Đối với một phóng viên, việc sử dụng thành thạo các kỹ năng nghiệp vụ trong khai thác và thể hiện thông tin là đòi hỏi bắt buộc, giống như người ăn cơm phải biết sử dụng đôi đũa. Nhưng với một phóng viên thường trú ở nước ngoài, nhất là ở một nước có nền báo chí phát triển như Vương quốc Anh, dường như các kỹ năng đó là chưa đủ để tác nghiệp. Phóng viên buộc phải “đa di năng”.
Hai phóng viên TTXVN tại Anh chuẩn bị ghi hình tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Luân Đôn tháng 4/2009. |
Trụ sở của Phân xã TTXVN nằm ở mé tây của thủ đô Luân Đôn, nên chúng tôi thường xuyên phải đi vào trung tâm thành phố. Với diện tích hơn 1.500 km2 và dân số khoảng 8 triệu người, đây là một trong những đô thị lớn nhất châu Âu xét trên hầu hết các phương diện. Vì vậy, việc đi lại mất khá nhiều thời gian và công sức, đòi hỏi phóng viên phải sử dụng thành thạo mọi phương tiện giao thông, từ tự lái xe ô tô tới đi tàu điện, xe buýt và cả... xe đạp (chính quyền thành phố có mạng lưới cho thuê xe đạp ở nhiều địa điểm). Đương nhiên, phương tiện cơ động nhất cho phóng viên vẫn là ô tô, nhưng đi ô tô sẽ thường xuyên gặp cảnh ùn tắc, nhất là những ngày trong tuần. Ngoài ra, tìm được một chỗ đỗ xe thuận tiện luôn là vấn đề đau đầu. Đa số các chỗ đỗ đều ưu tiên cho người dân sống ở khu vực đó. Đỗ sai chỗ sẽ bị phạt tối thiểu 60 bảng, tương đương 2 triệu đồng VN. Nhiều lần đi họp báo, chúng tôi phải chấp nhận để một người ngồi ngoài trông xe để có thể vào tác nghiệp kịp thời gian.
Phóng viên ở nước ngoài phải hoạt động gần như độc lập hoàn toàn. Việc sử dụng các thiết bị hỗ trợ như máy tính, máy ảnh, máy quay phim... không chỉ dừng lại ở mức sử dụng thành thạo mà còn phải làm chủ được chúng. Đơn cử trường hợp máy tính bị nhiễm virút hoặc lỗi phần mềm. Nếu như ở trong nước có thể nhờ bộ phận kỹ thuật xử lý giúp, thì ở nước ngoài phóng viên phải tự xoay xở lấy. Mọi việc không đơn giản là mang ra cửa hàng sửa chữa, bởi ngoài nguyên tắc bảo mật thông tin còn là lý do đắt đỏ (Luân Đôn là nơi có chi phí dịch vụ và sinh hoạt cao nhất thế giới). Vì vậy, chúng tôi phải thường xuyên mầy mò, học hỏi kinh nghiệm để khắc phục mọi sự cố liên quan đến máy tính, từ cài đặt và sử dụng phần mềm, chạy ứng dụng, tới lắp đặt và xử lý các thiết bị ngoại vi như modem, máy in, dây mạng, thiết bị kết nối không dây... phục vụ cho công việc truyền tin.
Với máy ảnh, máy quay phim cũng vậy. Sử dụng các máy du lịch, dạng bán chuyên nghiệp không khó, nhưng với máy chuyên dụng hoặc phần mềm xử lý ảnh và video thì không dễ chút nào, nhất là với những phóng viên chuyên về tin viết. Chúng tôi đã gặp khá nhiều khó khăn khi được cơ quan trang bị cho máy quay video mới dạng chuyên nghiệp, với nhiều chức năng phức tạp và phần mềm xử lý hậu kỳ chuyên dụng. Tuy nhiên với lòng yêu nghề và quyết tâm không phải “tủi thân” khi ra ngoài tác nghiệp, chúng tôi đã dần dần khắc phục và tiến tới làm chủ được các trang thiết bị hiện đại này.
Nói “tủi thân” là bởi trước khi được trang bị máy quay mới, khi tham gia đưa tin họp báo hoặc các hoạt động của người Việt tại địa bàn, chúng tôi thường có tâm trạng này khi chứng kiến đồng nghiệp nước ngoài sử dụng những chiếc máy ảnh và máy quay video tân tiến và chuyên nghiệp nhất. Dù sao xét dưới góc độ thiết bị, phóng viên được trang bị “súng ống” càng to thì càng thể hiện sự chuyên nghiệp cao. Còn nhớ khi đưa tin đoàn lãnh đạo cấp cao của ta sang ký thỏa thuận nâng tầm quan hệ Việt-Anh lên cấp đối tác chiến lược, một nhân viên lễ tân Bộ Ngoại giao phía bạn đã cố che giấu vẻ ái ngại khi nhìn thấy hai chiếc máy ảnh và máy quay của chúng tôi và nhận xét “chưa bao giờ nhìn thấy một êkíp phóng viên có đồ nghề gọn nhẹ như vậy” (!).
Hoặc khi đưa tin Cuộc thi Hoa hậu người Việt tại châu Âu, một khán giả là sinh viên còn sử dụng chiếc máy ảnh và bộ ống kính chỉ thấy ở các phóng viên ảnh chuyên nghiệp, trong khi tôi vẫn mang theo chiếc Canon 350D và ống kính đi kèm. Với nhiều sinh viên du học tại Anh, việc sắm một bộ máy ảnh giá vài ngàn USD không phải là khó khăn. Rất may là sau đó cậu sinh viên đã phải nhờ tôi hướng dẫn cách thiết lập các chế độ trong máy để có thể chụp trong điều kiện thiếu sáng. Lúc đó, tôi không khỏi trào dâng niềm tự hào là một phóng viên TTXVN, dù chỉ với thiết bị “tầm tầm” vẫn có thể cho ra những bức ảnh đẹp.
Tóm lại phóng viên tác nghiệp ở nước ngoài chỉ thành thạo các kỹ năng nghiệp vụ không thì chưa đủ, mà còn phải cần rất nhiều những thiết bị và “ngón nghề” bổ trợ. Giống như anh chàng Robinson, để tồn tại trên đảo hoang phải tự học cách săn bắn, trồng trọt, chăn nuôi. Khát vọng của Robinson là một ngày được trở lại cuộc sống ở đất liền. Còn khát vọng của những phóng viên thường trú ở nước ngoài như chúng tôi là làm sao các tin, bài, ảnh sớm được tới tay người đọc đang ở cách xa hàng chục ngàn cây số.
Vũ Hội (P/v TTXVN tại Anh)