Cơ chế đặc thù đào tạo nguồn nhân lực Tây Nam Bộ

Giáo dục từ bậc học mầm non đến phổ thông của khu vực Tây Nam Bộ mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng đã có bước phát triển đáng kể trong những năm qua. Quy mô học sinh, sinh viên của các trường cao đẳng, đại học trong khu vực tăng lên và ổn định. Ngoài chỉ tiêu đào tạo theo chế độ đặc thù, tỷ lệ học sinh trong vùng trúng tuyển vào các trường đại học ở khu vực ĐBSCL và các trường ở TP Hồ Chí Minh đạt khá cao.

Thoát khỏi “vùng trũng” giáo dục

Đó là đánh giá khách quan của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phạm Vũ Luận tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện “Cơ chế đặc thù đào tạo nguồn nhân lực vùng Tây Nam Bộ” do Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức mới đây tại Cần Thơ.

Giờ tập thể dục ngoài trời của các cháu trường mầm non 30 tháng 4, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, TP Sóc Trăng. Ảnh: An Hiếu - TTXVN


Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, Bộ GD&ĐT sẽ đề xuất Thủ tướng Chính phủ xin kéo dài Cơ chế đặc thù đào tạo nguồn nhân lực vùng Tây Nam Bộ trong thời gian tới, đồng thời đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành, các cơ sở đào tạo trong vùng bên cạnh làm nhiệm vụ đào tạo cần phải quan tâm đến công tác đào tạo lại và bồi dưỡng, cập nhật cho đội ngũ thầy cô giáo. Các trường ngoài việc dạy, học theo phương thức truyền thống cần phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng đào tạo...

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, từ khi có Quyết định số 1033 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng ĐBSCL giai đoạn 2011 - 2015 và triển khai thực hiện Cơ chế đặc thù đào tạo nguồn nhân lực vùng Tây Nam Bộ, các tỉnh, thành phố trong khu vực đã từng bước thoát khỏi “vùng trũng” giáo dục. Các tỉnh, thành phố trong vùng đã triển khai đồng bộ các giải pháp và đạt được nhiều kết quả quan trọng về giáo dục và đào tạo, góp phần nâng cao trình độ dân trí, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm…

Sau 3 năm thực hiện cơ chế chính sách đặc thù về đào tạo nhân lực, các tỉnh, thành trong vùng đã có khoảng 72.500 sinh viên đại học; 42.200 sinh viên hệ cao đẳng, 4.026 học viên cao học và 234 nghiên cứu sinh.

Xuất phát từ những yêu cầu thực tiễn ở vùng ĐBSCL, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã phối hợp với các tỉnh, thành phố trong vùng có sáng kiến, đề xuất xây dựng cơ chế đặc thù đào tạo nguồn nhân lực trong vùng và được Bộ GD&ĐT đồng thuận, phối hợp triển khai thực hiện. Với mục tiêu tạo bước đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững vùng ĐBSCL. Bộ GD&ĐT có nhiều sáng kiến giải quyết kịp thời, phối hợp Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Bộ Y tế, lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong vùng tích cực triển khai thực hiện nhiều biện pháp để phát triển giáo dục và đào tạo cho vùng.

Cụ thể, cho phép các trường đại học trong vùng tuyển sinh, đào tạo theo hình thức cử tuyển, xét tuyển, đào tạo theo địa chỉ sử dụng, đồng thời cho phép các trường đại học ngoài khu vực Tây Nam Bộ liên kết với các trường trong vùng đủ điều kiện để đào tạo nguồn nhân lực trên các lĩnh vực. Đối với đào tạo theo hình thức cử tuyển, xét tuyển theo địa chỉ sử dụng đã đào tạo được 4.409 sinh viên đại học; 2.180 học viên cao học; chính sách cử tuyển đối với học sinh 22 huyện biên giới, hải đảo khó khăn, toàn vùng cử được 547 sinh viên đại học; 50 sinh viên cao đẳng, 100 học viên trung cấp.

Vẫn còn những khó khăn

Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện vẫn còn những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện cơ chế đặc thù đào tạo nguồn nhân lực vùng Tây Nam Bộ. Đặc biệt là trình độ học vấn trong vùng còn thấp, cuộc sống và điều kiện đi lại của người dân còn khó khăn. Thời gian xác định nhu cầu nhân lực cần đào tạo hàng năm của địa phương chưa kịp thời gian tuyển sinh. Các trường bị động trong việc lập kế hoạch tuyển sinh theo chính sách cử tuyển...

Buổi học nghệ thuật múa Khmer của sinh viên khoa Ngôn ngữ, Trường Đại học Trà Vinh. Ảnh: Trọng Đạt – TTXVN


Tính đến hết năm 2014, vùng Tây Nam Bộ mới đạt được 172 sinh viên/vạn dân (bình quân của nước là 240 sinh viên/vạn dân). Còn 332/1.611 xã chưa có bác sĩ, bình quân 5,1 bác sĩ/vạn dân, so với bình quân chung cả nước là 7,5 bác sĩ/vạn dân... Ngoài ra, nhiều cơ sở đào tạo được giao nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho vùng, nhưng thời gian thực hiện tuyển sinh quá ngắn, các địa phương không thể triển khai kịp theo yêu cầu, việc phân bổ chỉ tiêu cho tỉnh, thành còn chậm, chưa sát với thực tế và nhu cầu của từng địa phương...

Các địa phương kiến nghị Bộ GD&ĐT cần quy định chỉ tiêu tuyển sinh theo chính sách đặc thù được tính trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh được giao hằng năm. Xem xét giảm chi phí học tập và tạo điều kiện cho các sinh viên theo cơ chế đặc thù bằng việc đóng học phí như các sinh viên trúng tuyển chính thức. Cho phép tăng chỉ tiêu lên 20 - 25% đối với ngành Khoa học sức khỏe và 25 - 30% đối với các ngành khác cho khu vực Tây Nam Bộ...

Đối với lĩnh vực y tế, nhiều tỉnh, thành và các trường đề nghị Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế giao cho Trường Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh, Đại học Y Dược Cần Thơ, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đào tạo hệ chính quy và liên thông theo địa chỉ sử dụng với số lượng 314 bác sĩ ở 5 chuyên ngành hiếm (lao, phong, tâm thần, giải phẫu bệnh và pháp y)...

Ngọc Thiện
Kỳ thi THPT quốc gia là giải pháp đột phá đổi mới giáo dục
Kỳ thi THPT quốc gia là giải pháp đột phá đổi mới giáo dục

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có buổi làm việc với UBND Thành phố Hồ Chí Minh và đại diện 8 cụm thi tại Thành phố Hồ Chí Minh về công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2015.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN