹ. Các con ở nhiều độ tuổi khác nhau, có con vào đầu cấp, có con cuối cấp, ở lứa tuổi này các con rất dễ bị tổn thương về mặt tinh thần. Nghĩ đến việc bản thân và con mình rơi vào hoàn cảnh như vậy thì sẽ rất đau lòng nên chị Hoa rất hiểu và thương các con.
“Trong 6 người con tôi nhận đỡ đầu có bé mất cha, có bé mất mẹ nhưng điểm chung là gia đình các con đều mất đi trụ cột trong gia đình. Khi mất đi người thân, mất đi nguồn thu nhập chính của gia đình, những người ở lại rất hoang mang, chơi vơi. May mắn, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, chính quyền địa phương cùng nhiều mạnh thường quân đã quan tâm, góp sức cùng tôi chăm lo cho các con. Tôi cũng cảm nhận được sự cố gắng, nỗ lực của các con qua từng ngày, chính sự mất mát là động lực để các con vươn lên trong cuộc sống...”, chị Lâm Quỳnh Hoa chia sẻ.
Chị Phan Thị Cẩm Linh (mẹ Duy Anh và Thùy Lâm) tâm sự: “Trước đây mọi việc đều có chồng cùng lo lắng, nay một tay tôi lo cho con vào năm học mới, nên cũng rất lúng túng. Nhờ sự quan tâm chia sẻ của địa phương, đặc biệt là sự giúp đỡ của “mẹ đỡ đầu” là chị Lâm Quỳnh Hoa, các con có được đồ dùng học tập và sách giáo khoa phù hợp với chương trình học theo từng trường các con theo học. Các khoản đóng góp đầu năm học cũng được các đơn vị hỗ trợ thông qua việc trao tặng học bổng, qua đó các con có điều kiện tốt hơn trong năm học này. Mới đây, tôi cũng bắt đầu làm công việc gia công bao bì để có thu nhập trang trải cuộc sống cho 3 mẹ con”.
Không chỉ riêng chị Lâm Quỳnh Hoa mà tại Thành phố có rất nhiều "mẹ đỡ đầu" đã mang yêu thương đến với nhiều trẻ mồ côi do dịch. Đây là kết quả ý nghĩa từ việc hưởng ứng chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát động; từ đó, nhiều trẻ mồ côi đã có thêm một người mẹ, có thêm một mái ấm gia đình.
Đây là một trong rất nhiều chương trình ý nghĩa được các cấp ngành, tổ chức, cá nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh triển khai thực hiện trong thời gian qua nhằm chăm lo cả về vật chất lẫn tinh thần cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có trẻ bị ảnh hưởng dịch COVID-19.
Theo báo cáo của UBND Thành phố Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2021, bên cạnh việc thực hiện chính sách chăm lo của Trung ương, Thành phố đã tích cực chăm lo cho trẻ mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn do COVID-19. Trong đó, đến tháng 3/2022, tổng kinh phí từ nguồn xã hội hóa chăm lo cho nhóm trẻ này và trẻ sống trong các cơ sở bảo trợ xã hội, các quận huyện đông lao động nhập cư là hơn 17,3 tỷ đồng.
Ngoài ra, Thành phố đã hỗ trợ về tiền mặt, dụng cụ học tập, các gói an sinh cho trẻ. Nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn cũng cam kết đỡ đầu cho các em đến 18 tuổi; các tổ chức, đoàn thể cũng chủ động bố trí ngân sách, huy động nguồn lực xã hội để thăm hỏi, động viên, chăm lo cho các em.