Do trại không đủ điều kiện nuôi các loại động vật hoang dã được ưu tiên bảo vệ, trại này cũng không phải là cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học theo quy định tại Luật Đa dạng sinh học, vì vậy, 11 cá thể hổ này cũng được đề xuất chuyển giao đến các Trung tâm cứu hộ có đủ điều kiện tiếp nhận.
Trước mắt gia đình ông Chiến, bà Hồng tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo đảm các điều kiện thiết yếu đến khi hoàn thiện các thủ tục chuyển giao 11 cá thể hổ cho Trung tâm cứu hộ. Gia đình cũng không được phép di chuyển, giết mổ hoặc buôn bán số hổ kể trên.
Gia đình phải thực hiện các biển pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và vật nuôi. Tổ chức EVN và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa giao cho Hạt kiểm lâm và UBND xã Xuân Tín có trách nhiệm giám sát đảm bảo giữ nguyên cá thể hổ trong trại. Nếu để xẩy ra tình trạng hổ chết, hoặc thất thoát thì Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Thọ Xuân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Ông Lê Văn Toàn đại diện cho gia đình ông Nguyễn Mậu Chiến cho biết: Gia đình vẫn có nguyện vọng được nuôi 11 cá thể hổ. Nhưng với những quyết định của các cơ quan chức năng thì gia đình cũng sẵn sàng tuân thủ. Tuy nhiên gia đình cũng mong muốn các cơ quan chức năng có phương án hỗ trợ cho gia đình về việc nuôi 11 cá thể hổ trong suất 11 năm qua bởi bình quân mỗi ngày gia đình phải mua 50 kg đầu, cánh gà làm thức ăn cho đàn hổ.
Được biết từ năm cuối năm 2006, ông Nguyễn Mậu Chiến mua đàn hổ con do người dân bắt được từ Lào mang về nuôi nuôi nhốt tại xóm 27, xã Xuân Tín. Việc gia đình ông Chiến nuôi nhốt trái phép hổ trong khu dân cư đã từng gây bức xúc và lo lắng cho nhiều hộ dân sinh sống ở khu vực này.
Khi phát hiện đàn hổ nuôi nhốt trái phép này, năm 2007, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký 2 quyết định số 1505/QĐ-UBND và 2320/QĐ-UBND xử phạt vi phạm hành chính ông Nguyễn Văn Tư và ông Nguyễn Mậu Chiến vì nuôi nhốt hổ trái phép.
Các quyết định này cũng giao cho ông Nguyễn Mậu Chiến và ông Nguyễn Văn Tư (là người nhà ông Chiến) tiếp tục nuôi nhốt đàn hổ và lập phương án nuôi nhốt trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, trên nguyên tắc nuôi nhốt phải đảm bảo điều kiện an toàn cho người nuôi và nhân dân trong vùng, an toàn dịch bệnh đối với vật nuôi, có kiến thức khoa học trong chăm sóc, nuôi sinh trưởng, sinh sản để bảo tồn loài động vật này.
Tuy nhiên trại được xây dựng ở khu vực biệt lập (cồn Tàu Voi), người lạ không được ra vào, không đạt mục đích giáo dục môi trường, nghiên cứu khoa học. Từ khi được cấp phép đến nay số lượng cá thể hổ không thay đổi, không có sinh sản tại trại nuôi này nên không đạt mục đích như giấy chứng nhận trại nuôi được cấp (nuôi sinh trưởng, sinh sản để bảo tồn).